Vì ham kẹo mà bị bắt cóc, 40 năm sau tìm về cha mẹ nhưng họ đã không còn

02/02/2018 - 06:49

PNO - 40 năm trước, chỉ vì thèm ăn 2 chiếc kẹo mà cậu bé Sở Vĩnh Hỉ khi ấy mới 6 tuổi đã bị người ta bắt cóc đến Sơn Đông.

40 năm sau, nhờ sự giúp đỡ của cư dân mạng, cuối cùng ông cũng tìm về được nơi chôn rau cắt rốn của mình ở huyện Trinh Phong, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc).

Vi ham keo ma bi bat coc, 40 nam sau tim ve cha me nhung ho da khong con
 

“Nếu tôi có thể tìm được về nhà sớm nửa năm thôi thì đã có thể được gặp mẹ tôi lần cuối rồi”, ông Sở Vĩnh Hỉ nói. Mới đây, ông muốn nhanh chóng được trở về quê hương, nhưng ông trời lại đối xử với ông thật nghiệt ngã khi tuyết rơi đầy và quá giá lạnh.

Nghĩ đến số phận của mình, ông lại rơi nước mắt. Cũng may anh chị em của ông vẫn còn, ông cuối cùng cũng được đoàn tụ với người thân.

“Khi ấy tôi mới 6 tuổi, theo mẹ đi thăm nhà một người bà con. Mẹ để tôi chơi một mình ngoài cổng. Lúc ấy có một người đàn ông và một người đàn bà bước đến chỗ tôi đưa cho tôi 2 chiếc kẹo rồi dỗ dành tôi. Chỉ có vậy và tôi ngoan ngoãn đi theo họ”, ông Xỉ vẫn nhớ rõ câu chuyện của mình năm xưa.

Ông còn kể, đợi đến khi ông nhận ra có điều gì đó bất ổn thì ông đã bị đưa đến một ga tàu, chuẩn bị được đưa đến nhà cha mẹ nuôi ở một nơi xa xôi khác.

Ở nhà cha mẹ nuôi, ban đầu ông sống kha tốt. “Lúc trong nhà thiếu thốn, có gì ngon bố mẹ cũng nhường tôi ăn trước. Trong nhà còn có 4 người chị nữa nhưng bố mẹ nuôi tôi chỉ cho tôi đi học”.

 Nhưng ông chỉ được bố mẹ nuôi chiều chuộng trong 2 năm đó, cho tới khi họ mang thai đứa con trai của chính mình. Ông bắt đầu học cách sống mà phải nhìn sắc mặt người khác, hàng ngày phải tự giác làm việc nhà, không bao giờ dám cãi bố mẹ nuôi nửa lời. “Rồi tôi cũng chẳng đi học nữa, làm gì cũng phải dè dặt”.

Đến khi con trai họ được sinh ra, họ liền nói với ông Hỉ: “Nhà ta nghèo quá, con đi đi. Đến từ đâu thì về đó đi”. Chỉ một câu vậy và ông bị đuổi ra đường, trở thành một đứa trẻ vô gia cư, không thân phận.

Khi ấy ông chỉ biết ông đến từ mạn phía Nam, ông cũng từng nghĩ đến chuyện một mình tìm lại về quê hương, nhưng một đứa trẻ 11 tuổi có thể làm gì được đây. May sao có một người tốt trong làng đã giúp ông tìm một căn lều nát cho ông ở tạm. Không lâu sau, ông lưu lạc đến vùng Đông Bắc.

Cô đơn một mình, lúc nào ông cũng ôm giấc mơ được về với cha mẹ đẻ.

“Năm đó là tôi bị thím của cha mẹ nuôi tôi bắt cóc từ Quý Châu về Sơn Đông. Nhiều lần tôi có hỏi họ về thân phận thực sự của mình nhưng không ai chịu nói cho tôi biết, vì thế mà tôi cũng chẳng biết nhà mình ở đâu mà về”.

Mấy năm gần đây, trang mạng “Con ơi về đi” kết hợp với đài truyền hình Trung ương tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến tìm người thân, ông Hỉ cũng thường xuyên theo dõi và ông cũng muốn mình được tham gia.

Sau khi tìm được cách thức liên lạc, ông lập tức đến xếp hàng đăng kí.

Ngày 19/1 vừa rồi, các tình nguyện viên của chương trình “Con ơi về đi” lọc hồ sơ đăng kí thì có ấn tượng với trường hợp tìm người thân của ông Hỉ.

Sau đó, phía chương trình liên lạc lại với ông Hỉ, tin tức tìm người thân của ông Hỉ cũng được đăng tải trên trang web của chương trình. Các tình nguyện viên ở Quý Châu sau khi nắm được thông tin đã tích cực chia sẻ, tìm kiếm.

Cuối cùng, một người tên Triệu Phúc Hải đã cung cấp một thông tin rằng, trước đây hàng xóm nhà ông ta có một người họ Giả, cách đây 40 năm có một đứa con bị mất tích, nghe nói là bị bắt cóc đến Sơn Đông.

Mọi người đều hi vọng đây chính là người mà ông Hỉ cần tìm.

Họ nhanh chóng liên lạc được với hàng xóm nhà ông Hải và may mắn đã mỉm cười với ông Hỉ, ông đã liên lạc được với anh trai và chị gái chỉ sau 2 ngày. Họ đã xác nhận ruột thịt thông qua các kí ức tuổi thơ. Và ông Hỉ chính là đứa trẻ tên Giả Quang Phúc bị bắt cóc năm xưa.

Vậy là sau 40 năm, ông Hỉ cũng đã tìm được người thân. Ông tức tốc mua vé tàu về Quý Châu vào ngày 27/1. Khi về đến nhà, điều làm ông hụt hẫng nhất đó là cha mẹ ông đều không còn nữa.

Dù tìm lại được người thân nhưng ông chẳng thể vui nổi. Cha ông đã mất từ hơn 10 năm trước, còn mẹ ông thì mới mất cách đây hơn nửa năm: “Giá như tôi tìm lại được sớm hơn nửa năm thì tôi đã được gặp mẹ rồi”, ông nói trong nước mắt.

Chinh Lê (nguồn Sina)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI