Đà Lạt bao giờ thôi 'chặt chém'?

02/06/2017 - 13:26

PNO - Từng là thành phố mộng mơ, một góc châu Âu ở Việt Nam, thành phố Đà Lạt đón mùa du lịch 2017 này rất nóng với nhiều ta thán trên mạng xã hội và trên báo chí về những vụ du khách bị xử tệ.

Đành rằng cái tệ nạn chặt chém (giá) và lừa gạt du khách phương xa không chỉ có ở Đà Lạt và cũng chẳng phải mới mẻ gì ở Đà Lạt, nhưng hễ cứ nghe những cái vụ việc đó xảy ra tại Đà Lạt, những người yêu Đà Lạt, người con hay người dưng, đều cảm thấy đau lòng, giống như “trét lọ nghẹ” lên mặt cô kiều nữ bao đời nay làm nao lòng bao tao nhân mặc khách. Và càng đáng nói hơn, khi những điểm xấu du lịch đó đang có xu hướng "liên tục phát triển".

Da Lat bao gio thoi 'chat chem'?
Đà Lạt vốn là thành phố du lịch được du khách khắp nơi yêu thích.
 

Rộ lên gần đây nhất là vụ một nữ du khách đến từ Đồng Nai bị chủ một cửa hàng đặc sản ở Đà Lạt đánh chấn thương. Ngày 31-5, chị và cô cháu gái đang chạy xe máy tham quan thì có một cò vườn dâu chạy xe máy bám theo mời tham quan vườn dâu và mua dâu với giá rất rẻ. Nhưng trước tiên, chị được đưa tới tiệm bán mứt – vườn dâu Băng Như trên đường Phù Đổng Thiên Vương và bị yêu cầu phải mua sản phẩm tại đây mới được đưa vào vườn hái dâu. Chị mua một chai nước cốt dâu tằm giá 100.000 đồng.

Tuy nhiên, khi bị vườn dâu tính giá dâu tự hái từ 150.000 đồng tới 180.000 đồng một kg, quá cao so với giá mà cò chào mời, chị và cháu gái biết bị lừa đã quay lại tiệm Băng Như yêu cầu trả lại chai nước cốt dâu. Chuyện tệ hại xảy ra là đã không được trả lại hàng mà nữ du khách này còn bị chủ tiệm và nhân viên xông vào đánh.

Da Lat bao gio thoi 'chat chem'?
Chuyện 'chặt chém' giá xảy ra ngày càng nhiều.

Hiện nay, vụ việc này đang được Công an phường 8 (TP Đà Lạt) xử lý. Chủ tiệm đã thừa nhận có cùng nhân viên hành hung khách hàng này.

Có thể nói rằng, nữ du khách này chỉ là một nạn nhân mới nhất được báo cáo bị xử tệ ở Đà Lạt. Lâu nay, chuyện các tay cò vườn dâu, cò du lịch, cò đặc sản,… lừa gạt du khách đã trở thành một vấn nạn làm đau đầu các hãng du lịch và nản lòng nhiều du khách. Trước đây có tin nói rằng nhà chức trách địa phương đã họp bàn và cam kết chấn chỉnh tình trạng này. Vậy mà cho tới nay, mọi chuyện "vũ như cẩn"!

Liệu chuyện xử lý các thể loại cò không cánh này có quá khó không? Tôi nghĩ nếu nhà chức trách quyết tâm chịu làm là được. Một mặt cần liên tục thông tin cho du khách cảnh giác (bởi trong vụ này có lỗi một phần từ những du khách cả tin và hám của rẻ).

Da Lat bao gio thoi 'chat chem'?
 

Mặt khác, bằng các biện pháp nghiệp vụ chẳng phức tạp gì, công an có thể xử lý không ít những tên cò bất lương. Chính những tên cò này đã làm ảnh hưởng xâu tới những người tiếp thị đàng hoàng của các vườn dâu, cơ sở sản xuất – kinh doanh.

Chính người viết bài này từng ăn một quả lừa mắc nghẹn như hóc một quả thông trong cổ. Một người chạy xe ôm hứa chở tôi đi "thăm dân cho biết sự tình" khắp thành phố một cách "không vui không về Saigon", để rồi cuối cùng tôi phải ngồi trên những bậc thang cạnh chợ Đà Lạt mà gặm… bắp nướng.

Còn chuyện du khách bị chặt chém với giá "đứng hình" là chuyện thường ngày ở Đà Lạt. Mới đây nhất lại xôn xao vụ hai du khách “ức đến tận cổ” khi phải trả 700.000 đồng cho hai tô miến gà ở quán Gà ta ngay chân cầu thang chợ.

Bản thân tôi đã mấy lần dính vụ vào nhà hàng gọi món ăn cho hai người để bị dọn ra thức ăn đủ cho sáu người ăn rồi chịu tính tiền nguyên bàn. Có chỗ giải thích rất tự nhiên: cứ ngồi một bàn là tính theo suất nguyên bàn.

Mà không phải chỉ có một hai nhà hàng đâu. Từ đó trở đi, khi lên Đà Lạt, tôi chỉ dám gọi cơm đĩa – ăn đĩa nào, tính đĩa đó và ưu tiên ăn tại những quán nho nhỏ be bé xinh xinh cho nó đỡ buồn linh tinh.

Da Lat bao gio thoi 'chat chem'?
Quán Gà ta ngay chân cầu thang chợ gây xôn xao với hai tô miến gà giá 700.000 đồng. Ảnh: Facebook.

Nhiều người cảnh báo rằng mua đặc sản trong và chung quanh chợ Đà Lạt dễ bị sụp "bẫy giá". Đành rằng thêm rắc rối nhưng quan trọng là minh bạch, cách giải quyết đơn giản là mỗi cửa hàng phải niêm yết công khai giá bán từng món hàng có cơ quan chức năng chứng giám.

Còn trong quá trình mua bán, khách hàng và chủ cửa hàng chịu giá nào là do kết quả đàm phán song phương, nhưng chắc chắn là không vượt "bộ khung giá" bây giờ còn có ý nghĩa của "bộ khung ứng xử".

Ai đi du lịch Thái Lan ắt biết cảnh sát du lịch ở đó rất có uy đối với các dịch vụ du lịch. Thái Lan vốn coi du lịch là một "con gà đẻ trứng vàng" nên không muốn làm du khách phải chạy làng, lỡ tới một lần có cho tiền cũng chẳng quay lại.

Trong thời buổi mạng xã hội thông tin lan rộng khắp hang cùng ngõ hẻm và nhanh như điện xẹt này, bị du khách càm ràm là chỉ tổ thiệt hại nặng nề thôi. Làm ăn có ý hướng dài lâu, chẳng ai dại hám lợi con tép trước mắt mà mất cả con tôm sau đó.

Có lẽ một giải pháp có thể làm nhanh mà hiệu quả là cung cấp cho du khách tới Đà Lạt (tại sân bay, nhà nghỉ) những số điện thoại nóng (hotline) của nhà chức trách để khi xảy ra vụ việc gì, du khách có thể báo ngay.

Dĩ nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là nhà chức trách có tích cực xử lý hay không? Tôi vốn dễ tin và luôn nghĩ tốt cho bá tánh, nên nghĩ rằng những người ở Đà Lạt mà thật lòng yêu Đà Lạt ắt sẽ biết cách để giữ cho Đà Lạt luôn đẹp trong mắt du khách bốn phương. 

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI