Doanh nghiệp nhỏ và vừa khốn đốn vì đói vốn

12/07/2017 - 13:30

PNO - Nạn đói vốn luôn là vấn đề thời sự của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cộng đồng đang chiếm 98% tổng số DN cả nước. Chỉ khi nào dòng vốn được khơi thông, lực lượng này mới phát triển, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Quỹ hỗ trợ vay vốn: 1 năm - 1 doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM được hỗ trợ 

Ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng - cho biết: “Chính phủ quy định DNNVV hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ phải có tổng nguồn vốn tối đa không quá 50 tỷ đồng hoặc tối đa không quá 100 lao động. Khi tính theo quy mô tổng nguồn vốn, DN tôi đạt vì dưới 50 tỷ đồng nhưng số lao động lại là 200 người - vượt quá yêu cầu nên quỹ không thể bảo lãnh cho vay. Mà khổ nỗi DN may ở quy mô DNNVV có lực lượng lao động rất đông”.

Khát vốn nhưng không vay được vốn hoặc phải vay với lãi suất cao là khó khăn lớn nhất của DNNVV nói chung hiện nay. Mặc dù Nhà nước đã triển khai một số cơ chế hỗ trợ tín dụng, trong đó các Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF) cho vay vốn; Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (HCGF) bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng (NH) thương mại để hỗ trợ vốn, lãi suất cho DN. 

Song, theo Hiệp hội DN TP.HCM, nhiều DNNVV vẫn khó tiếp cận với các quỹ này do không có tài sản thế chấp, chưa có thị trường. Vì vậy, hiện nay các DNNVV thường phải vay với lãi suất từ 18-21%/năm .

Doanh nghiep nho va vua khon don vì doi von
Những kênh tiếp cận mới mà các NH cho rằng sẽ nới lỏng, giúp DNNVV tiếp cận vốn vay - cũng chỉ nằm yên trên giấy

Câu chuyện các DNNVV tiếp cận các quỹ hỗ trợ vay vốn để vay với mức lãi suất thấp còn là câu chuyện chờ mong các đơn vị này thể hiện “quyền năng” hỗ trợ. Song cây gậy quyền năng này còn bị hạn chế bởi những quy định chồng chéo. 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu VINA T&T - xuất khẩu nông sản sang Mỹ và châu Âu cho biết, công ty ông đáp ứng đủ quy định được vay vốn theo quy định của SMEDF nhưng lại bị “vướng” do vẫn chưa đáp ứng các điều kiện cụ thể cho từng chương trình hoạt động của DN kèm theo. Điều kiện và quy chế “kép” như vậy làm khó DNNVV” - ông Tùng nói.  

Chính vì DN khó tiếp cận các quỹ, sau gần 10 năm ra đời, đến năm 2016, HCGF chỉ thực hiện 121 hợp đồng bảo lãnh với giá trị 871 tỷ đồng. Ấn tượng hơn nữa là quỹ SMEDF, thành lập hơn một năm, ủy thác các NH cho vay 12 dự án với tổng số vốn hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng, trong đó chỉ có duy nhất một DN tại TP.HCM được quỹ  hỗ trợ. Con số này quá ít ỏi. 

Nói về việc các quỹ này không tiếp cận được với DN, luật sư Trương Thanh Đức - chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật Basico - cho biết, các quỹ này không có đủ nguồn vốn, lại chưa năng động nên rất khó hỗ trợ vốn cho DN. Đặc biệt, những quy định về điều kiện được cấp tín dụng còn chặt hơn cả NH khiến DN đã không đủ điều kiện để vay vốn NH thì càng không đủ điều kiện để được các quỹ cho vay vốn hay bảo lãnh.

Doanh nghiep nho va vua khon don vì doi von
Khát vốn nhưng không vay được vốn hoặc phải vay với lãi suất cao là khó khăn lớn nhất của DNNVV nói chung hiện nay. 

Ngân hàng - doanh nghiệp kêu trời với quy định nới lỏng tài sản thế chấp

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - cho biết, chỉ có khoảng 30% các DNNVV tiếp cận được vốn NH, số DN còn lại gặp khó nên đành thoái lui. 

Con số này cho thấy các DNNVV đang có nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng nhiều NH chưa thật sự chào đón khiến các DN này gần như bất lực trong công cuộc tìm trợ sức để giải tỏa nút thắt về vốn.

Anh Diệp Châu Minh Trí - Giám đốc công ty TNHH TMSX thực phẩm Trí An - cho biết, mới đây NH có hình thức thế chấp tài sản bằng hàng hóa. Công ty anh Trí đem sản phẩm sữa để thế chấp. NH yêu cầu sữa phải bảo quản trong kho lạnh (mặc dù điều kiện bảo quản được ghi trên sản phẩm là ở nhiệt độ bình thường), phải thuê kho theo chỉ định, thuê bảo vệ canh hàng, mỗi lần xuất hàng phải thông báo với NH. Và DN đã mất nhiều chi phí để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của NH nhưng sau đó NH viện lý do rườm rà nên vẫn không cho vay. 

DNNVV đang được Nhà nước hỗ trợ pháp lý, mở rộng thị trường, phát triển nguồn lực, đặc biệt là ưu đãi về vốn. Do đó, theo quy định, ngành hàng thực phẩm sẽ được vay với lãi suất 7%/năm nhưng một số NH chỉ ký lãi suất 7% trong ba tháng đầu, sau đó lãi suất lại tăng 10% nhưng DN phải bấm bụng chịu.

Thêm nữa, sự thiếu nhất quán trong quy định cầm cố tài sản là vấn đề nổi trội khi DN đi vay. Các NH cho rằng, tài sản đảm bảo ở đâu cũng được vay. Song anh Ưng Thế Lãm - công ty TNHH TM&DV Bảo Thanh - bức xúc, anh có hộ khẩu ở TP.HCM nhưng trang trại ở tỉnh Bình Thuận. Anh đem trang trại thế chấp, NH tỉnh chỉ hỗ trợ cho người ở địa phương; NH ở TP.HCM lại từ chối bởi bất động sản thế chấp đang ở… tỉnh.

Hoặc như ông Lý Thành Sinh chia sẻ: "Theo quy định NH thì bên bảo lãnh (gọi là bên bảo đảm) có thể giữ tài sản là máy móc, thiết bị sản xuất (tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu). Song theo quy định của Bộ luật dân sự, bên cầm cố chỉ được giữ những tài sản có đăng ký quyền sở hữu". 

Để khắc phục những bất cập này, ông Lý Thành Sinh đề xuất: “Nhà nước cần cởi trói để DNNVV dễ dàng vay tín chấp - điều mà các nước trên thế giới đã thực hiện. Bên cạnh đó, NH cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn như tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm...".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông từng đặt vấn đề là làm sao có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Song lực lượng DNNVV, có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế, sẽ khó thể phát triển như mong đợi nếu DN còn gặp nhiều rào cản như vốn ít; khó tiếp cận vốn và lãi suất cho vay cao như hiện nay. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện đang có 16 NH thương mại đăng ký với NHNN và cam kết cho vay gói tín dụng ưu đãi với tổng số tiền đăng ký là 226.177 tỷ đồng và 10 triệu USD, lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng không quá 7%/năm để hỗ trợ xuất khẩu. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI