Doanh nghiệp cần đột phá bằng giải pháp chứ không chỉ chờ cơ hội

21/03/2018 - 12:30

PNO - Kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã có những khởi sắc, nhất là trong hai quý cuối năm, đưa GDP cả năm đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra.

Kinh tế Việt Nam trong năm 2017 đã có những khởi sắc, nhất là trong hai quý cuối năm, đưa GDP cả năm đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng do Quốc hội đề ra.

Đà tăng trưởng này được duy trì khi bước sang năm 2018, tạo sức bật mạnh mẽ về tăng trưởng ngay từ các tháng đầu năm với dự báo GDP quý I tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Hiếu nêu ra tại hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh”, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại TP.HCM vào ngày 20/3.

Chưa tận dụng tốt các hiệp định thương mại

Không chỉ riêng Việt Nam, kinh tế thế giới năm 2018 và năm trước đó (2017) cũng được đánh giá khả quan, tiếp tục nằm trong chu kỳ phục hồi tích cực. 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2018-2019 lên 3,9% (tăng 0,2% so với dự báo vào tháng 10/2017), gần với mức tăng trưởng bình quân trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 (4%). 

Sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu chủ yếu nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích nhu cầu và đầu tư ở nhiều nước, đặc biệt là các nền kinh tế lớn. 

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Du Lịch lạc quan khi cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2017 và năm 2018 đã qua khỏi giai đoạn trì trệ - phục hồi và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định. 

Doanh nghiep can dot pha bang giai phap chu khong chi cho co hoi
Nếu có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ hạn chế được tình trạng bấp bênh của nhà nông.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2018 đứng trước rất nhiều cơ hội, nhất là cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Đây là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhưng trên thực tế, nó lại chưa được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng; bởi lẽ các FTA mang đến cơ hội chứ không phải là giải pháp. Việt Nam phải tự đề ra giải pháp bằng các hành động thiết thực để biến các cơ hội thành việc làm hữu ích cho mình. 

Các chuyên gia cũng cho biết, có đến 81% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - mảnh đất đầy tiềm năng.

Doanh nghiệp phải "chủ lực" trong tiếp thị nông sản 

Trao đổi riêng với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, CEO Đặng Đức Thành - Ủy viên ban chấp hành Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ nhiệm câu lạc bộ Các nhà kinh tế Việt Nam (VEC) - đã nêu một số giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam có thể đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông, Việt Nam đang thiếu lực lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - đội quân chủ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt và sản xuất nông sản thực phẩm organic (hữu cơ), bảo đảm nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 6% tổng đầu tư cả nước. 

Để khai thác tiềm năng của lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều mặt để đủ sức sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khắt khe như EU, Mỹ, Nhật, hàng xuất khẩu cần đồng bộ với số lượng lớn và cần phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được nước sở tại công nhận, kể cả bảo đảm tiêu chuẩn trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Cần có doanh nghiệp chủ động đặt hàng cho nông dân sản xuất quy mô lớn, quản lý theo quy trình và tiêu chuẩn chặt chẽ. Doanh nghiệp cũng cần tổ chức những khóa huấn luyện, hướng dẫn cho nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp, hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo một giá sàn nhất định, bảo đảm quyền lợi của nông dân trong bối cảnh giá cả thị trường biến động. 

Theo ông Thành, nếu có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, sẽ hạn chế được tình trạng bấp bênh của nhà nông. Theo đó, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu - tiếp thị, ký kết hợp đồng xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa theo kế hoạch và thông qua đó, đặt hàng ổn định cho nông dân, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chủ động giải quyết đầu ra của nông sản.

Doanh nghiệp có điều kiện về hạ tầng và nhân lực khai thác công nghệ thông tin, internet, có đủ kinh phí xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để tiếp thị, bán sản phẩm tới tận các công ty đa quốc gia.

Nhưng để họ phát triển, nhà nước cần có những ưu đãi về thuế, về vay vốn với lãi suất thấp theo chu kỳ sản xuất, các thủ tục đất đai nhanh gọn. Nhà nước cần sớm giải quyết chính sách hạn điền vốn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp. n

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho biết, “đột phá của đột phá” để tăng trưởng kinh tế không phải là chính sách ưu đãi mà là niềm tin.

Trong khi đó, nói về niềm tin của quốc tế đối với Việt Nam, tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nói thẳng: “Ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa thật vững chắc; tâm lý hoài nghi vẫn khá dai dẳng; thâm hụt ngân sách vẫn cao. Những vấn đề nội tại của hệ thống tài chính ngân hàng như nợ xấu, sự yếu kém của một số ngân hàng... vẫn là nguy cơ gây bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô”. 

Xuân Nghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI