Kinh doanh trên Facebook cũng là kinh doanh

17/11/2017 - 12:13

PNO - Có thể ví Facebook như một cái thương xá mà người kinh doanh có thể vào mở quầy bán hàng (chỉ khác là không phải trả tiền thuê chỗ). Kinh doanh ở đâu cũng là kinh doanh nên người bán vẫn phải tuân thủ luật định.

Sáng 16/11/2017, khi là quan chức chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời trong phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết luật quản lý thuế đang được hoàn thiện.

Riêng về việc thu thuế đối với các loại hình kinh doanh – dịch vụ xuyên biên giới trên Internet, ông nói rằng Uber, Grab đã kê khai và sắp tới sẽ áp dụng trên Facebook.

Thật ra, ở đâu cũng vậy, không phải do Việt Nam muốn làm khó người ta đâu, hễ kinh doanh thu lợi nhuận là đối tượng kinh doanh phải làm các nghĩa vụ thuế má theo luật định của nước sở tại. Vấn đề nằm ở chỗ thực thi như thế nào. Chính do những lúng túng, bất cập dẫn tới áp đặt nên cách làm dễ gây "bão mạng".

Kinh doanh tren Facebook cung la kinh doanh
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời trong phiên chất vấn của Quốc hội.

Mấu chốt vấn đề là ta phải nhận thức rằng Facebook, YouTube hay các mạng xã hội quốc tế xuyên biên giới khác chỉ là phương tiện, hay trong kinh doanh có thể ví như cái chợ.

Mà xưa nay, chủ chợ chỉ phải làm nghĩa vụ thuế đối với những khoản doanh thu mà minh được hưởng từ kinh doanh chợ và cũng không phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những gì người ta bày bán trong chợ.

Chính những người bán hàng mới là đối tượng trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kinh doanh của mình và phải làm các nghĩa vụ đối với nhà nước.

Một người dùng Facebook có tài khoản là Sun Danfeng hỏi Facabook rằng: Cô muốn tạo một trang bán hàng trên Facebook để bán mỹ phẩm thông qua Facebook, vậy cô có phải đóng thuế cho nhà nước không?

Bạn Rose thuộc đội ngũ trợ giúp của Facebook trả lời: Khoản C của Điều 11 trong Thỏa thuận Bán hàng thương mại (Commerce Product Merchant Agreement) của Facebook được cập nhật tháng 4/2017 có quy định rõ: Người bán hàng là người duy nhất phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các loại thuế, phí, chi phí bổ sung cho việc bán hàng trên Facebook.

Cái khó của ta là việc quản lý người kinh doanh, ngay cả trong cuộc sống thật chứ đừng nói chi trên không gian mạng, còn quá nhiều bất cập. Ở các nước tiên tiến, người ta thanh toán qua ngân hàng, hạn chế dùng tiền mặt, có luật định chi li và xử lý nghiêm minh, phạt rất nặng đối với các hành vi trốn thuế, tránh thuế.

Nói đơn giản là nhà chức trách quản lý rất chặt hoạt động thu chi của người dân (tất nhiên họ có những biện pháp quản lý để người ta không cảm thấy khó chịu, bị quản mà vẫn như không).

Kinh doanh tren Facebook cung la kinh doanh
Kinh doanh ở đâu cũng là kinh doanh nên người bán vẫn phải tuân thủ luật định.

Nhân đây xin nói thêm, gần đây ngành Tài chính có ý định sẽ thu thuế kinh doanh trên Facebook đối với những món hàng trị giá từ 1 triệu đồng trở lên hay trên 2 lần bán hàng dưới 1 triệu đồng mỗi ngày.

Thoạt nhìn, người ta có thể thấy đây là hạn mức hợp lý, thậm chí quá ưu ái so với người kinh doanh truyền thống. Theo luật định hiện hành, cá nhân kinh doanh chịu thuế theo hình thức khoán sẽ phải nộp 2 loại thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu doanh thu đạt từ 100 triệu đồng trở lên một năm.

Suy diễn ra, người kinh doanh trên mạng mà mỗi ngày bán được 1 triệu đồng hàng hóa để bị chịu thuế sẽ có tổng doanh thu một năm lên tới hơn 300 triệu đồng (với điều kiện ngày nào cũng có doanh thu như vậy).

Tuy nhiên, xét dưới nhiều góc độ, cách tính thuế như vậy có thể gọi là một dạng tận thu, đếm cua trong lỗ. Nó được nghĩ ra do cơ bản nhà chức trách không quản lý được hoạt động thu chi của người dân, cứ dùng tiền mặt là chính.

Ai cũng có thể dễ dàng nhận ra những lỗ hổng của cách tính thuế như thế này. Người bán có thể dễ dàng né tránh bằng cách yêu cầu ai muốn mua hàng thì trao đổi riêng bằng cách Inbox (tin nhắn trong ứng dụng) hay gọi điện thoại. Đố cơ quan chức năng nào biết được họ mua bán bao nhiêu mỗi ngày.

Ở đây sẽ phát sinh ra yêu cầu quản lý các dịch vụ giao hàng và thu hộ theo hình thức COD (Cash On Delivery, trả tiền khi nhận hàng). Nhà chức trách sẽ buộc các dịch vụ này phải kê khai các hợp đồng thu hộ. Và như vậy, chẳng bao người bán hàng dám thuê các dịch vụ này nữa mà họ có 1001 cách khác để thu tiền ngoài vòng phủ sóng.

Lẽ đương nhiên không phải vì không thu được thuế của những người bán hàng trong chợ mà nhà chức trách cho mình có quyền giận cá chém thớt bắt phạt chợ hay đóng cửa chợ. Làm vậy đâu khác gì bắt người khác phải chịu trách nhiệm cho sự yếu kém của mình.    

Theo tôi, vấn đề căn cơ và lâu dài vẫn ở 2 điểm:

1. Nhanh chóng triển khai một cách hiệu quả chương trình quốc gia thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã phê duyệt đề án từ năm 2006 (Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006) và năm 2016 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016).

Hàn Quốc từ năm 2007 và Đài Loan từ năm 2000 đã có những hình thức linh hoạt để thu hút nhà kinh doanh lẫn khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ Tài chính Đài Loan đã tiến hành quay xổ số hóa đơn tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ, định kỳ 2 tháng một lần với nhiều mức giải thưởng từ 200 Đài tệ (tương đương 226.000 đồng) tới 10 triệu Đài tệ (7,5 tỷ đồng).  

2. Hoàn chỉnh các luật định có liên quan tới thuế và thực thi nghiêm minh chúng. Tất nhiên các luật định này phải thực tế và văn minh, đặc biệt phù hợp với nền kinh tế số.

Chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm có thể học hỏi từ thế giới chung quanh để xử lý hầu như mọi vấn đề nan giải thay vì phải mất công mò mẫm rồi tệ hơn cả là tự nghĩ ra những cách làm theo ý chủ quan của mình. Chỉ cần chịu học và chịu làm là "Vừng ơi, hãy mở ra!"

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI