Con cai được điện thoại, mẹ thì không

15/06/2019 - 10:00

PNO - Đến tận mùa hè, tôi mới tìm được cách rời xa chiếc điện thoại. Điều đầu tiên tôi làm là cho con nghỉ ở nhà, chứ không đi học hè.

Tôi có chiếc điện thoại thông minh đầu tiên cách đây 5 năm. Lúc đó, tôi mới sinh con đầu lòng, chồng mua tặng vợ vì sợ ở nhà trông con buồn. Thế rồi, như nhiều người khác, tôi nghiện điện thoại lúc nào không hay. Bất kể giờ nào tôi cũng tranh thủ lướt điện thoại, đặc biệt khi tham gia vào Facebook và Zalo.

Con cai duoc dien thoai, me thi khong
Ảnh minh họa

Phải công nhận chiếc điện thoại mang đến cho tôi nhiều niềm vui. Tôi thường đùa với chồng: “Nhờ có điện thoại mà em tránh được bệnh trầm cảm sau sinh”. Đến khi đi làm lại, tôi còn dành tiền để đổi điện thoại mới có nhiều chức năng thỏa mãn sở thích. Để thoải mái lướt điện thoại, tôi giao cho con chiếc điện thoại cũ để xem hoạt hình. Việc trông con trở nên dễ dàng, mẹ một máy con một máy, chẳng ai quấy rầy ai.

Người nhận ra điều bất ổn này là chồng tôi khi về nhà thấy hai mẹ con đều ôm điện thoại. Anh bảo tôi cần phải thay đổi thói quen này vì nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến con. Anh còn cất công sưu tầm nhiều bài báo nói về tác hại của việc dùng điện thoại đối với trẻ nhỏ. Tôi bắt đầu công cuộc “cai” điện thoại cho con trước. Việc đầu tiên tôi làm là cất máy của con không cho xem và mua thêm đồ chơi để chơi cùng con. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi cũng không được cầm điện thoại trước mặt con theo yêu cầu của chồng.

Sau vài tháng, con quen dần với việc không chơi điện thoại nữa. Nhưng tôi vẫn không thể bỏ được. Dù chơi cùng con nhưng tâm trí cứ để tâm vào điện thoại, chỉ cần một tiếng chuông báo tin nhắn là bật dậy xem ngay.

Nhiều lúc con nói dỗi: “Mẹ không cho con xem điện thoại mà mẹ cứ xem hoài” khiến tôi bối rối. Đó là những lúc con ở nhà. Còn khi con đi học, tôi vẫn say mê lướt điện thoại. Bởi trong ngày tôi chỉ dạy một buổi ở trường nên thời gian còn lại khá rảnh rỗi. 

Tôi biết việc cắm đầu vào điện thoại nhiều sẽ mất thời gian và không thể tập trung làm việc. Đôi khi việc soạn giáo án hay chấm một xấp bài kiểm tra kéo dài từ ngày này sang ngày khác vì cứ mười phút tôi lại cầm điện thoại một lần để xem và không dứt ra được. Trong khi những việc đó, nếu tập trung hoàn toàn, tôi có thể hoàn thành trong vài giờ. 

Đã hơn một lần, tôi quyết tâm hạn chế dùng điện thoại nhưng không thành công. Bởi mọi công việc ở lớp, ở trường chủ yếu thông tin qua mạng. Có ngày tôi kiên quyết không cầm điện thoại trong vòng ba tiếng bằng cách tắt chuông. Nhưng sau đó mở ra, tôi tá hỏa khi thấy một loạt tin nhắn của học sinh và đồng nghiệp.

Sáng đó, tôi không lên lớp và có một học sinh trong lớp bị ốm nhưng không thể về vì không có giáo viên chủ nhiệm xác minh. Sự việc đó khiến tôi bị khiển trách. Thêm nữa, việc quản lý học sinh liên lạc thông báo chủ yếu qua Facebook của lớp, nếu tôi không cập nhật tin tức ngay là không nắm bắt được tình hình. Những lý do như thế khiến tôi lần lữa, không kiên quyết trong việc “cai” điện thoại. 

Con cai duoc dien thoai, me thi khong
Ảnh minh họa

Đến tận mùa hè, tôi mới tìm được cách rời xa chiếc điện thoại. Điều đầu tiên tôi làm là cho con nghỉ chứ không đi học hè. Bởi có con ở nhà, tôi như có một camera giám sát, chỉ cần cầm điện thoại nhiều, thể nào con cũng có ý kiến.

Vào mùa hè, trường tạm nghỉ nên tôi không phải lăn tăn chuyện bỏ lỡ công việc nếu tắt điện thoại. Tôi tắt kết nối mạng và bỏ điện thoại vào một góc để chơi với con. Hơn hai tuần trôi qua và tôi thấy mọi việc khá ổn khi không còn quan tâm lắm đến điện thoại. Cứ như thế, tôi hy vọng hết mùa hè, tôi sẽ “cai” điện thoại thành công. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI