Làng tượng hơn 100 năm giữa Sài Gòn

22/05/2018 - 08:40

PNO - Trong con hẻm 1017 (quận 6), thoáng chốc từng tiếng gõ lạch cạch lại vang lên từng hồi. Đây là nơi tồn tại của làng nghề tạc tượng truyền thống trên 100 năm tại Sài Gòn.

Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon

Làng nghề đặc biệt này thực chất chỉ có hơn 10 hộ dân mở cơ sở đúc tượng, duy trì dưới hình thức cha truyền con nối bao quanh khu vực chùa Giác Hải (1017/15, Hồng Bàng, phường 1, quận 6).

Đi dọc theo con hẻm 1017 Hồng Bàng, không khó bắt gặp được hàng chục bức tượng được xếp dọc theo lối đi dẫn vào hẻm. Có những bức tượng đã hoàn thành, chỉ chờ người đến nhận, cũng có những bức còn đang làm dang dở. Những người thợ tạc tượng lành nghề đang chăm chút vào từng nét vẽ, đường tạc.

Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon
Mỗi bức tượng dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua nhiều công đoạn. Bước đầu là đúc tượng bằng bê tông (xi măng, sắt thép, cát), ráp khuôn (ghép các phần của tượng lại với nhau), trét thạch cao, chà giấy nhám và bước cuối cùng là sơn tượng. 
Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon
Đối với những người thợ tạc tượng, công đoạn khó nhất là tạc khuôn mặt. Bởi, thông điệp nhân văn và cái hồn của bức tượng đều thể hiện qua khuôn mặt.
Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon

“Nghề này không phải ai cũng làm được, phải có hoa tay và có cái tâm mới làm được. Có thợ làm lâu năm nhưng đến khi tạc khuôn mặt pho tượng lại vô hồn, bị thô thì coi như hỏng”, ông Mai Văn Thuấn (62 tuổi, 345/54 Hùng Vương, P.12, Q.6) chia sẻ. 

Ông cho biết, làng nghề được hình thành từ trước năm 1975, thời điểm cụ thể ra đời như thế nào thì ông không rõ. “Tôi chỉ nhớ khi tôi sinh ra thì làng nghề này đã tồn tại và phát triển nhộn nhịp lắm rồi. Ông nội truyền cho ba tôi, ba tôi lại truyền cho các con, cứ như vậy đến tôi là đời thứ 3 rồi”.

Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon

Thợ tạc tượng nếu có hoa tay sẽ học rất nhanh, còn không thì dù học 2 – 3 năm chưa chắc đã làm được bức tượng hoàn chỉnh. Người bắt đầu vào nghề sẽ đi từ những bước căn bản như chà giấy nhám, tô màu, trét thạch cao... sau dần cứng tay nghề mới chính thức tạc tượng.

Sau khi cha mất, ông Thuấn tiếp tục nghề và mở rộng kinh doanh. Trong gia đình ông có 4 anh chị em thì đã có 3 người cùng tiếp tục làm nghề. Đơn hàng nhiều, ông tuyển thợ về làm thêm mở rộng quy mô sản xuất.

Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon

Nghề đúc tượng quanh năm làm không hết việc; đặc biệt vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 7, làng nghề càng trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn. Để làm ra một bức tượng, tùy theo kích thước lớn nhỏ mà người thợ phải miệt mài từ 10 ngày đến hơn một tháng, có những pho tượng cầu kỳ phải tạc vài tháng mới hoàn thành.

Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon

Trong xưởng, những sản phẩm đã hoàn thiện được bọc giấy kiếng cẩn thận và xếp ngay ngắn trên các giá đỡ. Đây đều là tượng đã có người đến đặt hàng, hẹn ngày lấy nên cần phải bảo quản cẩn thận, tránh để bụi bám làm bẩn màu sơn. 

Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon
“Người đặt ít thì gói lại để lên xe là chở về nhà được. Có những người đặt số lượng nhiều, tượng lớn hay ở xa là phải vận chuyển. Người đặt hàng từ khắp nơi, miền tây, miền Bắc đều có đủ", ông Thanh, ngụ 1017/1 Hồng Bàng, phường 1, quận 6 chia sẻ.
Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon

Chị Hoàng Thị Lan, nhân công lành nghề trong cơ sở của ông Mai Văn Tuấn cho biết, thu nhập trung bình ở đây khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Những lao động siêng năng và chịu khó làm tăng ca thì sẽ được thưởng thêm, có khi lên đến chục triệu đồng mỗi tháng.

Công việc chính của chị Lan và các chị em phụ nữ ở đây là làm các công đoạn chà giấy nhám, phun sơn, vẽ màu. Tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, mềm mại, tỉ mỉ.

Lang tuong hon 100 nam giua Sai Gon
Giữa Sài Gòn tấp nập, làng nghề tạc tượng vẫn lặng lẽ tồn tại từ bao đời nay, không chỉ mang lại nét đẹp của đời sống tâm linh mà còn là nơi tạo điều kiện mưu sinh cho cuộc sống của rất nhiều người dân lao động nơi đây.

Ngọc Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI