Trung Quốc: Từ vụ sinh viên tự tử làm lộ những khoảng tối nhức nhối trong trường đại học

16/04/2018 - 14:39

PNO - Hai vụ tự tử cách nhau 20 năm của sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc làm nóng trở lại mối lo ngại về việc các giáo viên đại học lạm dụng quyền lực trong nhà trường.

Vấn đề này được cho là có cội nguồn từ các sai lầm của hệ thống giáo dục và văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Trung Quoc: Tu vu sinh vien tu tu lam lo nhung khoang toi nhuc nhoi trong truong dai hoc
Tao Chongyuan, 26 tuổi, nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Vũ Hán - Ảnh: Tư liệu

Tao Chongyuan, 26 tuổi, nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, đã nhảy lầu tự tử ngày 26/3 vừa qua.

Gia đình Tao cáo buộc giáo sư và là người hướng dẫn đề tài của anh, ông Wang Pan, đã “bóc lột” Tao, và buộc cậu phải làm những việc như mua đồ ăn, giặt quần áo và thậm chí bày tỏ "tình mẫu tử" của mình đối với ông ta, căn cứ tin nhắn trao đổi giữa hai người.

Chị gái của Tao tố cáo, thầy Wang đe dọa đuổi Tao khỏi phòng thí nghiệm của mình và thu hồi bằng cấp, khi cậu nộp đơn xin học chương trình tiến sĩ ở nước ngoài và sau đó nhận được các lời mời làm việc.

Wang phủ nhận cáo buộc “bóc lột” Tao, nhưng nhà trường đã buộc ông Wang ngừng tuyển nghiên cứu sinh.

Trung Quoc: Tu vu sinh vien tu tu lam lo nhung khoang toi nhuc nhoi trong truong dai hoc
Giáo sư Wang Pan phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến cái chết của nghiên cứu sinh Tao Chongyuan - Ảnh: Tư liệu

Trong một vụ việc khác, năm 1998, Gao Yan - sinh viên 21 tuổi của trường Đại học Bắc Kinh cũng đã tự tử.

Hai người bạn học cũ của Gao tố cáo thầy Shen Yang, 62 tuổi, cựu giáo viên tiếng Trung tại trường, đã hãm hiếp Gao.

Ông Shen sau đó bị các trường Đại học Sư phạm Thượng Hải và Đại học Nam Kinh sa thải. Mặc dù vậy, ông vẫn bác bỏ cáo buộc có quan hệ tình dục với Gao.

Thầy Shen bị đưa ra ánh sáng sau khi làn sóng #MeToo toàn cầu mới đây – chiến dịch tố cáo những kẻ lạm dụng và quấy rối tình dục giấu mặt - lan đến Trung Quốc.

Thực tế đáng lo ngại ở trường đại học Trung Quốc được coi là “bất công nhất quán và có hệ thống”.

Trung Quoc: Tu vu sinh vien tu tu lam lo nhung khoang toi nhuc nhoi trong truong dai hoc
Gao Yan, sinh viên Đại học Bắc Kinh 21 tuổi tự sát năm 1998 - Ảnh: News.163.com
Trung Quoc: Tu vu sinh vien tu tu lam lo nhung khoang toi nhuc nhoi trong truong dai hoc
Shen Yang, cựu giáo viên tiếng Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, bị buộc tội hãm hiếp dẫn đến việc Gao Yan tự tử vào năm 1998 - Ảnh: Peopleapp.com

Ít nhất có 8 trường hợp liên quan đến cáo buộc các giáo sư đại học tấn công tình dục, hoặc ép buộc học sinh làm "ô-sin" cho các sinh hoạt cá nhân của họ trong hai năm qua.

Sau những chỉ trích của công chúng nhắm vào các thầy hướng dẫn của nghiên cứu sinh Tao và và sinh viên Gao, nhiều cựu sinh viên Đại học Nhân dân nổi tiếng ở Bắc Kinh đã lên tiếng tố cáo hai giáo sư của trường quấy rối tình dục.

Cựu sinh viên Đại học Nhân dân ẩn danh viết trên mạng xã hội Weibo rằng, vào năm 2005, một giáo sư hành chính công đã ôm cô từ phía sau, và gợi ý cô làm người tình của ông ta.

Một người dùng mạng xã hội Zhihu giấu tên cũng nói, một giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân đã ôm ấp, đụng chạm vào cơ thể và quấy rối cô.

Đại học Nhân dân hôm 13/4 cho biết, họ đang điều tra các cáo buộc trên.

Trung Quoc: Tu vu sinh vien tu tu lam lo nhung khoang toi nhuc nhoi trong truong dai hoc
Đại học Công nghệ Vũ Hán nơi nghiên cứu sinh Tao Chongyuan nhảy lầu tự tử ngày 26/3 - Ảnh: Tư liệu

Các chuyên gia và người trong cuộc bình luận, hệ thống các trường đại học Trung Quốc không bảo vệ sinh viên, và đặc biệt là nghiên cứu sinh, khỏi nguy cơ bị các giáo sư lạm dụng, mặc dù các khảo sát chính thức luôn đưa ra một bức tranh màu hồng.

Một cựu sinh viên Đại học Công nghệ Vũ Hán nói: "Trường hợp của Tao chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, và đây là một vấn đề mang tính hệ thống, vượt ra ngoài phạm vi đại học Vũ Hán”.

Nguyên nhân của tình trạng trên được giải thích là do quyền lực của các giáo sư trong trường không bị kiểm soát, chưa kể văn hóa truyền thống khuyến khích quan hệ thầy trò, dẫn đến khả năng sinh viên bị bóc lột.

Quyền lực của các giáo sư đối với nghiên cứu sinh thể hiện ở chỗ, các thầy có thể nắm giữ “vận mệnh” của học trò thông qua các luận văn – các thầy có thể đình chỉ, không công nhận tốt nghiệp cho nghiên cứu sinh, đó cũng là cách để Tao trở thành “nô lệ” của thầy Wang.

Hệ thống hướng dẫn cá nhân chiếm ưu thế làm tình hình trầm trọng thêm. Trong số 2.600 nghiên cứu sinh của Trung Quốc được thăm dò, hơn 86% cho biết họ làm luận văn trên cơ sở một thầy một trò.

Trung Quoc: Tu vu sinh vien tu tu lam lo nhung khoang toi nhuc nhoi trong truong dai hoc
Mối quan hệ thầy trò truyền thống ở các trường đại học Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ sau một loạt vụ bê bối tình dục và cái chết của sinh viên - Ảnh: Reuters

Các trường đại học thường thiếu các quy định có ranh giới rõ ràng về quyền hạn của giáo sư, hoặc các cơ chế nội bộ để kiểm tra hiệu quả thẩm quyền của các thầy.

Ông Xiong Bingqi, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, nói: "Sinh viên thường không được bảo vệ khi quyền lợi bị xâm hại, họ chỉ có thể sử dụng truyền thông xã hội để kêu cứu”.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​48.900 sinh viên đại học do Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia tiến nhành năm 2017 phát hiện 5 lĩnh vực họ ít hài lòng nhất, trong đó có "quyền thể hiện, tham gia và giám sát".

Yang Rui, Giáo sư Giáo dục tại Đại học Hong Kong, chuyên gia về giáo dục đại học Trung Quốc nhận định, văn hoá truyền thống Trung Quốc đề cao giáo viên lên vị thế của phụ huynh, chịu trách nhiệm cho sự phát triển của học sinh trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả đạo đức.

"Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” là một câu nói cửa miệng của người Trung Quốc phản ánh đạo lý tôn sư trọng đạo.

Sun Jin, Giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói giáo viên vô trách nhiệm là "trường hợp cực hiếm" và "những người tích cực nhiều hơn rất nhiều những kẻ lạm dụng".

Thầy Sun đồng ý rằng quan hệ thầy trò là một kiểu quan hệ của “bố già”, nhưng nó "ấm áp" hơn nhiều so với các nước khác.

Cẩm Hà (Theo South China Morning Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI