Chảy chi sông ơi?

25/05/2018 - 14:05

PNO - Nếu có thể, chỉ mong các dòng sông đừng chảy. Nợ ở đâu, nước đọng ngay ở đó, bài toán kinh tế không phải kéo dài qua hết vùng này vùng nọ, khó tính, khó đền...

Hơn 1.500 tấn cá đã chết sau cơn mưa đêm dai dẳng, khi nước ở thượng nguồn tràn về, đổ qua làng nuôi cá bè trên sông La Ngà, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Đó là hôm 20/5. Ngày 21/5, người dân phải bán đổ bán tháo cá chết với giá từ 2.000-8.000 đồng/kg, bằng khoảng 10% giá cá sống thương phẩm.

Ngày 22/5, những kết quả xét nghiệm mẫu nước đã được công bố trên báo chí: nước có khí độc vượt chuẩn, trong đó bao gồm NH4 và NO2 có hàm lượng gấp 10-20 lần mức cho phép.

Chay chi song oi?
Hơn 1.500 tấn cá đã chết trên sông La Ngà.

Có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về khí NO2 qua internet. Theo đó, NO2 chủ yếu là một loại khí do con người tạo ra, mà việc tiếp xúc nhiều với nó làm tổn thương phổi và các vấn đề về hô hấp, thậm chí gây tử vong. Các nguồn chính thải ra NO2 gồm có các nhà máy điện, các loại xe máy và từ ngành công nghiệp nặng.

Do vậy, nó chỉ thường thấy ở các khu công nghiệp và đô thị lớn. Tất nhiên, làng nuôi cá bè La Ngà, hay H.Định Quán không phải là đô thị lớn. Làng cũng chẳng phải khu công nghiệp. Thiệt hại là bởi nước sông mang khí độc từ đâu đó chảy về. 

Hơn 80 hộ dân nuôi cá, cho rằng nhiều thì là nhiều, bảo rằng ít thì là ít. 1.500 tấn cá chết của họ, có thể sẽ được đền bù, vào một lúc nào đó. Nhưng cũng có thể sẽ như nước sông, trôi xuôi, đi mất.

Với 80 hộ dân này, thiệt hại không chỉ là con số đã qua, thiệt hại còn là những tháng ngày sắp tới - làm gì để sống? Mùa mưa đang đến, nước sẽ tiếp tục từ thượng nguồn xuôi xuống. Trên dòng sông đó, nên hay không nên tiếp tục nuôi cá? Những người dân đó, còn sức, còn tiền, còn đủ niềm tin để tiếp tục nghề cũ để mưu sinh?

Sự phát triển kinh tế không chỉ bao gồm đô thị và các khu công nghiệp. Người dân cũng rất cần những mớ rau, con cá. Dẫu biết rằng có rất nhiều lúc, chúng ta phải chấp nhận “vay” trước của tương lai một ít tổn hại môi trường, để đổi lấy sức bật phát triển kinh tế trước mắt, nhưng người ta rất hay vay quá lố.

Khoản tiền thu trước mắt luôn dễ tính, còn khoản vay của tương lai thì thường rất mập mờ. Tổng thu nhập của một đô thị, doanh thu của một khu công nghiệp sẽ dễ che mờ đi màu nước sông, thứ vốn của chung, mỗi ngày đều chảy.

Mỗi khoản vay rồi sẽ đến ngày phải trả. Cả vốn và lãi. Hãy xem, TP.HCM phải nỗ lực và tốn kém thế nào, cả về thời gian và tiền bạc, để hồi sinh dòng kênh Nhiêu Lộc. 1.500 tấn cá chết ở La Ngà không chỉ mang theo thiệt hại của hơn 80 hộ dân, mà còn mang theo - của thượng nguồn dòng sông - một lời nhắc nhở: “Vay tiền thì trả lãi đi nghen”. 

Tất nhiên, sông La Ngà hay các dòng sông khác chắc chắn không có chuyên môn tài chính - ngân hàng. Và, việc đòi lãi, đòi nợ của sông cũng rất không chuyên nghiệp. NO2 không sinh ra bởi những hộ dân nuôi cá bè, nhưng lại làm chết 1.500 tấn cá của họ. Mà nước sẽ còn mang khí độc chảy tiếp về xuôi. Vay ở một nơi, rồi theo dòng nước, cái sự đòi, trôi về một hoặc nhiều nơi khác.

Nếu có thể, chỉ mong các dòng sông đừng chảy. Nợ ở đâu, nước đọng ngay ở đó, bài toán kinh tế không phải kéo dài qua hết vùng này vùng nọ, khó tính, khó đền...

Nếu có thể, chỉ mong sông đừng chảy. Cứ thế này, dân nghèo không còn nước mắt mà chảy với sông đâu. 

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI