Doanh nghiệp Việt né sân nhà... ra thế giới

23/05/2017 - 10:00

PNO - Vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe của các nước, nhiều doanh nghiệp (DN) sẵn sàng né thị trường trong nước, đánh chiếm thị trường và khát vọng chiếm được vị thế xứng đáng trên thị trường quốc tế.

Đó là bước nghĩ lớn của các DN Việt Nam tìm đường xuất khẩu, con đường để lớn lên nhanh nhất.

Doanh nghiep Viet  né san nhà... ra thé giói
Doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu sản phẩm nông sản Việt Nam.


Bạn có thể thấy nhiều DN Việt Nam đẩy hàng ra nước ngoài, hừng hực đánh chiếm thị trường trên đất bạn như Công ty (CT) Song Toàn Cầu xuất khẩu, CT TNHH Kinh tế Giáo dục (TP.HCM) hiện đang xuất khẩu các loại cà phê phin giấy, cà phê viên nén (capsule), cà phê bột truyền thống… mang thương hiệu Active Coffee sang các nước Indonesia, Nhật, Hàn Quốc... Liệu đây có phải con đường để DN lớn lên nhanh nhất?

Có thể nói để sản phẩm (SP) đi thẳng một bước ra thế giới, DN cũng có những lý do riêng. 

Một trong những lý do đó là vì thị trường đã đầy ắp SP, DN mới rất khó chen chân. Với sản phẩm cà phê, tại Việt Nam đã có quá nhiều SP cùng chủng loại nên tình trạng cạnh tranh nhau về giá cả, chất lượng từ phân khúc bình dân đến cao cấp diễn ra rất khốc liệt.

Vì vậy, các DN chọn xuất phát điểm hướng đến xuất khẩu và cho đây là con đường khả thi hơn. Ngoài ra, nếu định vị SP cao cấp là cà phê hữu cơ… thì giá sẽ cao và khó tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa. 

Thứ hai là do SP chỉ phù hợp với nhu cầu thị trường nước ngoài. Ông Bùi Nhật Minh, Giám đốc Điều hành CT Song Toàn Cầu, cho biết, phần lớn SP đèn cầy xuất khẩu đều là hàng cao cấp.

Riêng đèn cầy chén, giá hàng xuất cũng cao hơn với hàng trong nước cùng chủng loại 30%; đèn cầy thắp trong nhà thờ, trang trí nhà thì có giá cao gấp đôi. Giá SP cao vì nguyên vật liệu đặc thù từ dầu cọ phù hợp các yêu cầu cao của khách hàng. CT từng thử “đánh” vào kênh phân phối hiện đại nội địa nhưng thất bại.

Nếu sản xuất dòng SP đèn cầy riêng với giá vừa phải để phục vụ thị trường nội địa thì với cùng chi phí sản xuất, nhân công thì chúng tôi ưu tiên xuất khẩu vì lợi nhuận hiệu quả hơn.  

Hoặc với SP cà phê, thị trường nội địa không chuộng cà phê nguyên chất trong khi người nước ngoài lại ưa vì họ đặt tiêu chí cao về cà phê sạch, an toàn cho 
sức khỏe. 

Ở lĩnh vực hàng may mặc, gia dụng, sở dĩ DN ưu tiên xuất khẩu là vì DN quá ngán ngẩm tình trạng hàng nhái, giả, trôi nổi trong nước không được kiểm soát chặt chẽ, xử lý tận gốc gây ảnh rất lớn đến các DN làm ăn chân chính.

Trong khi đó, mặc dù tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật của nước ngoài khắt khe nhưng DN tự tin về chất lượng SP và yên tâm vào chính sách bảo hộ hàng chính hãng của các nước đó. 

Một nguyên nhân khác được lý giải là, DN vươn tới thị trường xuất khẩu trước để khẳng định thương hiệu, chất lượng SP, sau đó mới quay lại chinh phục thị trường nội địa để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường hơn.

Vì khi đã có thương hiệu, giá cả SP không phải là vấn đề khiến người tiêu dùng (NTD) đắn đo nữa. Bằng chứng là, nông doanh Võ Quang Huy (Long An) có hơn 200 hecta trồng chuối, đạt chuẩn chuối vàng hiệu Fohla (chuối tươi sạch, mát lành, dẻo ngọt…) và xuất khẩu đi Nhật, Singapore, Trung Đông… hơn 20 năm qua.

Và đến nay, chuối Fohla đã được nhiều NTD Việt biết đến và lựa chọn thông qua các phiên chợ giới thiệu nông sản sạch, các kênh phân phối hiện đại. 

Đủ lớn để có nội lực nhảy vọt

Nhiều DN cho biết, mình phải am hiểu thị trường nước ngoài và chuẩn bị sức khỏe cho DN thật tốt để đáp ứng nhu cầu.

Ông Bùi Nhật Minh cho biết: “Đèn cầy xuất đi các nước phương Tây có tiêu chuẩn cao gần như nhau, chỉ khác yêu cầu về kích cỡ, mùi thơm và thị hiếu của mỗi quốc gia. Tất cả đèn cầy xuất đi đều phải được làm từ dầu cọ nhập trực tiếp từ Malaysia; thậm chí một số thị trường khó tính như Mỹ đòi hỏi nguyên liệu dầu cọ organic. Họ nghiêm cấm nguyên liệu từ dầu thô, parafin”. 

Để tồn tại ở nước ngoài, mình phải đáp ứng giá cạnh tranh và cung cấp SP kịp thời. Vì vậy, CT mở đến ba xưởng sản xuất. Trung bình mỗi tháng, CT CP Song Toàn Cầu (TP.HCM) xuất khẩu một container 40 feet gồm hàng trăm mẫu đèn cầy các loại sang thị trường Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc CT TNHH Kinh tế Giáo dục (TP.HCM), đặc biệt quan trọng là SP phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể, với SP cà phê, Mỹ yêu cầu DN phải có trang trại trồng trọt với quy mô và tiêu chuẩn đúng theo yêu cầu đã đặt ra.

Hiểu được điều này, ngay từ đầu thành lập, CT xác định đẩy mạnh xuất khẩu. CT hợp tác với các cổ đông đầu tư trang trại cà phê tại Đức Trọng, Lâm Đồng nhằm tiến tới xuất khẩu SP cà phê sạch, nguyên chất.

Để gia tăng thêm sức mạnh, CT thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng hợp tác với tỉnh Đăk Lăk để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng trong ngành cà phê từ cây giống, trồng trọt đến thu hoạch, chế biến, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nhắm đến thị trường xuất khẩu để bán SP có giá trị cao chứ không phải ở dạng thô cho giá trị thấp như hiện nay. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI