Hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp chết tức tưởi, người tiêu dùng 'chết' từ từ

22/11/2017 - 19:00

PNO - Hàng thực phẩm bị làm nhái, làm giả với nhiều chất bảo quản, phụ gia độc hại khiến người tiêu dùng bị tổn hại sức khỏe, chết từ từ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản do sản phẩm bị làm nhái, làm giả. 

Chết vì bị làm nhái sản phẩm

Tại các cửa hàng vùng ven, thỉnh thoảng có một vài xe tải chở bánh, kẹo, trà, nước ngọt… đến chào hàng. Trong đó, phần lớn sản phẩm là hàng nhái, chẳng hạn thương hiệu Custas bị nhái thành Custar, Choco Pie bị nhái thành Choco Pia. Nhiều sản phẩm trà ô long sữa túi lọc của thương hiệu Olong Ha được bán với giá 17.000đ/bịch 1 ký trong khi giá thị trường là 50.000đ/bịch. Bột bánh xèo Hương Xưa Mikko của Công ty Intermix đang bị Công ty Vinamix làm nhái với tên Hương Quê; bột mì số 8 có hình trái táo của Công ty Đại Phong thì bị Công ty Đại Nam làm nhái bằng nhãn hiệu trái lê.

Nếu nhìn thoáng qua, nhiều người mua dễ chọn nhầm hàng. Một chuyên gia trong ngành bán kẹo cho biết,  bánh kẹo nhái sẽ có hóa chất, chất phụ gia giá rẻ, độc hại, gây tổn thương sức khỏe người tiêu dùng, ví dụ đường hóa học, chất bảo quản liều cao có thể gây tổn thương nội tạng, gây ung thư. 

Hàng nhái, hàng giả còn ra sức tấn công, giết chết nhiều DN. Rõ ràng nhất là lĩnh vực dệt may. Các sản phẩm thời trang nhái, giả tràn lan từ lề đường đến chợ truyền thống, cửa hàng. Người mua chỉ cần bỏ ra khoảng 15.000-30.000 đồng cũng đã có ngay một chiếc áo sơ mi hay quần short hàng hiệu nhái, giá chỉ bằng 1/10 so với giá chính hãng. 

Nhiều người đi du lịch trong nước còn không  phải đem theo áo quần vì “ra lề đường” là có áo mới mặc, khỏi phải nặng giỏ và mất công giặt, ủi. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước như PT2000, Ninomaxx, Blue Exchange, Việt Tiến cũng nằm trong diện bị nhái. 

Hang gia, hang nhai: Doanh nghiep chet tuc tuoi, nguoi tieu dung 'chet' tu tu

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - kể, đã có nhiều chủ DN than với bà rằng: “Một chiếc áo ngực Trung Quốc gắn mác Việt Nam được bán với giá 17.000 đồng; có nằm mơ cũng không thể sản xuất một chiếc áo có hơn 40 chi tiết may với giá đó. Hàng của Việt Nam chỉ riêng hai miếng mút cũng đã mất 20.000 đồng”. 

Ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng - cho biết, hàng nhái, hàng giả khiến không ít DN có thương hiệu cũng phải ngưng sản xuất, chở hàng từ Trung Quốc nhập về, sau đó được công nhân “gia cố” thành sản phẩm công ty. Nhiều DN dệt may lay lắt thu hẹp thị trường. Hiện chỉ còn khoảng 20% DN trong nước mặn mà với thị trường nội địa nhưng đa số phải bù lỗ mới duy trì được, còn lại vẫn tập trung cho thị trường xuất khẩu để tìm lối thoát.

Doanh nghiệp chỉ còn biết… kêu trời

Trong bối cảnh hàng nhái, hàng giả tràn lan, ngày 21/11, tại TP.HCM,  đã diễn ra hội thảo  “Tăng cường công tác phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong DN”, do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM phối hợp với Công ty Vina CHG tổ chức.

Ông Trần Giang Khuê - đại diện Cục SHTT văn phòng phía Nam - cho rằng: “Trong công cuộc chống hàng giả, bên cạnh hoạt động của các cơ quan chức năng, DN cần đăng ký quyền SHTT, yêu cầu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hàng giả, hàng nhái”. Song, đại diện nhiều DN cho rằng dù làm đúng, làm đủ,  chỉ một mình DN chống chọi với “cơn lũ” hàng giả, hàng nhái là rất khó khăn. 

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan - Tổng thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) - bức xúc: “Nhiều DN phát hiện tận ổ sản xuất, nhưng khi cầu cứu đến cơ quan chức năng cùng phối hợp xử lý thì kết quả... trớt quớt.

Vì trình độ nghiệp vụ của cán bộ chức năng còn yếu kém hay vì lý do nào khác mà chứng cứ rành rành nhưng lực lượng chức năng không lập biên bản, xử lý được với lý do “đối tượng khai chỉ pha thêm nước vào sản phẩm và san chiết qua chai lọ khác chứ không biết làm vậy là làm giả sản phẩm”.

Trong khi, chỉ cần bằng chứng làm giả bao bì, nhãn hiệu sản phẩm của cơ sở đó, lực lượng chức năng cũng có thể lập biên bản, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo Nghị định 99.

Chưa kể, cùng một hành vi vi phạm nhưng mỗi cơ quan áp dụng nghị định để xử lý khác nhau, có khi áp mức phạt rất nhẹ khiến doanh nghiệp nản lòng, mất niềm tin”.

Cũng “đau đầu” không ít, bà Phạm Thị Anh Đào - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Anh Đào - cho rằng, công ty sử dụng tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ mà sản phẩm vẫn bị làm giả. “Không còn dám trông chờ cơ quan chức năng, chúng tôi chỉ còn biết kêu gọi sự chung sức của người tiêu dùng bằng giải thưởng 100-400 triệu đồng cho người phát hiện điểm bán hàng giả, điểm sản xuất hàng giả sản phẩm của công ty” - bà Đào nói.

Theo ông Hoa Uy Long - Giám đốc công ty Hoa Long Phát - ngay cả việc được cấp quyền SHTT cũng gặp khó khăn: “Chúng tôi sáng tạo muỗng tích hợp năm chức năng và nộp hồ sơ đăng ký quyền SHTT từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất được thủ tục.

Công ty trung gian nhận hồ sơ, thu tiền xong, mấy tháng sau thông báo rằng sản phẩm này trùng với sản phẩm khác trên thị trường, nhưng không chứng minh cụ thể. Làm việc với đơn vị khác thì chúng tôi nhận được phản hồi sản phẩm không bị trùng lắp và đang tiến hành xin cấp quyền SHTT. Kết quả là đến nay, ý tưởng sản phẩm vẫn đang nằm trên giấy, chưa được sản xuất”. 

Bà Phạm Thị Anh Đào cũng bức xúc việc mặt hàng mỹ phẩm của công ty đã đăng ký, công bố chất lượng sản phẩm và thực hiện ghi nhãn hàng hóa đúng quy định pháp luật, nhưng cán bộ chức năng bắt bẻ rằng trên nhãn sản phẩm phải ghi “để xa tầm tay trẻ em”, trong khi quy định này chỉ bắt buộc đối với dược phẩm.

Ngoài ra, theo hồ sơ công bố chất lượng thì số công bố có giá trị đến ngày 16/12/2017, nhưng cán bộ kiểm tra lại căn cứ vào số ghi “ngày tiếp nhận hồ sơ” và kết luận “số công bố hết hạn từ ngày 4/10/2012”. “Chúng tôi làm đúng theo quy định của Bộ Y tế mà vẫn bị bắt bẻ là sai, vậy thì DN chỉ còn biết... kêu trời” - bà Đào buồn bã. 

Hàng chính hãng trong nước bị tấn công
- Năm 2007, thương hiệu Foci có 60 cửa hàng trên cả nước. Từ năm 2014, hệ thống cửa hàng của Foci đã thu hẹp dần và hiện DN đã không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ thời trang mà chuyển sang may gia công đồng phục và xây dựng website, bán hàng qua mạng.
- Năm 2013, nhãn hiệu Thời Trang Việt đồng loạt đóng cửa nhiều cửa hàng lớn, “khai tử” dòng sản phẩm Maxx Style.
- Năm 2017, Ninomaxx còn chưa đầy 50 điểm bán, thời vàng son có xấp xỉ 200 
cửa hàng.

Hoa Lài - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI