Các nhà mạng sẽ phải làm gì sau khi thời hạn đã trôi qua?
Lẽ ra nhà mạng phải "năn nỉ" khách hàng giúp mình
Mãi tới trước thềm hạn định, các nhà mạng mới trấn an khách hàng rằng họ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho thuê bao bổ sung thông tin một thời gian nữa sau ngày 24/4/2018.
Trong khi đó, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin – Truyền thông) nói với báo chí rằng chuyện lùi thời hạn là do nhà mạng làm, còn Bộ thì cứ tuân thủ nghị định. Có nghĩa là từ ngày 25/4/2018, các nhà mạng phải hoàn tất cơ sở dữ liệu thuê bao của mình đúng theo tinh thần Nghị định 49 và có thể bị Bộ kiểm tra bất cứ lúc nào. Các mức phạt tiền cho các hành vi vi phạm của nhà mạng là rất nặng nề.
|
Sở dĩ cả nhà mạng lẫn thuê bao khốn khổ vì dịch vụ quá tải còn có nguyên nhân là các nhà mạng không thông tin rõ ràng cho người dùng. |
Công bằng mà nói, nếu có cho phép nới lỏng thời hạn – mà cái này phải do Thủ tướng quyết, vì Nghị định do Thủ tướng ký trên cơ sở dự thảo của Bộ - cũng chỉ là vì Bộ "thấu cảm" với tình cảnh các nhà mạng và giúp "giảm nhẹ nhân tai" cho người dùng di động.
Không ít người hiểu lầm ngày 24/4/2018 là ngày hết hạn bổ sung thông tin. Nghị định 49 có hiệu lực ngay từ ngày ký (24/4/2017). Kể từ ngày đó trở đi, các thuê bao mới đều phải thực hiện các quy định đăng ký theo nghị định. Một năm qua chính là thời gian mà Chính phủ để cho các nhà mạng hoàn tất cơ sử dữ liệu thông tin thuê bao của mình.
Vấn đề phát sinh là do suốt năm qua, các nhà mạng "ầu ơ ví dầu" không tập trung vào việc bổ sung này, đợi tới sát hạn định mới hùng hục tăng tốc vắt giò lên cổ mà chạy, bắt thuê bao phải chạy đua nước rút theo mình.
Vậy nên, lỗi chính không phải là ở thuê bao, các nhà mạng lẽ ra phải "năn nỉ" các khách hàng của mình nể tình nghĩa lâu năm mà giúp nhà mạng khỏi bị Nhà nước phạt mà cũng không bị khách hàng đe dọa kiện vi phạm hợp đồng.
Tất nhiên, nhà mạng phải suy nghĩ tung ra đủ chiêu để tạo mọi tiện lợi, thoải mái cao nhất cho khách hàng bổ sung thông tin. Nhà mạng nhỏ nhất mà chơi dễ thương nhất là Vietnamobile đã đưa ra món quà tặng trị giá 10.000 đồng cho mỗi thuê bao hoàn tất bổ sung thông tin.
Sở dĩ cả nhà mạng lẫn thuê bao khốn khổ vì dịch vụ quá tải còn có nguyên nhân là các nhà mạng không thông tin rõ ràng cho người dùng, khiến mọi người hoang mang. Thuê bao nào cũng tự hiểu mình là đối tượng phải bổ sung thông tin lần này.
|
Lỗi chính không phải là ở thuê bao, các nhà mạng lẽ ra phải "năn nỉ" các khách hàng giúp nhà mạng khỏi bị nhà nước phạt mà cũng không bị khách hàng đe dọa kiện vi phạm hợp đồng. |
Trong khi đó, dựa theo Nghị định 49/2017 của Chính phủ và những hướng dẫn của Bộ TT-TT trong các cuộc triển khai nghị định này, một nhà báo của Bộ TT-TT đã làm một tóm tắt gạch đầu dòng các quy định rất rõ ràng và dễ hiểu:
"Người ta chỉ yêu cầu bổ sung thông tin chủ thuê bao di động với các trường hợp:
- Là thuê bao trả trước, và
- Chưa có thông tin chủ thuê bao, hoặc
- Thông tin chủ thuê bao không chính xác, hoặc
- Còn thiếu thông tin, và
- Chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn đề nghị bổ sung thông tin mới phải làm.
Thuê bao trả sau hoặc trả trước nhưng đã đủ thông tin hoặc không nhận được tin nhắn yêu cầu bổ sung thì cứ thế mà xài".
Thuê bao hoan ca nếu nhà mạng làm gì cũng phải nghĩ tới người dùng
Tôi ủng hộ việc các thuê bao trả sau hay trả trước đều phải cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Điều này thuộc về quản lý, hầu như nước nào cũng làm, chặt lỏng thì hên xui, vừa giúp bảo đảm hoạt động của nhà mạng và quyền lợi của thuê bao, vừa góp phần cho bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn xã hội. Nếu quản lý chặt SIM trả trước, ta còn có thể trị được căn bệnh trầm kha tới mức là vấn nạn tin nhắn rác.
Nhưng tôi bảo lưu quan điểm của mình là chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) chứ không cần phải có cả ảnh chân dung của thuê bao, gây nhiều phiền toái cho cả nhà mạng lẫn thuê bao mà giá trị thực tế chẳng rõ ràng.
Điều này, theo báo Nhân Dân (14/4/2018), bà Lê Thị Ngọc Mơ, Cục phó Cục Viễn thông, cho biết: Khi xây dựng và triển khai Nghị định 49, chính các nhà mạng di động đã có "sáng kiến" (tôi đóng ngoặc kép) yêu cầu chụp ảnh thuê bao để lưu lại, phục vụ khâu hậu kiểm sau này.
Bà Cục phó (hay nhà mạng) giải thích: Việc chụp ảnh chân dung là nhằm tăng tính xác thực khi khó nhận biết CMND do người ta mang đến cho đúng là chính chủ nhân hay không. Cái này rõ là nhà mạng đẩy cái bất lực của mình thành cái bất tiện cho thuê bao.
Nếu như nhà mạng có hệ thống nối mạng tốt (có lẽ thừa vì nhà mạng mà mạng không tốt thì mất mạng sao), khi nhập số CMND vào thì ứng dụng trên internet hay trên di động sẽ quét cơ sở dữ liệu và báo ngay tất cả các số thuê bao mà số CMND đó đang đứng tên. Chính thao tác này sẽ giúp chủ thuê bao xác nhận các số máy của mình và phát hiện ngay số nào là con rơi, số rớt bị ai đó đăng ký lậu bằng giấy tùy thân của mình.
Giờ đây, các nhà mạng cần tung mọi chiêu thức ra để hoàn tất việc bổ sung thông tin thuê bao càng sớm càng tốt. Ảnh: Minh Thanh
|
|
Có một điều cực kỳ kỳ cục tới tưởng như không tưởng, vào thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư rồi, giữa kỷ nguyên internet kết nối thế giới đồng sàng, mà nhà mạng cứ làm theo làm theo kiểu điện thoại quay số và máy điện tín (tức làm thủ công, thấy mặt đặt tên, phải bắt tận tay, day tận trán mới tin).
"Tệ hơn vợ thằng Đậu" là nhà mạng cứ ngồi một chỗ bắt các thuê bao phải... lê thân tới tận cửa hàng mà bổ sung thông tin (tất nhiên, họ có thể đổ thừa là do Nghị định 49/2017 bắt buộc nhà mạng phải làm các thủ tục đăng ký thuê bao tại các điểm dịch vụ).
Trong thời gian đầu, chỉ có Viettel rồi VinaPhone có giải pháp bổ sung thông tin qua internet và qua app di động, nhưng cực kỳ chập cheng (phần do lỗi ứng dụng, phần do quá tải). Sau này họ có khắc phục. MobiFone cho thuê bao kiểm tra bằng internet, nhưng theo kiểu nửa vời (nói theo thuật ngữ công nghệ là "lai" hybrid hoặc một cách văn vẻ là kết hợp truyền thống và hiện đại) - nghĩa là cho kiểm tra trên mạng rồi sau đó phải trực tiếp tới cửa hàng bổ sung.
Công bằng mà nói, VinaPhone đáng khen nhất khi đưa ra đủ hình thức phục vụ khách hàng: bổ sung qua web, ứng dụng di động, e-mail, cho tổ lưu động tới nơi có nhiều thuê bao tập trung, cho người tới tận nhà trong những trường hợp đặc biệt. Chốt hạ, các nhà mạng nếu mà làm theo VinaPhone thì 500 anh em thuê bao đã đỡ bị hành xác mà nhà mạng đạt kết quả tốt hơn.
Còn vụ quản lý thuê bao, cần chi cái tấm ảnh được giải thích là để "bảo đảm chính chủ" mà thực tế chỉ gây khó chịu cho cả thuê bao lẫn nhà mạng. Chỉ cần nhà mạng viết ứng dụng chạy trên web và di động cho phép thuê bao nhập số CMND vào tra cứu là biết được có bao nhiêu số thuê bao đang được đăng ký bằng giấy tùy thân của mình.
Để người ta đỡ sợ khi phải cung cấp số CMND, cũng có thể chỉ cần nhập số điện thoại mà mình đang xài là thuê bao sẽ biết được số này đang có thêm bao nhiêu anh chị em cùng cha mẹ. Cũng nên có tùy chọn gọi điện thoại bằng chính số thuê bao đang sử dụng lên tổng đài tra cứu.
Nếu phát hiện có "cha căng chú kiết" nào dùng giấy tùy thân của mình đăng ký những số máy khác, chính chủ có thể tiến hành xác nhận nhân thân và đề nghị nhà mạng... trảm các số ăn theo kia.
Luật do Quốc hội ban hành còn có thể sửa được, huống chi là nghị định ở cấp Chính phủ và thông tư ở cấp Bộ. Có thể dựa trên kiến nghị của các nhà mạng hay xem xét thực tế triển khai, Bộ TT-TT vẫn có thẩm quyền trình Thủ tướng ký sửa đổi Nghị định 49/2017.
Còn cụ thể bây giờ, sau thời hạn 24/4/2018, Bộ TT-TT có thể tạm thời... giả bộ làm ngơ chưa thực hiện việc kiểm tra các nhà mạng. Trong khi đó, các nhà mạng tung mọi chiêu thức ra để hoàn tất việc bổ sung thông tin thuê bao càng sớm càng tốt.
Và thiên hạ ắt thái bình, thuê bao hoan ca nếu như nhà mạng làm bất cứ cái gì cũng nghĩ tới khách hàng trước tiên – những người đem lại huê lợi nuôi sống mình. Dịch vụ có thu tiền sòng phẳng chớ nào phải miễn phí mà làm theo kiểu ban phát độc quyền.
Phạm Hồng Phước