Nguyên nhân chính là tình trạng chậm và hủy chuyến bay đang ngày càng trầm trọng hơn trong hoạt động hàng không Việt Nam, đặc biệt là với các hãng hàng không giá rẻ. Đành rằng chuyện bay trễ chuyến hay hủy chuyến là một căn bệnh trầm kha của cả ngành hàng không toàn cầu, nhưng tình hình ở Việt Nam đáng quan ngại ở chỗ có vẻ ngày càng tệ thêm.
Theo báo cáo tổng hợp tình hình khai thác chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam trong Quý 1/2018 mà Cục Hàng không công bố, nội trong 3 tháng đầu năm 2018, hai hãng giá rẻ của Việt Nam là Jetstar Pacific Airways và VietJet Air có đến 6.742 chuyến bay bị chậm giờ.
|
Tình trạng chậm và hủy chuyến bay đang ngày càng trầm trọng hơn trong hoạt động hàng không Việt Nam, đặc biệt là với các hãng hàng không giá rẻ. |
Dẫn đầu về số chuyến bị chậm giờ là VietJet với 4.844 chuyến (chiếm 16,6% trong tổng số chuyến bay của hãng). Nhưng dẫn đầu về tỷ lệ chuyến bay bị chậm giờ lại là Jetstar Pacific với 21,1%.
Ngay cả hãng hàng không quốc gia, đại bàng trên bầu trời Việt, là Vietnam Airlines cũng có 3.183 chuyến bị chậm giờ (chiếm 9,8% tổng số chuyến thực hiện).
Lý do chung phổ biến nhất mà các hãng thông báo với hành khách là "máy bay về muộn". Thậm chí tình hình chậm chuyến thường xuyên tới mức hành khách chỉ còn biết quan tâm tới chuyện bị trễ bao nhiêu lâu.
Cùng lúc đó, công chúng đang nóng lên với những vụ quan chức chính quyền và ngành chức năng đua nhau chế ra những từ không còn là uyển ngữ mà là xảo ngữ, đánh tráo khái niệm để vừa làm mà mắt quần chúng, vừa giúp tránh né, giảm nhẹ sai lỗi và trách nhiệm của mình.
Ồn ào nhất lúc này là chuyện Bộ Giao thông – Vận tải, cơ quan cấp trên của Cục Hàng không, cho thay tên gọi các trạm thu phí của các dự án BOT thành "trạm thu giá", một cụm từ không hề có trong từ điển tiếng Việt và được nhiều nhà ngôn ngữ học chỉ ra là sai về ngữ pháp tiếng Việt.
Báo Tuổi Trẻ (TP.HCM) ngày 26/5/2018 dẫn lời quan chức Cục Hàng không giải thích về việc từ Quý 2/2017, Cục này dùng cụm từ mới "bay chưa đúng giờ" để chỉ các chuyến bay trước đó vẫn gọi là "chậm, hủy chuyến" là cho "phù hợp với xu thế của thế giới".
Theo đó, gần đây người ta đánh giá, xếp hạng các hãng hàng không dựa trên tỷ lệ số chuyến bay đúng giờ OTP (on-time performance). Ông này lại cho biết thế giới dùng chữ "delayed" để chỉ chuyến bay mà Việt Nam gọi là "chậm giờ" và chữ "cancelled" cho chuyến bay "hủy chuyến".
Vậy nếu như giải thích của quan chức này, Việt Nam dùng thuật ngữ "chậm, hủy chuyến" như trước nay là đúng thông lệ quốc tế rồi. Trên các bảng thông tin điện tử tại các sân bay quốc tế trên thế giới, cho tới nay người ta vẫn chú thích là "On Time" cho chuyến bay đúng giờ, "Delayed" cho chuyến bay bị trễ và "Cancelled" cho chuyến bay bị hủy.
|
Trên các bảng thông tin điện tử tại các sân bay quốc tế trên thế giới, cho tới nay vẫn chú thích "On Time" cho chuyến bay đúng giờ, "Delayed" cho chuyến bay bị trễ và "Cancelled" cho chuyến bay bị hủy. Ảnh: Internet. |
OTP là một thuật ngữ được ngành hàng không thế giới dùng để chỉ các chuyến bay từ lúc khởi hành (departed) cho tới khi đến nơi (arrived) đúng giờ đã thông báo trên lịch bay gốc. Xê xích trong vòng 15 phút được chấp nhận là đúng giờ.
Sau khi báo đăng và cộng đồng mạng có ý kiến, ngày 26/5/2018, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, trả lời báo chí cho biết rõ hơn rằng việc sử dụng cụm từ "bay chưa đúng giờ" chỉ là "phương thức thống kê trong nội bộ của Cục cho phù hợp với xu thế của thế giới".
Việc "chậm, hủy chuyến" bay được quy định tại Thông tư 27/2017/TT-BGTVT ngày 25/8/2017 của Bộ GTVT và thuật ngữ này vẫn được giữ nguyên. Cục vẫn dựa vào đây làm căn cứ xử phạt và có chế tài với các hãng khi chậm, hủy chuyến.
Chuyện đúng giờ hay không đúng giờ là chuyện nội bộ trong ngành hàng không và có thể dùng như một tiêu chí để đánh giá chất lượng của một hãng hàng không. Thật ra, gọi là "bay chưa đúng giờ" cho trường hợp mà Cục Hàng không nói cũng không thích hợp lắm.
Nó chỉ là cách nói trong nội bộ ngành để đặt ra mục tiêu "bay chưa đúng giờ" thì nỗ lực để "bay đúng giờ". Còn trong tiêu chí đánh giá, chỉ có hai chỉ tiêu "đúng giờ" và "không đúng giờ".
Còn đối với hành khách, người ta chỉ biết ba thông tin "đúng giờ", "trễ chuyến" hay "hủy chuyến", và hãng hàng không cũng phải thông báo cho hành khách của mình về 3 tình trạng chuyến bay như vậy, không thể dùng cụm từ "bay chưa đúng giờ" được. Một số hành khách cho biết dạo gần đây, khi bị chậm chuyến, họ không còn nghe thông báo là "do máy bay về trễ" mà đổi thành "vì lý do khai thác".
Có vẻ như toàn ngành hàng không từ trên thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở đều thống nhất cao với nhau tránh các từ kị húy "chậm", "trễ", "hủy"…. Và thực tế thì cho dù dùng ngôn từ ra sao, chúng đều chỉ tình trạng máy bay không đúng giờ.
Báo chí ngày 26/5/2018 dẫn lời Cục phó Hàng không Võ Huy Cường nói rằng: "về bản chất không có gì thay đổi, chậm giờ vẫn là chậm giờ, hủy chuyến vẫn là hủy chuyến, có điều chúng tôi đang muốn phấn đấu theo hướng tích cực hơn thay vì cứ tiếp cận theo tên gọi chậm, hủy chuyến mãi sẽ cảm thấy u ám".
Cũng theo ông Cường, Cục Hàng không kỳ vọng trong thời gian tới Vietnam Airlines sẽ đạt 91% chuyến bay đúng giờ; VietJet và Jetstar đạt 85% chuyến bay đúng giờ.
Như chúng tôi đã nói ở trên, chuyện chậm chuyến và tệ nhất là hủy chuyến là sự cố mà không hãng hàng không nào trên thế giới xưa nay có thể tránh được.
Vấn đề nằm ở chỗ cần các nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía để giảm tới mức thấp nhất số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ cho các hành khách bị chậm, hủy chuyến. Điều đó mới là thực chất và cần hơn bất cứ ngôn từ ảo diệu nào.
Phạm Hồng Phước