Đừng để thị phần thương mại điện tử rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài

12/03/2018 - 11:00

PNO - Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong tháng 3/2018, Tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) đa quốc gia Amazon sẽ hợp tác với VECOM hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các...

Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm rõ cách thức để đưa hàng hóa của mình bán trên Amazon, xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự hỗ trợ này có thể là khởi đầu cho những bước đi mạnh mẽ của Amazon vào Việt Nam, mở thêm sàn giao dịch TMĐT mới để các nhà sản xuất, kinh doanh chào bán sản phẩm của mình và đem đến nhiều lựa chọn mua sắm cho người tiêu dùng. Với Amazon, nếu có mặt tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng hy vọng có thể dễ dàng mua được sản phẩm có thương hiệu quốc tế với chi phí thấp hơn, dịch vụ hậu mãi tốt và tiếp cận được các dịp khuyến mãi lớn. 

Dung de thi phan thuong mai dien tu roi vao tay doanh nghiep nuoc ngoai

Chuyên gia thị trường Đoàn Đình Hoàng nhận định, khi càng có nhiều tập đoàn nước ngoài như Amazon tham gia, thị trường mua bán online sẽ phát triển nhanh, thị trường logistics cũng tăng trưởng mạnh hơn. Đây cũng là cơ hội đánh giá năng lực đầu tư, phát triển TMĐT của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp muốn bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam thừa nhận chi phí đầu tư cho TMĐT rất cao. Hiện nay, doanh thu của TMĐT lại chưa sánh bằng bán hàng trực tiếp, không đảm bảo lợi nhuận.

Do đó, nhiều doanh nghiệp còn chần chờ. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Saigon Food - cho biết, doanh nghiệp đang bắt đầu bán hàng online, chủ yếu là mặt hàng đóng gói ăn liền và chưa triển khai đối với thực phẩm tươi sống, đông lạnh do còn có nhiều khó khăn ở khâu bảo quản khi vận chuyển. Việc bán hàng online cũng chỉ được đẩy mạnh vào các mùa lễ, tết; bình thường, công ty có hợp tác với một số trang TMĐT nhưng  hiệu quả chưa cao.

Trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn chần chờ thì theo thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35%/năm (cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản). Dự báo, thị trường này sẽ đạt mức 10 tỷ USD vào năm 2020. Đáng nói hơn, doanh thu từ TMĐT toàn cầu đã chiếm gần 10% tổng doanh thu bán lẻ, riêng tại Trung Quốc là 14-15%. 

Trước thực tế này, chuyên gia thị trường Đoàn Đình Hoàng nhấn mạnh, TMĐT là xu hướng tất yếu của thế giới, đơn vị nào yếu kém sẽ bị đào thải. Doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế về năng lực logistics, nguồn vốn để đầu tư những yếu tố cơ bản của TMĐT.

Cụ thể là kỹ thuật và nhân sự, chuyên biệt cho từng khâu như tổ chức hàng hóa, nguồn hàng, thanh toán, giao nhận, đổi trả hàng… Dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải nhanh chóng đầu tư bài bản TMĐT; nếu không thì thị phần bán hàng online sẽ lại rơi vào các “đại gia” nước ngoài, giống như thị trường bán lẻ trực tiếp hiện nay.

Theo ông Hoàng, phát triển TMĐT tốt, doanh nghiệp không chỉ bán được hàng trong nước mà tiến tới bán hàng xuyên biên giới. Khi Amazon sang Việt Nam hỗ trợ, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này để nắm rõ cách thức bán hàng online qua các nước. Với kinh nghiệm làm việc với Amazon, doanh nghiệp cũng sẽ chủ động hơn trong việc giao thương quốc tế qua các trang Alibaba, eBay, Taobao… 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI