5 kiểu đồng nghiệp có thể làm giảm năng suất của bạn

14/08/2018 - 09:30

PNO - Dù bạn đang làm việc trong môi trường văn phòng không gian mở hoặc bàn làm việc có vách ngăn thì đều phải tương tác với đồng nghiệp.

Và nếu đã hợp tác cùng với người khác thì hiếm khi tất cả mọi người đều hòa thuận với nhau 100% thời gian. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí hoàn toàn không thể chịu nổi với một vài người trong số họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn.

 Dưới đây là một số loại tính cách tiêu cực phổ biến ở nơi làm việc và ý tưởng về cách giải quyết hiệu quả được chia sẻ từ Trưởng phòng tư vấn tuyển dụng Careerlink.vn, một trong những trang web uy tín về nhân sự và tìm kiếm việc làm, hãy cùng tham khảo nếu bạn đang rơi vào tình trạng này nhé.

Cập nhật thông tin việc làm nhanh nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh

Người hay mượn nhưng quên trả lại

Họ có thể vay mượn tất cả các dụng cụ như dập ghim, kẹp giấy, băng dính hoặc những thứ khác từ bàn làm việc của bạn và không bao giờ trả lại. Thậm chí tệ hơn nữa là họ tự tiện lấy mà không cần đến sự cho phép của bạn. 

Giải pháp: nếu bạn biết thủ phạm là ai và bạn chưa nhận được món đồ trả lại, hãy giải quyết vấn đề một cách tích cực. Lần tiếp theo nếu điều này xảy ra, hãy nói điều gì đó chẳng hạn “Này [tên của họ], tôi nhớ là bạn đã mượn [tên món đồ] của tôi, không biết bạn còn giữ nó không vì tôi cần dùng đến”. Nếu họ vẫn đang giữ nó thì hy vọng bạn sẽ lấy lại được và đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi. Ngược lại, nếu họ tránh đưa ra câu trả lời trực tiếp và giả vờ không biết điều bạn đang nói, hãy rút kinh nghiệm và khóa kỹ đồ dùng của bạn để tránh tình trạng tương tự tiếp diễn.

Người chểnh mảng, lười biếng

Đó là những người luôn sẵn lòng “nhường” cơ hội thực hiện công việc cho đồng nghiệp và luôn ở đó để hưởng “ké” thành quả đạt được. Điều này không công bằng và khiến người khác thật khó chịu.

Giải pháp: nếu cho qua hành vi không được chấp nhận này thì bạn (và có thể là các đồng nghiệp khác) sẽ cảm thấy tổn thương và điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất của tập thể. Hãy mạnh dạn nói lên và có trách nhiệm đối đầu với những cá nhân này bằng cách hỏi họ chính xác những gì họ đã đóng góp cho nhiệm vụ, dự án. Hãy cho họ cơ hội nói lên suy nghĩ vì nó sẽ cung cấp cho bạn thông tin có giá trị về quan điểm của họ. Nếu điều này không hiệu quả, bạn luôn có các tùy chọn khác như nói chuyện với người quản lý trực tiếp và giải thích điều gì đã xảy ra.

Người ra vẻ biết tất cả mọi thứ

Có hai biến thể của kiểu người này tại nơi làm việc: chỉ quan tâm đến tiểu tiết mà bỏ qua tổng thể và người “kiên quyết” giải quyết các vấn đề giúp bạn, ngay cả khi bạn không cần đến hoặc nghĩ rằng mình đang gặp khó khăn.

Giải pháp: Các ý kiến không được yêu cầu có thể gây nhiều phiền toái, chẳng khác nào tiếng còi xe ban đêm khiến bạn thức giấc. Hãy phớt lờ các ý kiến mang tính tùy tiện này bằng cách nói “Cám ơn, tôi sẽ suy nghĩ về ý kiến của bạn”. Và nếu bạn cảm thấy bực mình, hãy thoải mái với suy nghĩ rằng rất có thể họ là người khó chịu, không đáng tin cậy hoặc đang cố gắng tỏ ra “trên cơ” người khác.

Người thích ngồi lê đôi mách

Họ luôn xuất hiện với tư thế đã biết được tất cả mọi chuyện đang xảy ra với ai và khi nào, cho dù đó là việc ai sắp bị sa thải, ai sắp vào công ty hoặc bất cứ điều gì liên quan đến lương bổng. Họ rất hào hứng chia sẻ thông tin với người chịu lắng nghe họ và lặp lại thường xuyên các tin đồn nhằm khuấy động kịch bản xấu nhất về những gì đang xảy ra.

Giải pháp: khi xử lý thông tin đến từ những nguồn không chính thống, tốt nhất là nên yêu cầu họ đưa ra bằng chứng càng nhiều càng tốt. Nói cách khác, bạn cần biết sự thật chứ không phải là những lời suy đoán hay lý giải. Vì vậy, đừng ngại đặt ra câu hỏi cho họ về nguồn gốc thông tin đã nhận được. Họ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng không vui vẻ gì để nói về các tin giật gân và kết quả là họ sẽ giữ khoảng cách với bạn bởi việc phát hiện ra sự thật sẽ lấy mất niềm vui của họ. Một cách khác cũng có thể mang đến hiệu quả là thể hiện thái độ dửng dưng với các tin đồn của họ. Dù bằng cách nào cũng sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác nặng nề bởi phải nghe quá nhiều tin đồn khiến bản thân không tập trung vào công việc.

Người luôn cho mình là nạn nhân

Đối với người hay cho mình là nạn nhân thì họ luôn có điều gì đó để phàn nàn và ai đó để đổ lỗi. Kiểu đồng nghiệp hay bất mãn này - dù lý do gây ra sự bất mãn của họ là chính đáng hay không - thì cũng sẽ ảnh hướng tiêu cực đến người làm việc cùng. Thói quen hay phàn nàn có thể lây lan dẫn đến một bầu không khí độc hại.

Giải pháp: những người có tâm lý mình là nạn nhân không tin rằng họ được quyền làm chủ hoặc kiểm soát tình huống trong công việc. Trong thế giới của họ, mọi thứ đều như cố tình gây ra rắc rối cho họ. Chỉ khi bạn có một trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ (và cả sự kiên nhẫn) thì mới có thể hiểu những gì họ nói mà không đưa ra sự đồng tình, sau đó lại tập trung vào công việc của mình. Nếu không thì hãy cố gắng đừng đi vào câu chuyện của họ hay quan tâm đến các bằng chứng họ đưa ra để chứng minh vì sao kết quả của họ lại như vậy, nhằm tránh lãng phí thời gian và năng lượng vốn chỉ nên dành cho công việc.

Hoàng Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI