Tranh cãi trong việc Trung Quốc dự hội nghị chống buôn bán tạng

08/02/2017 - 07:12

PNO - Tòa thánh Vatican đã bảo vệ quyết định của mình trong việc mời Trung Quốc tham dự một hội nghị cấp cao về buôn bán nội tạng, bất chấp tai tiếng Bắc Kinh sử dụng nội tạng của tử tù.

Người đứng đầu Viện Khoa học của Giáo hoàng (PAS) Sorondo thừa nhận ông không biết liệu thực tế lấy tạng tù nhân ở Trung Quốc còn tiếp diễn hay không, nhưng ông hy vọng việc này sẽ khuyến khích sự thay đổi. Bắc Kinh nói rằng việc lấy nội tạng cưỡng bức đã chấm dứt từ năm 2015, trong khi các nhóm nhân quyền nói rằng Trung Quốc vẫn sử dụng nguồn tạng để cấy ghép từ các tử tù. 

Tranh cai trong viec Trung Quoc du hoi nghi chong buon ban tang
Tiến sĩ Huang Jiefu, Chủ tịch chương trình cấy ghép tạng của Trung Quốc nói tại hội nghị rằng nước này đã đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt lấy tạng cưỡng bức - Ảnh: The Herald

Trước đó, nhóm Các bác sĩ nhóm chống lấy tạng cưỡng bức (DAFOH) cho biết sự tham gia của Trung Quốc ảnh hưởng đến hội nghị và PAS nên từ chối việc mời Bắc Kinh khi chưa có kết quả kiểm tra độc lập. Tiến sĩ Torsten Trey thuộc DAFOH nói rằng, không có lý do gì để tin vào tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng việc lấy cắp nội tạng tử tù đã chấm dứt.

Các nhà vận động không mời Bắc Kinh tham dự hội nghị nói rằng những người bị giết để lấy tạng bán cho các nhu cầu cấy ghép ở Trung Quốc chủ yếu bao gồm các thành viên của Pháp Luân Công, một phong trào tín ngưỡng dựa trên các hoạt động thể dục bị cấm hoạt động ở Trung Quốc năm 1999, các Kitô hữu, người dân tộc Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ và người khác bị bắt giam vì tín ngưỡng của mình.

Trung Quốc luôn trong tình trạng thiếu hụt những người hiến tạng và ngấm ngầm tồn tại một thị trường chợ đen lớn về nội tạng. DAFOH muốn Bắc Kinh chứng minh công khai rằng đạo luật cho phép thu hoạch nội tạng từ thập niên 1980 đã bị bãi bỏ.

Tranh cai trong viec Trung Quoc du hoi nghi chong buon ban tang
Trung Quốc được Vatican mời tham dự hội nghị cấp cao về buôn bán nội tạng - Ảnh: Getty Images

Trước nhiều lời tố cáo của các tổ chức và cá nhân, Chủ tịch Chương trình cấy ghép tạng của Trung Quốc – Tiến sĩ Huang Jeifu - nhấn mạnh nước này đã đạt được nhiều tiến bộ, mặc dù vẫn xảy ra một số vi phạm. Ông Huang khẳng định: "Chính phủ chúng tôi không khoan nhượng với việc tổ chức lấy tạng trái phép”. Ông nói, tuy nhiên Trung Quốc là một nước lớn, với 1,3 tỷ dân, khó tránh khỏi một số hành vi vi phạm pháp luật. 

Đáng chú ý, các phóng viên nói rằng Tiến sĩ Huang là một nhân vật “hai mặt” nhiều tranh cãi, theo họ, ông ta có công trong việc cải tổ một hệ thống nổi tiếng là tham nhũng ở đại lục, trong khi đó ông ta bị những người khác buộc tội đồng lõa trong việc cho phép tệ “cướp tạng” tiếp tục diễn ra.

Tranh cai trong viec Trung Quoc du hoi nghi chong buon ban tang
Ông Sorondo, người đứng đầu Viện Khoa học của Giáo hoàng (PAS), nói rằng ông không biết việc cấy ghép tạng bất hợp pháp còn diễn ra ở Trung Quốc hay không - Ảnh: AP

Hội nghị Vatican là một nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm đối phó với tình trạng buôn người và nội tạng trên thế giới. Các đại biểu được cho biết các bệnh nhân cần hiến tạng tuyệt vọng đổ xô đến các nước nơi có quy định lỏng lẻo và có thể mua tạng – từ thận đến giác mạc - với giá rẻ, như Ai Cập, Ấn Độ và Mexico.

VIỆT HƯNG (Theo BBC, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI