Bỏ việc để kinh doanh đặc sản

22/05/2017 - 12:00

PNO - Gần đây, phong trào khởi nghiệp rộn ràng đến tận các văn phòng. Nhiều bạn trẻ độ 30-40 tuổi dứt chiếc ghế êm để lao ra thương trường chông gai.

Mặt hàng của quê hương

Từ nửa cuối năm 2016 về trước, nhiều doanh nghiệp giải thể. Điều này đồng nghĩa không ít nhân viên văn phòng ở độ tuổi xấp xỉ 40 phải nghỉ việc. Nếu lại bắt đầu từ đầu với số tiền lương 7-8 triệu đồng/tháng, quanh quẩn trong bốn bức tường văn phòng nhàm chán, nhiều người ngán ngẩm.

Đồng thời, với phong trào khởi nghiệp đang rầm rộ, xu hướng tiêu dùng hiện nay là chọn sản phẩm lạ, sạch, ít chất bảo quản và phải ngon, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều nhân viên nghỉ việc quyết định khởi nghiệp. 

Bạn H.N. (Q.6, TP.HCM), bán lạp xưởng tươi Rạch Kiến, cho biết: “Trước đây, nhà mình từng làm lạp xưởng và bán ở quê. Tới đời mình, chị em đều đi làm văn phòng, ba mẹ lại già nên đành bỏ nghề. Nay mình thấy nhiều người thích thưởng thức món đặc sản nên bán thử. Ngoài ra, khi chọn con đường này, mình làm chủ được nguồn hàng, hiểu rõ sản phẩm, vốn lại ít. Nhiều đồng nghiệp của mình cũng có xu hướng muốn bán đặc sản và là chủ… nhỏ”. 

Bo viec de kinh doanh dac san

Với con heo đen, cô giáo Hoàng Linh đã giúp đặc sản phố núi có mặt trên nhiều mâm cơm ở Sài Gòn

Nhọc công để có hàng ngon 

Chị Võ Thị Minh Nga (29 tuổi, H.Hiệp Đức, Quảng Nam) một phóng viên cũng đã giã từ nghề báo để kinh doanh mật ong rừng Hiệp Đức. Để gầy dựng thương hiệu, đều đặn một-hai lần/tuần, chị Nga lại đi săn ong.

Chị Nga cho biết: “Nhiều khi đi cả ngày mà chỉ thu được vài lít mật, có lúc còn phải đối mặt với nguy hiểm, do tổ ong nằm vắt vẻo trên cành cây sát bờ vực, rồi đường rừng hiểm trở…”.

Trong quá trình đi rừng, chứng kiến đồng bào Bh’ Nong (H.Phước Sơn, Quảng Nam) tận tụy với từng hạt lúa đỏ trồng thô trên rẫy cao, chị lại giới thiệu thêm đặc sản này và chế biến ra món gạo lứt sạch, bột gạo lứt mè… 

Cũng như chị Nga, cựu giáo viên Nguyễn Hoàng Linh (31 tuổi, H. K’ Rông Pa, Gia Lai) cũng quyết tâm đưa đặc sản thịt heo đen của đồng bào Ja Rai xuống núi. Linh đi sâu vào bản làng cách nhà gần 100km để tìm được heo ngon, xẻ thịt và đóng gói gửi xe cho khách. Nhờ chị mất công chăm chút, nên hàng được nhiều khách chuộng. Dần dà, Linh còn bán thêm bê núi, cá suối, lòng bê nấu đăng, ba rọi một nắng, muối kiến, muối é… 

Tranh thủ các kênh quảng bá vừa túi tiền

Hầu hết, các trường hợp khởi nghiệp này đều là những cử nhân, tiếp cận khoa học công nghệ, biết tìm hiểu về kinh doanh và có kinh nghiệm sống. Do vậy, tất cả đều có điều kiện bắt nhịp tốt với thị trường.

Chị Linh Nga thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, đoạn clip về những chuyến đi rừng liên miên trên mạng xã hội. Nhờ vậy, người mua hiểu rõ hơn, tin tưởng về giá trị mật ong rừng Bh’ Nong của chị.

Anh Nguyễn Bá Toàn (35 tuổi, tỉnh Hải Dương), chủ thương hiệu Cá kho Bá Kiến vốn là kỹ sư công trình. Anh cho biết: “Để khách biết đến món cá trắm đen kho với 10 loại gia vị mà người dân làng Vũ Đại chế biến rất đặc biệt, tôi đã mất bốn năm ròng rã phát tờ rơi, quảng cáo trên báo, Google…".

Đầu năm 2014, với món cá kho, anh là đại diện duy nhất của châu Á Thái Bình Dương được Google chọn để giới thiệu rộng rãi khắp năm châu. 

Chọn con đường đúng 

Riêng với mặt hàng mật ong rừng, giá sản phẩm luôn cao hơn mật ong đại trà. Hàng về lại chập chờn vì phụ thuộc mùa vụ nhưng lượng khách hàng của chị Minh Nga vẫn tăng đều. Thậm chí, nhiều Việt kiều Úc, Mỹ, Singapore mỗi khi về nước cũng mua rất nhiều mật ong rừng và tinh nghệ núi của chị. 

Bo viec de kinh doanh dac san
Minh Nga trong những chuyến vào rừng săn mật ong

Tương tự, từ một mặt hàng heo rừng, đến nay cô giáo Hoàng Linh có cả năm-bảy mặt hàng và lượng khách hàng ngày càng đông đảo và cô cũng có thu nhập ổn định.

Đặc biệt, thương hiệu Cá kho Bá Kiến bán hơn 5.000 nồi cá/năm và cũng đã được nhiều Việt Kiều biết đến. Ngoài ra, công ty còn có chả mực Hạ Long. Dự kiến, công ty sẽ mở chuỗi siêu thị tiếp cận khách hàng tốt hơn và nghiên cứu để xuất khẩu niêu cá kho theo đường chính ngạch.  

Giá cao vì mặt hàng kỳ công
Giá thịt heo đen của chị Hoàng Linh: 230.000 đến 250.000đ/kg. Tương tự, nồi cá kho Bá Kiến có giá 400.000 - 600.000đ/nồi... Mật ong rừng và gạo đỏ của đồng bào Bh’Nong cũng có giá cao hơn các sản phẩm đại trà.

Giám đốc tài chính một công ty mỹ phẩm Nhật ở  TP.HCM từng cho rằng: đây là thời của thị trường ngách (hẹp). Nếu mới bắt đầu kinh doanh và vốn ít, bạn bắt buộc phải chọn con đường này. Chẳng hạn, nếu kinh doanh áo quần thì bạn phải chọn áo quần big size. Bởi thị trường lớn đã có những công ty lớn chiếm thị phần, ta khó lòng cạnh tranh lại. 

Không khó để bạn lên google tìm nơi bán các món ăn đặc sản. Song để tìm một đặc sản đúng chất bản địa thì điều đó không dễ.

Đặc sản quê nhà là tinh túy của ẩm thực và văn hóa bản địa. Vì vậy, hầu như công thức chế biến những món này phải được giữ nguyên. Anh Bá Toàn cho biết: ví dụ cá kho phải là cá trắm đen nặng trên 3kg, ướp đủ gia vị từ gừng, riềng, chanh, nước cốt cua đồng đến mắm, muối… rồi  kho trong nồi đất và nung bằng củi nhãn trong 16 giờ. 

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI