Liên Hợp Quốc cho phép sử dụng tất cả các biện pháp để tiêu diệt IS

23/11/2015 - 06:52

PNO - Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cho phép các nước “sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết” để tiêu diệt (IS).

Theo AFP, nghị quyết do Pháp soạn thảo đã giành được sự đồng lòng ủng hộ của các thành viên Hội đồng Bảo an hôm 20/11 (giờ Mỹ).

Nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc “tăng gấp đôi nỗ lực và phối hợp ngăn chặn, chấm dứt các cuộc tấn công khủng bố” do IS và các nhóm cực đoan khác liên quan đến al-Qaeda thực hiện.

Miêu tả IS là một “mối đe dọa toàn cầu và chưa từng có đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, nghị quyết cũng kêu gọi một sự trừng phạt và thúc giục các nước tăng cường nỗ lực chặn đứng dòng chiến binh nước ngoài đến tham chiến cùng IS tại Syria và Iraq.

Lien Hop Quoc cho phep su dung tat ca cac bien phap de tieu diet IS
IS là mối đe dọa chưa từng có ở quy mô toàn cầu. (Ảnh: FarNews)

Nghị quyết cho rằng, các quốc gia thành viên cần phải nỗ lực hết sức, thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, theo luật pháp quốc tế, nhất là luật nhân đạo, người di cư và nhân quyền quốc tế để chống lại sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Matthew Rycroft miêu tả nghị quyết này như một lời hiệu triệu đối với các nước thành viên tham gia nỗ lực quốc tế tiêu diệt IS.

Dự thảo nghị quyết chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng được Pháp đề xuất chỉ 1 tuần sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương.

Lien Hop Quoc cho phep su dung tat ca cac bien phap de tieu diet IS
Hiện trường vụ khủng bố Paris tối 13/11.

Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre cho biết: “Pháp đã tăng cường các nỗ lực quân sự tại Syria nhằm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ triển khai máy bay Charles de Gaulle, tăng gấp 3 nỗ lực không kích. Nghị quyết này sẽ giúp chúng tôi phối hợp hành động tốt hơn với các đối tác quốc tế và đặc biệt là các thành viên Hội đồng Bảo an”.

Cùng diễn biến, tại châu Âu, các bộ trưởng đã nhất trí cải tổ nhanh chóng khu vực đi lại tự do Schengen để siết chặt kiểm soát biên giới của khối.

Tại Brussels, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, ông và những người đồng cấp châu Âu đã nhất trí trong cuộc họp rằng cần phải siết chặt kiểm tra cửa khẩu vào khu vực Schengen ngay lập tức.

Ông khẳng định cuối năm nay Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra các kế hoạch áp dụng “các biện pháp kiểm tra bắt buộc tại biên giới đối với tất cả những người qua lại”, bao gồm cả công dân EU.

Trước đó, Nga cũng đã trình dự thảo nghị quyết chống IS lên Liên Hợp Quốc, tuy nhiên đã bị các nước phương Tây bác bỏ do chưa thống nhất được quan điểm.

Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, trong khi Mỹ, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng yêu cầu ông Al-Assad phải từ chức như là một điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, Nga và các nước còn lại, lại lên tiếng bác bỏ yêu cầu này. Theo quan điểm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, số phận của ông Al-Assad phải do chính người Syria quyết định chứ không phải do các thế lực bên ngoài.

Mặc dù vẫn còn bất đồng xung quanh sinh mệnh chính trị của ông al-Assad nhưng các bên đều thống nhất quan điểm về việc cần thiết phải chấm dứt đổ máu và tìm kiếm giải pháp để tất cả các bên trong cuộc xung đột, ngoại trừ lực lượng khủng bố, đều có thể tham gia.

Hùng Văn (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI