Khách than đặt Grab giao hàng tạm ứng không tài xế nhận

05/06/2018 - 07:22

PNO - Vừa ra mắt cách đây không lâu, dịch vụ giao hàng tạm ứng của Grab (Grab Express) đã nhận về không ít phàn nàn của khách; trong khi đó tài xế vẫn còn khá dè chừng vì sợ "ôm nợ".

Tài xế lo bị "bỏ bom", ôm hàng

Mới đây, Grab đã ra mắt dịch vụ giao hàng tạm ứng để phục vụ cho những khách hàng có nhu cầu giao hàng nhưng cần khoản tiền ứng trước để đảm bảo.

Quy định của dịch vụ khá rõ ràng và phù hợp đối với các chủ shop. Nếu chủ shop muốn đặt giao hàng qua Grab thì họ có thể nhận được thanh toán trước cho món hàng từ tài xế Grab. Sau đó, món hàng khi đến tay khách thì số tiền tạm ứng sẽ được hoàn lại cho tài xế.

Trường hợp người mua hàng và muốn dùng Grab để giao nhận thì tài xế có thể ứng trước chi phí thanh toán món hàng. Khi nhận hàng, người mua sẽ hoàn lại số tiền đã ứng trước.

Khach than dat Grab giao hang tam ung khong tai xe nhan
Nhiều ý kiến nghi ngại về dịch vụ mới của Grab.

Nhìn qua thì dịch vụ này không khác nhiều so với các hình thức shipper hiện nay. Hầu hết những shipper đều được nhận yêu cầu ứng tiền trước cho shop và hoàn lại sau khi món hàng đến tay khách.

Tuy nhiên, Grab cũng ràng buộc với tài xế và khách hàng ở khoản chi phí tạm ứng. Theo đó, các tài xế Grab chỉ nhận tạm ứng cho các đơn hàng có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống. Đồng thời phải ghi rõ số tiền để tài xế Grab đối chiếu và chuẩn bị tiền trước khi giao hàng.

Grab cũng khuyến khích tài xế có thể cùng lúc chạy 2 dịch vụ GrabBike và Grab giao hàng để tăng thu nhập và giảm thời gian chờ cuốc. Trên thực tế, rất nhiều tài xế thường chạy cả hai dịch vụ để có thêm thu nhập, có cuốc xe GrabBike thì chạy GrabBike, có cuốc xe giao hàng thì chạy giao hàng và đặc biệt là giá của Grab Express hiện tại cao hơn giá GrabBike.

Trong khi giá Grabbike 12.000/2km đầu tiên, km tiếp theo 3.800/1km thì Grab giao hàng 15.000/2km đầu tiên, km tiếp theo 5.000/1km. 

Khach than dat Grab giao hang tam ung khong tai xe nhan
Nhiều tài xế không mặn mà với dịch vụ mới của Grab.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, dịch vụ này vừa ra mắt nhưng chưa thu hút được tài xế Grab tham gia vì lo ngại nguy cơ bị quỵt hàng, “bỏ bom” từ phía khách.

Anh Đức, một tài xế GrabBike chia sẻ: “Rủi ro lắm. Nhỡ tạm ứng cho người bán xong, qua đến người mua, họ không trả tiền, vì không thích hàng hoá nữa, đổi ý không mua, bác tài phải chạy về người bán đòi lại tiền. Bác tài chạy xe không hết cuốc mà dính vào chuyện này hết giờ chạy cuốc mới luôn”.

Ngoài ra, anh Đức cũng cho biết rất nhiều tình huống lừa đảo khiến tài xế thiệt hại lớn. Anh kể lại, đã có trường hợp lừa đảo vì dịch vụ tương đương, khi sử dụng Grab giao hàng.

“Người đặt Grab giao hàng (một dịch vụ khác của Grab) với chuyến xe 55.000 đồng, bảo tài xế ứng trước 500.000 đồng cho hàng hóa chuyển đi. Sau khi chuyển hàng đến nơi thì mới biết là một chiếc điện thoại di động anh ta lấy trộm của người khác, bị camera ghi lại nên đặt Grab chuyển trả cho người chủ”, anh Đức kể.

Tương tự, anh Hoàng, tài xế GrabBike từng bị “bỏ bom” nguyên đơn hàng toàn… đồ ăn. Nguyên do là một chủ quán ăn khi bán đồ ăn ế đã đặt vài tài xế Grab đến lấy đồ ăn trả tiền trước và giao đến địa chỉ ảo.

“Chưa kể phải vận chuyển những mặt hàng cấm, vi phạm luật pháp… Đó là lý do mà tài xế Grab không ai muốn chuyển hàng theo kiểu tạm ứng. Rất nhiều khách hàng lợi dụng lỗ hổng dịch vụ để có thể trục lợi và lừa đảo, kiếm chác. Nhiều khi thấy bạn bè xung quanh dính đơn hàng cả mấy trăm nghìn đồng mà tức không chịu được. Thời gian lâu dài thì tài xế đổ nợ luôn”, anh Hoàng nói thêm.

Khach than dat Grab giao hang tam ung khong tai xe nhan
Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" của tài xế được chia sẻ.

Trước đó, Grab từng cho ra mắt dịch vụ Grab giao hàng nhưng với điều kiện là tài xế không nhận thanh toán cho khách mà chỉ nhận vận chuyển và nhận chi phí cuốc xe (chỉ giao không tạm ứng).

Thế nhưng, thực tế vẫn có một số khách và tài xế tự thỏa thuận với nhau về mức chi phí tạm ứng. Khi tình huống không mong muốn xảy ra, Grab từ chối giải quyết vì trong thỏa thuận khẳng định không cho tài xế tạm ứng.

Khách phàn nàn đặt xe không ai nhận

Sau khi triển khai dịch vụ, phía Grab cũng tích cực giải quyết thắc mắc của tài xế và khách hàng để đảm bảo lợi ích đôi bên. Trước chuyện tài xế có nguy cơ đối mặt với “hàng cấm”, hàng hóa trái pháp luật, Grab khẳng định, sau khi nhận hàng từ người gởi các tài xế được quyền kiểm tra hàng nếu không có tem niêm phong hoặc tem bảo hành. Tài xế được phép kiểm tra hàng tránh tình trạng khách hàng lợi dụng dịch vụ để giao những chất cấm.

Trường hợp đến đúng địa điểm và thời gian hẹn với người nhận mà người nhận không bắt máy, hoặc vì lý do gì đó khách hàng không có ở đó, Grab sẵn sàng giải quyết cho tài xế nếu mang món hàng đó lên trụ sở của Grab (268 Tô Hiến Thành, tầng 2) để nộp cho công ty kèm theo giấy tờ liên quan để tránh chịu trách nhiệm về món hàng đó.

Khach than dat Grab giao hang tam ung khong tai xe nhan
 
Khach than dat Grab giao hang tam ung khong tai xe nhan
Khách hàng bức xúc về dịch vụ giao hàng tạm ứng của Grab.

Mặc dù có quy định khá nghiêm ngặt về các điều khoản, tiêu chuẩn mặt hàng và giá tiền của dịch vụ, tuy nhiên rất nhiều tài xế vẫn lo ngại và chấp nhận “quay lưng” với dịch vụ.

Có thể thấy, sau thời gian triển khai dịch vụ giao hàng tạm ứng, rất nhiều lời phàn nàn được gửi về trang chính thức của Grab. Hầu hết đều cho rằng sau khi đặt dịch vụ thì tài xế đều không nhận vận chuyển và khách hàng phải tự hủy đơn.

“Ra dịch vụ này làm chi vậy. Sử dụng không được, không tài xế nào nhận. Gọi qua giao hàng bình thường thì được một người, nhờ ứng trước 70.000 đồng trả trước tiền hàng, còn 39.000 đồng chi phí giao hàng (hàng giao khách lấy 110.000) thì tài xế cũng không nhận; trong khi hàng chỉ là 2 kg bơ nếp giao cho khách. Làm không hiệu quả thì bỏ đi”, một tài khoản bức xúc nói thêm.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI