Vì sao Obama và Trump sẽ không đời nào làm bạn

27/03/2017 - 06:30

PNO - Dù ông Obama đã tỏ ý muốn có một mối quan hệ tích cực với người kế nhiệm Donald Trump, việc họ trở thành bạn là bất khả thi, theo một cựu nhân viên Nhà Trắng.

Tổng thống Donald Trump và cựu Tổng thống Barack Obama có thể sẽ không bao giờ trở thành bạn bè, theo kiểu tán chuyện đánh phiến quân 'Nhà nước Hồi giáo tự xưng' (IS), hay đùa cợt chuyện trong Thượng viện.

Ít nhất là theo nhận định của một cựu nhân viên Nhà Trắng.

Vi sao Obama va Trump se khong doi nao lam ban
Cuộc gặp nhằm chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AP

Mặc dù sau chiến thắng của ông Trump tháng 11 năm ngoái, hai người đã tỏ ra tương đối thân mật, nhưng gần đây họ không hề nói chuyện. Jen Psaki, một trợ lý lâu năm của ông Obama, đến những tháng cuối nhiệm kỳ còn làm giám đốc truyền thông cho ông, tin rằng hai người sẽ không bao giờ trở thành bạn bè.

Bà cho rằng ông Obama “đã tiến hành một cuộc chuyển giao quyền lực ổn thỏa, và đó là việc ông tập trung làm. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ trở thành bạn chơi golf.”

Cũng chẳng có gì lạ khi ông Obama không hào hứng tham gia vẫy khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ông Trump đã từng liên tục cáo buộc ông Obama nói dối về việc sinh ra ở Hawaii, rằng chính ông Obama đã tạo ra IS trong nhiệm kỳ của mình ở Nhà Trắng.

Ngay khi thắng cử, ông Trump đã cam kết dỡ bỏ các chính sách, đặc biệt về y tế, của người tiền nhiệm. Gần đây, ông còn cáo buộc ông Obama nghe trộm tư gia của mình ở Tháp Trump ở New York mà chẳng đưa ra bằng chứng nào chứng minh.

Còn ông Obama đã tỏ ý muốn có một mối quan hệ tích cực với ông Trump kể cả sau khi rời nhiệm sở.

Ông cam kết chuyển giao quyền lực nhịp nhàng cho ông Trump trong những tuần cuối ở Nhà Trắng, còn cùng vợ, bà Michelle Obama, tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Tháng 11 năm ngoái, khi hai ông gặp nhau chỉ hai ngày sau bầu cử, ông Trump đã viết trên Twitter là “cuộc gặp thực sự tốt đẹp,” thậm chí còn nói hai người có “tương tác rất tuyệt.”

Nhưng kể từ đó, hai ông chẳng hề nói chuyện. Ông Trump hồi tháng Một có gọi điện cho ông Obama một lần để cảm ơn về quá trình chuyển giao, nhưng ông Obama lúc đó đang ở trên máy bay, và sau đó họ không liên lạc lại, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Bà Psaki cho biết ông Obama, vốn là một trong những nhân vật được yêu thích nhất của đảng Dân chủ, đang sống tiếp cuộc đời mình. “Đã đến lúc trong đảng cần những tiếng nói mới,” bà nói.

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Obama có giao tiếp với ông Trump, nhưng là gián tiếp. Hồi tháng Một, khi ông Trump ra lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân 7 quốc gia có đa số dân Hồi giáo, người phát ngôn của ông Obama đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích chính sách này.

“Tổng thống về cơ bản không đồng tình với quan điểm phân biệt đối xử với các cá nhân dựa trên tín ngưỡng hay tôn giáo của họ,” phát ngôn viên của ông Obama, Kevin Lewis, lúc đó nói.

Ông Obama cũng ca ngợi những người dân Mỹ đã tuần hành và biểu tình chống ông Trump. “Công dân thực hiện quyền hội họp đã được hiến định, và tiếng nói của họ được các quan chức dân cử tiếp thu, đó chính là điều chúng ta muốn chứng kiến khi các giá trị của nước Mỹ bị đe dọa,” ông Lewis nói cũng trong tuyên bố trên.

Gần đây, khi bị ông Trump cáo buộc nghe lén, ông Obama đáp trả trong một tuyên bố khác.

“Nguyên tắc chính yếu của chính quyền Obama là nhân viên Nhà Trắng tuyệt đối không can thiệp vào bất cứ cuộc điều tra độc lập nào của Bộ Tư pháp,” phát ngôn viên của ông Obama nói đầu tháng này.

“Theo nguyên tắc này, Tổng thống Obama và các nhân viên Nhà Trắng không bao giờ yêu cầu giám sát bất cứ công dân Mỹ nào.”

Julian Zelizer, giáo sư lịch sử và các vấn đề công tại ĐH Princeton ở New Jersey, nhận định rằng các Tổng thống bất đồng về các vấn đề chính sách là bình thường. Nhưng chuyện hai ông Trump và Obama “rõ ràng là tệ hơn những gì ta vẫn thường thấy.”

Đại An (theo Newsweek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI