Rượu ‘Atomik’ hấp dẫn vì lấy nguyên liệu từ Chernobyl

10/08/2019 - 06:00

PNO - Chernobyl, cái tên đi vào lịch sử nhân loại là thảm họa hạt nhân kinh hoàng, nay tái xuất hiện với loại rượu vodka mang tên Atomik được sản xuất từ nước và ngũ cốc từ chính mảnh đất từng nhiễm phóng xạ chết chóc.

Các nhà khoa học từ Đại học Portsmouth (Anh) là tác giả của vodka Atomik, một loại rượu được làm từ nước và lúa mì ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bỏ hoang từ sau thảm họa hạt nhân ở thành phố Pripyat, Ukraine. Loại rượu trắng này được khẳng định hoàn toàn an toàn đối với người tiêu dùng.

Ruou ‘Atomik’ hap dan vi lay nguyen lieu tu Chernobyl
Vodka Atomik được sản xuất từ nguyên liệu ở Chernobyl

Chernobyl là nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, cướp đi mạng sống của hàng ngàn người. Vụ nổ lò phản ứng năm 1986 tại nhà máy hạt nhân Chernobyl đã buộc phải sơ tán cư dân một khu vực rộng lớn ở 3 nước cộng hòa Ukraine, Belarus và Nga trong Liên bang Xô viết (Liên Xô), bụi phóng xạ bay đi khắp châu Âu.

Trong khi vụ nổ chỉ giết chết 31 người, hàng triệu người khác bị phơi nhiễm với mức độ phóng xạ nguy hiểm và ước tính số người chết cuối cùng do các vấn đề sức khỏe lâu dài lên tới con số 200.000.

Trong hơn hai thập kỷ, nhà chức trách đã duy trì “khu vực loại trừ” bán kính 30km xung quanh lò phản ứng, bao gồm thành phố Pripyat, nơi từng có 50.000 người sinh sống.

Ruou ‘Atomik’ hap dan vi lay nguyen lieu tu Chernobyl
Cấu trúc an toàn mới che phủ lò phản ứng thứ tư Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, ảnh chụp năm 2018 - Ảnh: AFP/Getty Images

Nhóm các nhà khoa học Anh và Ukraine đã sản xuất rượu vodka Atomik trong chương trình dự án nghiên cứu kéo dài ba năm để chuyển chất phóng xạ sang cây trồng trong “khu vực loại trừ” Chernobyl.

Ông Jim Smith, người đứng đầu dự án là chuyên gia nghiên cứu Chernobyl hàng chục năm qua, ông đã cùng nhóm làm việc tìm hiểu xem có an toàn khi sử dụng một số vùng đất bị bỏ hoang để trồng trọt hay không. Ông nói với CNN : "30 năm sau thảm họa hạt nhân, chúng tôi phát hiện cây trồng trong khu vực này vẫn vượt quá giới hạn cảnh báo đối với người tiêu dùng. Về lý thuyết, người ta không thể ăn các sản phẩm trồng ở đây, nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ lấy một số ngũ cốc và thử làm rượu vodka xem sao”.

Các chuyên gia pha loãng rượu chưng cất bằng nước khoáng lấy từ tầng nước ngầm trong thị trấn Chernobyl, cách lò phản ứng 10km về phía nam, và nó không bị nhiễm phóng xạ.

Các nhà nghiên cứu khẳng định vodka Atomik an toàn để uống, mặc dù nhóm nghiên cứu phát hiện một số phóng xạ trong ngũ cốc nấu rượu – vượt quá giới hạn cho phép của Ukraine – nhưng việc chưng cất đã giảm tạp chất đến mức không thể phát hiện được.

Ruou ‘Atomik’ hap dan vi lay nguyen lieu tu Chernobyl
Du khách nghe hướng dẫn viên giới thiệu “thành phố ma” Pripyat trong một chuyến tham quan ở “khu vực loại trừ” Chernobyl. Sau loại phim truyền hình Chernobyl của HBO, khu vực này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt - Ảnh: AFP/Getty Images

Ông Jim Smith giải thích thêm rằng "khi chưng cất thứ gì đó, rất nhiều tạp chất nằm lại trong chất thải và sản phẩm cuối cùng luôn tinh khiết hơn, đó cũng là cách chúng tôi làm với Atomik - chúng tôi lên men ngũ cốc sau đó chưng cất nó. Không đo được phóng xạ trong sản phẩm, ngoại trừ carbon 14 tự nhiên mà bạn tìm thấy trong bất kỳ đồ uống có cồn nào hay trong bất kỳ thực phẩm nào”.

Công ty Rượu Chernobyl do nhóm mới thành lập lên kế hoạch giai đoạn 1 sản xuất quy mô nhỏ rượu Atomik trong năm nay và muốn trao lại 75% lợi nhuận cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

Trong tuyên bố của mình, ông Smith nói: "Tôi nghĩ rằng đây là chai rượu quan trọng nhất trên thế giới bởi vì nó có thể giúp phục hồi kinh tế của các cộng đồng sống bên trong và xung quanh các khu vực bị bỏ hoang".

Hiện nay, có khoảng 150 người cao tuổi vẫn sống trong “khu vực loại trừ” bất chấp sự can thiệp của chính quyền. Các quan chức cho biết con người chỉ có thể sống an toàn ở vùng đất nhiễm phóng xạ này sau 24.000 năm nữa, mặc dù khi có giấy tờ phù hợp, khách du lịch có thể đến thăm khu vực này trong một chuyến đi ngắn.

Chernobyl và Pripyat bắt đầu chào đón khách du lịch kể từ khi “khu vực loại trừ” mở cửa cho du khách vào năm 2011, sự quan tâm đến vùng đất này một phần nhờ điện ảnh. Tháng 7/2019, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một sắc lệnh cho phép phát triển “khu vực loại trừ” Chernobyl thành một điểm thu hút khách du lịch.

Thanh Vân (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI