Khi doanh nghiệp bán lẻ hàng công nghệ lấn sân hàng tiêu dùng

26/06/2017 - 16:18

PNO - Từ thương vụ hợp tác mới đây giữa Hoàng Anh Gia Lai và Thế Giới Di Động trong việc cung cấp nông sản trái cây cho hệ thống Bách Hóa Xanh cho thấy, doanh nghiệp lớn lĩnh vực công nghệ đang nỗ lực phát triển thị trường mới.

Tăng trưởng kém, lấn sân là tất yếu

Ở lĩnh vực công nghệ, Thế Giới Di Động, FPT Shop, Digiworld, hay Hnam Mobile là những tên tuổi được nhiều người dùng biết đến. Tuy nhiên, ở vào thời điểm thị trường di động trở nên bão hòa, việc mở rộng ngành nghề để tăng trưởng là cần thiết.

Bách Hóa Xanh (trực thuộc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động - MWG) nhắm đến các bà nội trợ, và dự kiến giai đoạn 2018 – 2020 sẽ mở 6000 – 8000 cửa hàng nhưng hiện nay chỉ mới mở tại hai quận vùng ven TP.HCM và vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Khi doanh nghiep ban le hang cong nghe lan san hang tieu dung
Dù đã có mặt trên thị trường khá lâu nhưng Bách Hóa Xanh vẫn chưa tìm ra được công thức thành công để mạnh dạn mở rộng hệ thống cửa hàng.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo MWG đã xác định Bách Hóa Xanh là mục tiêu đầu tư chính khi chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã đến giới hạn. Theo kế hoạch, trong năm 2017, MWG sẽ chi khoảng 500 tỷ đồng để phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh lên 300 cửa hàng trên cả nước.

Trong khi Bách Hóa Xanh của MWG bán thực phẩm, tạp hóa thì FPT Shop lại kết hợp với Vinamilk để mở các cửa hàng bán sữa. Bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Retail cho hay, kinh doanh sữa là bước đi có tính toán và nghiêm túc của đơn vị này và nếu thành công thì trong thời gian tới sẽ có chuỗi cửa hàng bán sữa mang tên F Milk chẳng hạn. Tuy nhiên, từ khi hai bên ký kết vào tháng 10 năm ngoái đến nay, đã qua 8 tháng mà cửa hàng sữa của FPT Retail vẫn còn quá lèo tèo.

Việc sụt giảm doanh thu cũng khiến Digiworld - nhà phân phối hàng công nghệ đứng thứ ba tại Việt Nam, nghĩ đến hướng đi mới, đó chính là lấn sân sang thực phẩm chức năng.

Đại diện Digiworld cho biết, sở dĩ chọn dược phẩm mà cụ thể là thực phẩm chức năng là do thị trường này đang rất tiềm năng nhưng chưa có nhà bán lẻ hay nhà phân phối nào đủ mạnh ở lĩnh vực này. Digiworld sẽ tham gia bằng cách vừa phân phối vừa làm các hoạt động tiếp thị và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn còn quá sớm để biết được kết quả và cũng chưa có cơ sở nào để đảm bảo sẽ thành công.

Tuy không xếp vào danh sách “ông lớn” nhưng Hnam Mobile cũng phủ rộng với gần 20 cửa hàng di động tại TP.HCM. Mới đây, hệ thống này đã mở thêm danh mục kinh doanh qua mạng sản phẩm nước hoa dành cho cả nam lẫn nữ.

Loay hoay tìm công thức

Thành công ở lĩnh vực công nghệ, nhưng khi “vươn vòi” sang lĩnh vực hàng tiêu dùng, các tên tuổi đề cập ở trên chưa hẳn cũng sẽ thành công. Bởi lẽ, với đặc thù của ngành hàng mới, các doanh nghiệp công nghệ không thể áp dụng công thức thành công bấy lâu nay mà bắt buộc phải đi tìm một công thức mới, phù hợp hơn. Dĩ nhiên, hành trình đi tìm công thức chẳng dễ dàng và trong thời gian ngắn mà có được, có khi còn phải trả giá rất đắt.

Khi doanh nghiep ban le hang cong nghe lan san hang tieu dung
Đã tám tháng trôi qua nhưng cửa hàng bán sữa của FPT Shop và Vinamilk vẫn lèo tèo.

Như trường hợp của MWG, mặc dù gặt hái thành công với chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, tiếp sau đến hệ thống Điện Máy Xanh, nhưng chính ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT MWG cũng thừa nhận còn đang tìm công thức thành công cho Bách Hóa Xanh trước khi mở rộng hệ thống này, có nghĩa là vẫn đang tìm chứ chưa biết khi nào tìm thấy.

Còn ông Hoàng Phú Nam, sáng lập Hnam Mobile, cho biết đã phải cân nhắc và bàn bạc khá kỹ lưỡng mới mở bán nước hoa, nhằm tận dụng tên tuổi, hệ thống, quy trình quản lý, tệp khách hàng... Tuy nhiên, ông Nam cho hay bán nước hoa không giống với bán điện thoại nên mọi thứ chỉ mới ở bước thăm dò, mục tiêu ban đầu đặt ra cũng rất thấp.

Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên cho biết, dân kinh doanh điện thoại di động toàn quốc chuyển nghề rất nhiều, có người chuyển qua làm nhà hàng, mở café, kinh doanh BĐS, bán gạch lót nhà,... Ngay chính ông Nguyên cũng được bạn bè rủ rê kinh doanh rau sạch Đà lạt, trái cây Mỹ,… nhưng ông vẫn bám trụ với mặt hàng công nghệ theo đúng đam mê và định hướng ban đầu.

Có thể nói, kinh doanh khó khăn khi thị trường di động bão hòa, mỗi doanh nghiệp phải luôn tự thân vận động tuỳ theo khả năng để mở rộng lĩnh vực kinh doanh và tìm hướng đi mới. Tuy nhiên, lấn sân ngành ngoài là bước vào một chiến trường mới, mọi thứ đều phải học nhưng nếu làm không khéo doanh nghiệp công nghệ sẽ mất nét, mất chất và sẽ bị người tiêu dùng dần lãng quên.

Tuấn An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI