Bảo hiểm du lịch: Du khách thờ ơ, vì sao?

22/04/2018 - 06:30

PNO - Bảo hiểm du lịch là loại hình bảo hiểm chi trả cho cá nhân hoặc gia đình những tổn thất phát sinh trong chuyến đi như tai nạn, ốm đau, chuyến đi bị hoãn, thất lạc hành lý, mất hộ chiếu...

Thực tế, đa phần du khách Việt Nam không có thói quen bỏ tiền mua loại bảo hiểm này, nhất là khi đi du lịch trong nước, nên khi xảy ra sự cố, họ hầu như không có quyền lợi gì.

Gặp sự cố mới thấy tổn thất to

Theo Tổng cục Du lịch, hiện nay, có khá nhiều loại hình bảo hiểm du lịch (BHDL), gồm bảo hiểm (BH) khách du lịch trong nước, BH người Việt Nam du lịch ở nước ngoài, BH người nước ngoài du lịch tại Việt Nam, BH du lịch nhóm, BH cho người mang thẻ tín dụng… 

Mức phí BHDL nội địa chỉ khoảng 1.500 đồng/người/ngày, cao hơn là 3.000-5.000 đồng/người/ngày, riêng mức phí BHDL nước ngoài là khoảng 1-1,5 USD/người/ngày. Khách du lịch nội địa là đối tượng ít mua BHDL nhất hiện nay.

Bao hiem du lich: Du khach tho o, vi sao?
Người đi du lịch hãy xem bảo hiểm du lịch như giấy thông hành quan trọng thứ hai sau hộ chiếu.

Còn theo bà Huỳnh Bích Trâm - Phó giám đốc bộ phận Giải pháp đo lường - bán lẻ, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, số người Việt Nam mua BHDL chỉ khoảng 30%, số còn lại không mặn mà. Khách du lịch nội địa riêng lẻ chiếm số lượng rất đông nhưng lại là đối tượng ít khi mua BH vì vẫn còn tâm lý chủ quan: đi trong nước sẽ an toàn, đi chơi vài ngày chắc không sao... 

Một bộ phận người dân vẫn còn “tù mù” không hiểu BHDL là gì, khi mua sẽ được quyền lợi gì. Trường hợp đi nước ngoài, người Việt Nam chỉ mua BHDL trong thủ tục làm visa, còn nếu trong thủ tục không yêu cầu, họ không mua. 

Đại diện Hãng hàng không Vietjet air cho biết, có không ít cuộc gọi đến tổng đài của hãng, yêu cầu hủy mua BHDL mà khách đã vô tình nhấn “chọn” khi đặt vé, mặc dù khoản chi phí này chỉ vài chục ngàn đồng/khách đối với đường bay nội địa và hơn 100.000 đồng/khách đối với đường bay quốc tế.

Trong khi đó, tai nạn khi đi du lịch luôn rình rập và chi phí do bị tai nạn thường gây tổn thất gấp hàng trăm lần so với chi phí mua BHDL. Đơn cử như vào giữa tháng 3/2018, gia đình chị Nguyễn Ánh Ngọc (ngụ tại TP.HCM) đã cùng một số người thân tại TP.Buôn Ma Thuột thuê xe đi du lịch tại Mộc Châu (tỉnh Sơn La); trên đường đi, xe đâm vào đuôi xe tải khiến hai người chết, hai người bị thương nặng.

Bao hiem du lich: Du khach tho o, vi sao?
Bảo hiểm du lịch giúp du khách an tâm hơn với kỳ nghỉ của mình.

Theo chị Ngọc, hai người bị thương phải tốn tiền chạy chữa 500 triệu đồng; sau chuyến du lịch, gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. “Nếu trước đó, gia đình có mua BHDL thì sẽ được hỗ trợ không ít” - chị Ngọc nói. 

Khách thờ ơ, công ty lữ hành lập lờ

Hiểu rõ tầm quan trọng của BHDL nên trong năm 2017, Nhà nước quy định các công ty lữ hành phải có trách nhiệm mua BHDL cho khách nội địa. Tuy nhiên, đa phần người dân còn phó mặc BHDL cho các công ty lữ hành, không quan tâm trong đó có những hạng mục gì. Một số doanh nghiệp lợi dụng sự ít quan tâm này để mua BHDL giá rẻ, mức đền bù thấp, gây bất lợi cho du khách. 

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Công ty TST Tourist - cho biết, khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam mua tour thường hỏi tỉ mỉ về giá trị BH cũng như quyền lợi họ được hưởng nếu chẳng may xảy ra sự cố, trong khi du khách Việt Nam thường quan tâm nhiều đến giá tour, tiêu chuẩn khách sạn, nơi mua sắm vì họ nghĩ BH thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp lữ hành. 

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành giấu nhẹm thông tin về gói BH, đơn vị BH và thường chỉ mua BHDL với giá ở mức tối thiểu. Khi gặp rủi ro, khách sẽ không được hỗ trợ hoàn toàn và có nhiều thứ bị loại trừ, mức bồi thường không cao.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi gọi đến Công ty du lịch L.T. (Q.11, TP.HCM), hỏi về quyền lợi BH khi mua tour du lịch tại đảo Phú Quốc, nhân viên chỉ thông tin qua loa như: công ty có mua BHDL cho khách, trị giá 20 triệu đồng/hành khách. Như vậy, nếu khách gặp bất trắc, thậm chí tử vong do các hoạt động du lịch, cũng chỉ được đền bù 20 triệu đồng.

Bao hiem du lich: Du khach tho o, vi sao?
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành giấu nhẹm thông tin về gói BH, đơn vị BH và thường chỉ mua BHDL với giá ở mức tối thiểu. 

Khi chúng tôi thắc mắc về vấn đề bồi thường khi mất hành lý, nhân viên tại đây tiếp tục tư vấn kiểu qua loa: phương tiện ra Phú Quốc bằng máy bay, nếu mất hành lý thì hãng hàng không sẽ đền. Điều này chứng tỏ công ty du lịch trên không hề mua BH hành lý cho hành khách. 

Nếu BHDL mà các công ty lữ hành mua là loại BH thông thường, sẽ không có dịch vụ cứu trợ y tế khẩn cấp. Khi du lịch tại nước ngoài mà không có dịch vụ cứu trợ y tế này, khách phải tốn số tiền rất lớn để trả chi phí điều trị nếu gặp tai nạn.

Chị Ngọc Hạnh (ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, chị du lịch tại Pháp và mua tour giá rẻ nên không chú ý lắm đến BHDL gồm những gì. Khi bị đau dạ dày, chị mới biết BHDL của công ty lữ hành không có đơn vị cứu trợ tại Pháp. Sau đó, chị Hạnh cũng được đưa vào bệnh viện một ngày đêm nhưng tốn khoảng 1.200 USD chi phí. 

Sau khi về nước, đem giấy tờ đến công ty BH để thanh toán lại thì công ty BH B. cho rằng, giấy tờ sơ lược, không có đóng mộc, hóa đơn đỏ nên không thanh toán. Riêng bệnh đau dạ dày của chị thì bác sĩ tại công ty BH “nghi ngờ bệnh mãn tính” nên không thuộc hạng mục được thanh toán.

“Bên Pháp không có hóa đơn đỏ, có dấu đỏ như Việt Nam. Bác sĩ khám xong cũng chỉ cho đơn thuốc chứ không ghi hóa đơn thu tiền. Trong khi trên giấy tờ, bác sĩ ghi rất rõ là đau dạ dày cấp tính nhưng họ vẫn cho rằng, do bác sĩ Việt Nam “nghi ngờ” tôi bị mãn tính nên thủ tục kéo dài mà vẫn không chi trả” - chị Hạnh bức xúc.  

Hiện nay, một số công ty BHDL quảng cáo có đơn vị cứu trợ, nhưng lại kê khai số lượng trong hợp đồng không trung thực (ví dụ 1.000 hợp đồng nhưng chỉ kê khai 500-700 hợp đồng) để giảm bớt chi phí trả lại cho các đơn vị cứu trợ.

Kết quả, khi khách du lịch bị nạn, gọi vào số hotline của dịch vụ cứu trợ thì hotline trả lời không biết khách là ai vì công ty BH không kê khai tên khách cho hãng cứu trợ biết. Cũng có trường hợp khách phải đợi các hãng cứu trợ xác minh lòng vòng với các công ty BH, kết quả là khách bị bỏ rơi và phải tự bỏ tiền túi ra điều trị chứ không thể đợi đơn vị cứu trợ bảo lãnh thanh toán được. 

Do đó, khi mua BHDL hoặc ủy thác cho công ty lữ hành lo về BHDL, khách hàng cần tìm hiểu thêm các thông tin như: rủi ro nào được ưu tiên chi trả, thời hạn BH, mức phí BH, mức bồi thường, các trường hợp được BH… Với những khách hàng di chuyển thường xuyên, cần xem BHDL như giấy thông hành quan trọng thứ hai sau hộ chiếu. Phải xác định mua BH là quyền lợi bản thân, chứ không phải vì bị bắt buộc. 

Trong các chuyến du lịch, một số tài xế tại các công ty du lịch móc nối với hành khách để sau đó tổ chức những tour du lịch riêng với giá rẻ. Nhiều khách hàng nghĩ, những tài xế này thuộc các công ty du lịch thì khi đi xe riêng của họ hoặc tham gia các tour riêng của họ, vẫn sẽ có BHDL.

Nhưng thực tế, những tài xế này không bao giờ mua BHDL cho khách; khi xảy ra sự cố, hành khách luôn chịu thiệt thòi. 

Hiện nay, một số nước có tình trạng khủng bố, an ninh bất ổn, trong khi một số loại BHDL lại không hỗ trợ những loại tai nạn này, nên khách hàng cần phải lưu ý khi mua tour hoặc mua BH. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI