Cửa hàng tiện lợi bành trướng: Ai xưng hùng xưng bá?

18/07/2017 - 00:30

PNO - Trong ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện ích và siêu thị mini tại Việt Nam đã lên đến 200%, từ 1.000 cửa hàng vào năm 2012 tăng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2015.

Trong khi đó, số lượng cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52% ở giai đoạn này. Đến năm 2017, tổng số cửa hàng tiện lợi (CHTL) đã đạt 2.500 (Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam). Người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn hơn trong mua sắm. Vậy liệu lực lượng bán lẻ nào sẽ thống lĩnh thị trường trong nhiều năm tới?

Cua hang tien loi bành truong: Ai xung hùng xung bá?
Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi


CHTL đang gia tăng chóng mặt

Các CHTL đang mở ra rầm rập trên các tuyến đường ở TP.HCM. Khảo sát riêng trên một đoạn đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), hiện đã có các ông lớn CHTL như FamilyMart, B’s mart, Ministop (Nhật); Shop&Go (Singapore); Circle K (Mỹ) đến Vinmart+, Coop Food, Satrafoods (VN)… đóng đô.

Càng vào khu vực trung tâm thành phố như quận 1, quận 3, các CHTL càng phân bố dày đặc và cứ mươi-mười ngày, người đi đường lại thấy có thêm cửa hàng mới mở. Trên mỗi tuyến đường ngắn Đề Thám, Bùi Viện, Nguyễn Trãi (Q.1) đều có đến năm-bảy CHTL với đủ thương hiệu. 

Nhiều CHTL còn xuất hiện xung quanh các chợ truyền thống nổi tiếng như Bến Thành, Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp, Hoàng Hoa Thám - những khu vực mà nhiều năm trước các nhà đầu tư CHTL còn nghi ngại. Xí phần mặt tiền đã đành, trong các con hẻm lớn lẫn hẻm nhỏ, nhiều CHTL cũng sáng đèn. Các cửa hàng tạp hóa đầy ắp hàng mới do người dân đầu tư mở cửa liên tục. Tại những nơi này, tiếng xe máy tấp vào mua hàng rồi lại lập tức rồ ga chạy đi gần như liên tục trong giờ cao điểm.  

Ở Việt Nam, hiện có hai mô hình chính dễ bị nhầm lẫn là CHTL và siêu thị mini. Các chuỗi CHTL cung cấp các sản phẩm thuận tiện cho việc mang đi như: đồ ăn và thức uống có thể sử dụng ngay; có không gian để KH có thể ăn uống ngay tại cửa hàng và các dịch vụ thanh toán hóa đơn kèm theo, hoạt động 24/24 giờ. Còn siêu thị mini giống như một siêu thị thu nhỏ. Chuỗi siêu thị này là nơi cung cấp các sản phẩm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến mỗi ngày, phù hợp với nhu cầu của các bà nội trợ, phụ nữ và người lớn tuổi.

Thị trường CHTL đang sốt xình xịch, chưa từng có ở nước ta. Công ty tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) khẳng định: CHTL và minimart là phân khúc phát triển nhanh nhất ở VN hiện nay. Để thành công trong công cuộc giành thị phần CHTL này, trước tiên, nhiều doanh nghiệp (DN) phải ra sức chiếm được mặt bằng bán lẻ lý tưởng vốn rất có hạn và đắt đỏ trên các tuyến đường. 

Giành vị trí đẹp, làm chủ thị trường 

Trong kinh doanh CHTL, mặt bằng đẹp là yếu tố quan trọng quyết định sức mua của khách hàng (KH).

Chuyên gia Trần Anh Tuấn (The Pathfinder) cho biết: “Dù diện tích mỗi cửa hàng không quá lớn nhưng cùng lúc nhiều đại gia bán lẻ đua nhau chọn để phát triển chuỗi CHTL đã khiến mặt bằng có độ nhận diện thương hiệu tốt như thuộc các con đường đông người qua lại, gần các giao lộ, chưa có đối thủ chính tăng giá vùn vụt. Giá cao khiến chi phí mặt bằng tại VN chiếm đến 30 - 40%/tổng chi phí đầu tư, trong khi ở các nước khác phí này chưa đến 30%”.  

Không chỉ vậy, khi kiếm và thuê được mặt bằng, DN còn “chịu áp lực tăng giá liên tục của chủ nhà vì VN chưa có những quy định ràng buộc, bảo vệ người đi thuê và đơn vị cho thuê như ở nước ngoài. Ai không có vốn mạnh sẽ khó cầm cự nổi” - chuyên gia Trần Anh Tuấn cho biết.

Tuy vậy, các nhà đầu tư nội hay ngoại cũng đều cố gắng vượt qua thách thức này. Lý do như ông Huy khẳng định: “Chậm chân mở CHTL trong bối cảnh hiện nay cũng chẳng khác nào tự nguyện dâng thị trường cho đối thủ”.

Vingroup là một ví dụ của DN VN quyết tâm trong cuộc giành thị phần này. Đại diện VinGroup giải thích: "Các CHTL VinMart+ đã ở mặt phố hoặc ở khu chung cư đông đúc, tiện lợi, dễ thu hút khách vào mua sắm. Mặt bằng đẹp là một trong những yếu tố quan trọng để thành công trong ngành hàng bán lẻ”. 

Cua hang tien loi bành truong: Ai xung hùng xung bá?
Cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi, từ đường lớn cho đến hẻm nhỏ.

Tuy nhiên, việc mở nhiều CHTL tựa như kế hoạch trồng cây dài hạn. Nhiều hệ thống CHTL đang chấp nhận lỗ để chiếm thị phần. Tình trạng này còn kéo dài trong năm-sáu năm nữa.

Giám đốc một công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho các chuỗi CHTL tiết lộ: “Nhiều thương hiệu đang tăng nóng số lượng CHTL là để giành vị trí đẹp đón đầu xu hướng tương lai, áp đảo những đối thủ yếu vía rút lui khỏi thị trường và họ tiến tới nhượng quyền thương hiệu. Thực tế, phần lớn các CHTL này đang âm vốn và liên tục kéo dài thời gian thanh toán đơn hàng chậm hơn một-hai tháng so với thỏa thuận 
ban đầu”.

Tận dụng “thế võ” độc quyền

Với thực tế thị trường đã kể trên thì thương hiệu, số lượng CHTL nước ngoài đang áp đảo CHTL trong nước. Các DN này hoạt động theo mô hình hiện đại, tích hợp mua sắm tiện dụng và trải nghiệm tiện ích. Đến Circle K (Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp), chúng tôi rất ấn tượng với cách bài trí, sắp xếp hàng hóa dễ nhìn, dễ chọn và đẹp mắt.

Ngay lối vào cửa, vị trí bên tay phải dành cho các sản phẩm (SP) bán chạy, như mì gói, nước giải khát, bánh kẹo, khăn giấy… Trong số đó, SP nào khách thường chọn mua thì được xếp bên trên, rất thuận tiện để chọn và tính tiền nhanh chóng. Sau một tuần trở lại, những mặt hàng mới bán chạy khác đã thế thân cho SP cũ.

Nhân viên bán hàng cho biết: “Chúng tôi sắp xếp hàng hóa linh hoạt để tạo cho khách cảm giác luôn mới mẻ mỗi lần ghé cửa hàng; tránh cảm giác đơn điệu, nhàm chán, ảnh hưởng tới tâm lý mua hàng”.

Trong khi đó, nhiều hệ thống CHTL VN chỉ mới đáp ứng nhu cầu đi chợ, chưa tạo được sự khác biệt, thay đổi theo xu hướng chung. Đáng ghi nhận trong sự khẳng định tên tuổi của CHTL trong nước có Vinmart +.  

Đại diện đơn vị này cho biết: “Chúng tôi còn điều tra, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng để chọn vị trí CHTL phù hợp, có chương trình ưu đãi và bán các SP, món ăn phù hợp với nhu cầu khách từng địa phương”. Tương tự, ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc marketing Saigon Co.op cho biết, Coop Food và Coop Smile được thừa hưởng kinh nghiệm quản lý, chương trình marketing, chăm sóc KH, dịch vụ và nguồn hàng phong phú từ hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra. Dù mua sắm ở Co.op Food hay Co.opSmile, KH vẫn có thể dùng thẻ Co.opmart để tích điểm và nhận chiết khấu thương mại, nhận quà tết, nhận quà sinh nhật… 

Không chỉ có CHTL do các DN đầu tư, thị trường CHTL tại VN còn phải kể đến các tiệm tạp hóa truyền thống do chính chủ nhà mở ra bày bán đủ SP từ cây kim, sợi chỉ đến mì gói, bình gas… có lực lượng mua hàng ủng hộ từ KH quen thân, thậm chí KH còn được nợ. Nhiều người bán cho biết, với những lợi thế này, họ vẫn sống khỏe!

Nhận xét về thế mạnh của từng lực lượng CHTL, ông Đỗ Quốc Huy nói: “Thuận lợi của CHTL là diện tích không đòi hỏi quá lớn thì sẽ dễ tìm mặt bằng, chi phí đầu tư cho trang thiết bị và con người  không quá cao, bộ máy nhỏ gọn nên vận hành linh động,… Tuy nhiên, mô hình này cũng có khó khăn riêng, đặc biệt là trong giai đoạn chưa phát triển thành chuỗi hoặc phát triển độc lập. Điển hình là về giá sản phẩm, nếu chưa phát triển được thành chuỗi thì giá thu mua sản phẩm đầu vào không thể nào cạnh tranh vì nhà cung cấp sẽ luôn ưu tiên giá tốt cho chuỗi lớn hơn do sức tiêu thụ tổng lượng hàng hóa lớn hơn. Đây là vấn đề về giá và thương hiệu".

Rõ ràng mỗi một lực lượng đang thủ những miếng võ lợi thế độc quyền của mình, vậy ai sẽ giành phần thắng? Câu trả lời mang tính quyết định đó sẽ thuộc về người tiêu dùng trong nhiều năm sau nữa.  

Tổ chức nghiên cứu Thực phẩm Quốc tế IGD cho biết: 

4 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng đầu khu vực châu Á về tốc độ tăng trưởng phân khúc cửa hàng tiện lợi

Thị trường CHTL hơn nhau là cạnh tranh ở mặt bằng đẹp. Mỗi DN có một chiến lược khác nhau. Nhiều đơn vị đầu tư CHTL không chỉ để kiếm lời từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà còn kiếm lời từ giá trị gia tăng của chuỗi khi mở nhiều CHTL và bán lại với mục đích đầu tư nhượng quyền kinh doanh. 

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hệ thống công nghệ thông tin bài bản để thu thập, phân tích dữ liệu KH, chuyên nghiệp hóa trong từng công đoạn, tìm các đối tác tư nhân thầu cung cấp sản phẩm. Trong khi các nhà bán lẻ VN thì mãi chạy theo “bán gạo thì trồng lúa luôn”, thiếu tính chuyên nghiệp, linh hoạt và cứng nhắc trong việc hợp tác với các đối tác lớn hơn. 
Chuyên gia Trần Anh Tuấn (The Pathfinder)

Đặc điểm tiêu dùng của người Việt Nam

Các kênh mua sắm thuận tiện đạt mức tăng trưởng 6% so với năm ngoái. Hầu hết người tiêu dùng đồng ý rằng nơi mua sắm thuận tiện (như  địa điểm gần nhà hoặc trên đường về nhà), tiết kiệm được nhiều thời gian là những yếu tố hàng đầu để chọn nơi mua sắm.

Thậm chí những điều này còn được xếp hạng quan trọng hơn chất lượng sản phẩm, nhân viên thân thiện hay chương trình khuyến mãi. 

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel VN cho biết.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI