Sau đó, trang này đã mời bạn bè dự đoán xem cửa hàng 7-Eleven đầu tiên này sẽ được mở tại quận nào ở TP.HCM, với 4 quận trong danh sách là 1, 2, 3, và Bình Thạnh.
Cần biết thêm rằng Fanpage của 7-Eleven được điều hành bởi Công ty Seven System Việt Nam JSC. Trang web của công ty có trụ sở tại TP.HCM này cho biết họ chính là "đại lý nhượng quyền độc quyền của Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam".
|
7-Eleven vào Việt Nam là tin vui cho rất nhiều người. |
Với đặc thù của mình, 7-Eleven được mở ở các khu dân cư, chung cư, nơi có nhiều điểm lưu trú và bên cạnh những khách sạn lớn. Tuy cũng thuộc quy mô siêu thị nhỏ (mini mart), nhưng 7-Eleven là hình thức cửa hàng tiện lợi (convenience store) mở cửa 24/7.
Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới, hiện có hơn 60.000 cửa hàng ở 17 quốc gia (Việt Nam là thị trường thứ 18 của 7-Eleven).
7-Eleven có một quá trình hình thành và phát triển nhiều “ba chìm, bảy nổi, bốn long đong”. Nó ra đời gần tròn 1 thế kỷ (1927) tại Dallas (Mỹ) với cửa hàng đầu tiên được Công ty Kem Southland mở để chuyên bán trứng gà, sữa và bánh mì. Năm sau, phía trước cửa hàng có trồng một cây totem pole (vật tổ của thổ dân) là quà lưu niệm từ xứ Alaska. Và cây totem này trở thành một công cụ tiếp thị thu hút được nhiều khách tìm tới cửa hàng.
|
7-Eleven là hình thức cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7. |
Ngay sau đó, Công ty Southland cho trồng phía trước mỗi cửa hàng một cây totem rồi đặt tên cho chuỗi cửa hàng của mình là Tote'm Stores. Năm 1931, Southland bên bờ vực phá sản do chịu ảnh hưởng từ cuộc Đại Suy thoái (Great Depression) hoành hành trên quy mô toàn cầu và được giải cứu bởi một chủ ngân hàng ở Dallas, phải bán cổ phiếu công ty ở mức thê thảm từ 1 USD còn 7 xu rồi phải đặt dưới quyền kiểm soát của một ban giám đốc.
Năm 1946, trong nỗ lực phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chuỗi cửa hàng nhượng quyền Tote'm Stores đã được đổi tên thành 7-Eleven, xuất phát từ thời gian hoạt động mới là từ 7 giờ sáng tới 11 giờ đêm. Từ năm 1963, 7-Eleven bắt đầu thử nghiệm hoạt động 24 giờ mỗi ngày và suốt 7 ngày trong tuần.
Thêm một trận địa chấn mới xuất hiện là vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987 ở Mỹ xảy ra trùng vào lúc gia đình nhà sáng lập Thompson bỏ ra 5,2 tỷ USD mua lại quyền kiểm soát Southland từ các cổ đông đại chúng để chuyển công ty thành sở hữu tư nhân. Hậu quả là một số công ty con và hàng loạt cửa hàng đã phải bán đi để trả nợ.
Tháng 10/1990, Southland nộp đơn xin phá sản và tới tháng 3-1991 đã thoát thảm cảnh phá sản nhưng phải chuyển quyền kiểm soát 70% công ty cho hai công ty đầu tư Nhật Bản là Ito-Yokado và Seven-Eleven Japan (gia đình sáng lập chỉ còn nắm 5% cổ phiếu).
|
7-Eleven có một quá trình hình thành và phát triển nhiều “ba chìm, bảy nổi, bốn long đong”. |
Năm 1999, Southland Corp đổi tên thành 7-Eleven, Inc. Hiện nay, 7-Eleven vẫn đặt trụ sở chính ở bang Texas (Mỹ), nhưng có mẹ là Công ty Seven & I Holdings Co. (Nhật Bản). Năm 2010, sau 17 năm nằm trong Top 10 toàn cầu trên danh sách Annual Franchise 500 của Tạp chí Entrepreneur, 7-Eleven đã leo lên được vị trí số 3 trong các công ty nhượng quyền thương hiệu lớn nhất toàn cầu.
Trang VNFranchise hồi tháng 2/2017 cho biết hợp đồng nhượng quyền thương hiệu 7-Eleven ở Việt Nam vừa được ký kết với mục tiêu sẽ mở 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới, trong đó có 100 cửa hàng sẽ được mở trong 3 năm đầu. Đây là kết quả sau nhiều năm khảo sát thị trường Việt Nam của công ty mẹ Seven & I Holdings.
Hiện nay, thị trường cửa hàng tiện lợi của Việt Nam vẫn đang còn nhiều tiềm năng để phát triển. Những thương hiệu quốc tế lớn như Circle K (Mỹ), FamilyMart (của hệ thống siêu thị Uny Nhật Bản), Shop & Go (Singapore), Ministop (của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản), B's mart (của Tập đoàn Berlei Jucker BJC Thái Lan),… Thương hiệu Việt có Vinmart+.
|
Thị trường cửa hàng tiện lợi của Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. |
Đó là những thương hiệu có cửa hàng hoạt động 24/7. Ngoài ra còn có những cửa hàng tiện lợi của nước ngoài và trong nước không hoạt động suốt ngày đêm như Satrafoods, Co-op Food, Big C Express,…
Liệu các cửa hàng tiện lợi này có cạnh tranh trực tiếp với các tiệm tạp hóa truyền thống của người Việt? Chắc chắn là có ảnh hưởng ít nhiều nhưng còn lâu mới có chuyện triệt tiêu nhau.
Cửa hàng tiện lợi có ưu thế hoạt động suốt ngày đêm, giá rõ ràng và bán hàng có nguồn gốc bảo đảm hơn. Tiệm tạp hóa có lợi thế là có nhiều mặt hàng không thích hợp để bán tại các cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó giá bán có thể rẻ hơn do chi phí hoạt động kiểu lấy công làm lãi, nhất là nhờ mặt bằng của nhà.
Nhưng chuyện tiệm tạp hóa có thể bị giảm doanh thu là rõ ràng. Có lẽ đây cũng là xung đột lợi ích trong quá trình phát triển xã hội, phần nào giống như giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Xét trên tổng thế, các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình đầu tư để phát triển. Chuyện lợi nhuận vẫn còn ở phía trước mà doanh nghiệp nào không trường vốn và không dự liệu trước được ắt có thể nửa đường đứt gánh.
Việc hầu hết thương hiệu nước ngoài chọn hình thức nhượng quyền cho thấy họ muốn có sự an toàn cao hơn và buộc phía đối tác Việt Nam phải có trách nhiệm và lớn dần lên ngay từ đầu.
Trang VNFranchise cho biết: Kế hoạch của 7-Eleven là mở của hàng do công ty sở hữu trong thời gian đầu và sẽ triển khai bán nhượng quyền trong giai đoạn tiếp theo.
Công ty 7-Eleven Mỹ nói rõ: "Mục tiêu của 7-Eleven khi thâm nhập thị trường Việt Nam là nâng cao trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng tiện lợi cho khách hàng Việt nam, và góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ tại quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới này”.
Phạm Hồng Phước