Hàng Việt xuất ngoại qua kênh siêu thị: Bánh ngon không dễ ăn

27/06/2017 - 08:00

PNO - Thông qua các kênh siêu thị lớn như Co.op Mart, Lotte, Big C, Aeon…, hàng Việt đang có cơ hội rất lớn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Đây cũng là giải pháp đang được Bộ Công Thương xúc tiến, nhằm giảm khâu trung gian khi bán hàng ra nước ngoài.

Cơ hội?

Những ngày này, siêu thị Lotte đang tất bật chuẩn bị những lô hàng mang thương hiệu Choice L do chính các doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất sang thị trường Myanmar. Các sản phẩm xuất đi thuộc ngành hàng dành cho gia đình như thực phẩm, nước giặt, dụng cụ nhà bếp… trị giá ban đầu khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Yoon Byung Soo - Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart VN tự tin: “Đây không phải là những lô hàng đầu tiên mà hệ thống siêu thị này xuất khẩu. Năm ngoái, tổng trị giá hàng Việt mà Lotte Hàn Quốc đã nhập khẩu đạt 1.300 tỷ đồng. Năm nay, giá trị tăng lên khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, LOTTE Mart ở Indonesia và Trung Quốc nhập khẩu tầm khoảng 100 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ hàng Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng thế giới tin dùng và lựa chọn. Dự tính chúng tôi sẽ đẩy mạnh nhiều nông sản như: chuối, xoài, thanh long... của VN ra thị trường thế giới”.

Hang Viet xuat ngoai qua kenh sieu thi: Banh ngon khong de an
Lotte Mart sẽ đẩy mạnh nhiều nông sản như chuối, thanh long,... của VN ra thị trường nước ngoài.

Aeon cũng cho hay, siêu thị đã xuất khẩu hàng hóa của VN qua các hệ thống của Aeon tại Châu Á và Nhật Bản. Những sản phẩm được ưa chuộng là cá tra, hàng may mặc, giày dép… Riêng năm 2016, Aeon đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của VN để xuất khẩu. Hệ thống Big C cũng tích cực hỗ trợ, đưa hàng Việt vào tiêu thụ trong tại các nước Châu Âu với giá trị hàng hóa lên đến vài chục triệu USD.

Về phía Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc cho biết, thông qua đối tác NTUC Fair Price (Singapore), Saigon Co.op đã xuất khẩu gần 200 container các loại nông sản như thanh long, khoai lang, phi lê cá ba sa và một số sản phẩm hàng nhãn riêng Co.opMart sang Singapore trong năm 2016. Theo ông Đức, thị trường Singapore vốn khó tính nhưng đã tiếp nhận hàng nông sản và hàng khô của VN. Hiện, nhiều mặt hàng trong nước đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng tại đảo quốc sư tử.

Thế nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào đáp ứng các tiêu chí về chất lượng cũng có thể xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống bán lẻ hiện đại. Công ty TNHH Hương Quế có hơn 10 năm xuất khẩu các sản phẩm giày dép, túi thơm từ gỗ và vỏ cây quế, đã xuất sang 11 quốc gia như Đức, Pháp, Nhật, Thái Lan … nhưng cũng chưa đưa được hàng trực tiếp vào chuỗi siêu thị tại các nước này. Bởi lẽ, công ty này là DN nhỏ nên khó đàm phán, phải chấp nhận xuất khẩu qua các khâu trung gian. Sản phẩm của công ty vì thế cũng phải mang thương hiệu của nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối sỉ.

Hang Viet xuat ngoai qua kenh sieu thi: Banh ngon khong de an
Hơn 10 năm xuất khẩu sản phẩm sang 11 quốc gia nhưng công ty Hương Quế vẫn chưa được được hàng trực tiếp vào siêu thị các nước này mà phải mang thương hiệu của nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối sỉ.

“Các nhà nhập khẩu chấp nhận chất lượng, giá cả hàng hóa nhưng không mang thương hiệu Việt. Điều này cần phải được lưu ý khi ký các hiệp định thương mại với các nước. Qua đó, các sản phẩm tốt của Việt Nam đã được các nước chấp nhận thì họ phải biết đó là sản phẩm của VN và của DN nào sản xuất” – đại diện công ty Hương Quế bày tỏ.

Không dễ ăn

Vài năm gần đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối Châu Âu như Casino (Pháp), Metro Cash & Carry và Sehrgros (Đức), Makro (Czech), Coop và Conad (Ý), Aeon và Lotte ở Châu Á tổ chức chương trình Tuần hàng VN nhằm quảng bá hàng trong nước và kết nối trực tiếp DN với các chuỗi phân phối.

Trong năm 2017, Bộ Công Thương cũng đã kết nối giữa đoàn DN Việt với 7 tập đoàn phân phối lớn của Châu Âu và Châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon... Các giải pháp này giúp kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon tăng từ 18,2 tỷ yên năm 2013 lên khoảng 23,4 tỷ yên năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu vào Lotte đạt 19,6 triệu USD năm 2014, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Casino tăng mạnh, lên 30 triệu USD trong năm 2015…

Mục tiêu hướng đến là tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác thông qua các sản phẩm thế mạnh như: dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ nội thất...

Để hàng Việt có mặt tại các hệ thống phân phối trên toàn thế giới phải qua rất nhiều khâu trung gian, với nhiều hình thức xuất khẩu khác nhau, khiến giá sản phẩm tăng cao khi đến người dùng. Do đó, việc kết nối giữa kênh siêu thị ngoại với DN trong nước là rất cần thiết.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại VN được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như Đức với chuỗi siêu thị Metro, Pháp có tập đoàn Bourbon. Từ đó, DN xuất khẩu VN bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại VN. Để hàng Việt có mặt tại các hệ thống phân phối trên toàn thế giới phải qua rất nhiều khâu trung gian, với nhiều hình thức xuất khẩu khác nhau, khiến giá sản phẩm tăng cao khi đến người dùng. Do đó, việc kết nối giữa kênh siêu thị ngoại với DN trong nước là rất cần thiết.

Dẫu thế, để hiện thực hóa được những bước đi vững chắc cho hàng hóa Việt “xâm nhập” và có chỗ đứng tại các gian hàng siêu thị quốc tế, đòi hỏi DN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, truy suất đúng nguồn gốc đến phân phối, tiêu thụ… Theo các nhà bán lẻ nước ngoài, để đưa hàng Việt “xuất ngoại”, các nhà cung cấp trong nước cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa. Bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả.

Ông Yoon Byung Soo chia sẻ, chất lượng sản phẩm Việt chưa đồng nhất; thiết kế, mẫu mã đóng gói còn chưa bắt mắt. Nếu thiết kế bao bì của hàng Việt không bắt mắt, khách hàng sẽ không mua sản phẩm của mình. “Ở VN, tôi chưa tìm thấy những sản phẩm đóng gói đẹp mắt như ở Hàn Quốc hay các quốc gia khác. Đặc biệt ở VN thường sử dụng chủ yếu những màu như màu đỏ hoặc màu xanh, trong khi theo xu thế của thế giới thì bao bì thường không sử dụng nhiều màu sắc mà chủ yếu là sử dụng màu đen hoặc 1 đến 2 màu không quá chói. Nếu thiết kế bao bì của mình không bắt mắt thì khách hàng sẽ không mua sản phẩm của mình” – vị này nói.

Hang Viet xuat ngoai qua kenh sieu thi: Banh ngon khong de an
Theo các nhà bán lẻ nước ngoài, để đưa hàng Việt “xuất ngoại”, các nhà cung cấp trong nước cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, vốn cũng là “rào cản” các DN. Bởi thực tế, hầu hết DN nội địa đều vừa và nhỏ với số vốn thấp. Trong khi, để xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống siêu thị thì việc thanh toán tiền rất chậm, vì siêu thị thường bán hàng trước trả tiền sau, thời gian trả từ 3-4 tuần hoặc vài tháng. Đó là chưa kể tính đến các chi phí chiết khấu lợi thuận cho kênh bán lẻ, quảng cáo xúc tiến giới thiệu sản phẩm… 

Ông Nguyễn Quốc Duẩn - Giám đốc Công ty Song Nam (chuyên xuất khẩu trái cây sang Mỹ, EU, Ấn Độ, Thái Lan) thừa nhận, nhu cầu nhập khẩu hàng trái cây từ các chuỗi siêu thị nước ngoài hiện rất lớn, như Thái Lan mỗi ngày cần khoảng một container hàng và thường trả chậm 30-45 ngày, chưa kể thời gian vận chuyển. Như vậy, mỗi container xuất khẩu, DN cần chi phí 1-2 triệu USD và quay vòng liên tục khiến công ty thiếu vốn.

Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, đề án Thúc đẩy các DN VN trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai, với các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận mạng phân phối nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, tăng kim ngạch...

“Bộ Công Thương sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa DN Việt với các hệ thống phân phối nước ngoài để xuất khẩu trực tiếp, hiệu quả cao qua các kênh phân phối này. Trên cơ sở thực tế, Bộ sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho DN trong nước hoặc các mô hình thí điểm, mô hình mẫu để hướng DN tận dụng hình thức xuất khẩu này” – ông Hải khẳng định.           

Để DN trong việc kiểm tra hàng hóa, tránh việc bị trả lại nước sở tại, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao lưu ý: “Trong suốt quá trình sản xuất, đối tác nước ngoài chỉ có yêu cầu DN ở mỗi khâu đều có kiểm tra lại để ngăn ngừa rủi ro và có hồ sơ để hàng hóa đến cảng, như Hoa Kỳ người ta chỉ kiểm tra hồ sơ”.

                                                                                                                                    Lê Thành 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI