Nghệ nhân Nguyễn Thành Trung- Một tấm lòng với núi

08/04/2019 - 19:30

PNO - Nghệ nhân Nguyễn Thành Trung vừa là nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa theo hội họa, điêu khắc. Ngoài những đam mê cá nhân, công việc thường ngày của anh còn là thiết kế những công trình tôn giáo mang nét đặt trưng văn hóa của người dân tộc.

Những ngày này, nghệ nhân Nguyễn Thành Trung đang lo lợp tôn và lát nền cho ngôi nhà của K’Ơn (H.Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Phải tranh thủ làm cho xong trước mùa mưa. Đây là ngôi nhà tình thương thứ bảy, là tấm lòng mà anh và bạn bè dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số.

Ân nhân của đồng bào nghèo

Nhà thơ Kiều Huệ - một người bạn của nghệ nhân Nguyễn Thành Trung - nói anh là ân nhân của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2017, anh đã bắt tay vào việc xây nhà cho người nghèo, nhưng khi được hỏi, anh cứ dặn đi dặn lại: “Đừng viết gì quá nghe. Tôi chỉ có công chạy tới chạy lui thôi, phải nhờ nhiều người lắm, những ân nhân cộng tác và sự tin tưởng họ dành cho mình”.

Nghe nhan Nguyen Thanh Trung- Mot tam long voi nui

Cái duyên xây nhà cho người nghèo đến với nghệ nhân Nguyễn Thành Trung một cách tình cờ. Hai năm trước, biết hoàn cảnh khó khăn của anh em nhà K’Tôi (H.Đạ Hoai), hằng ngày làm rẫy thuê, nuôi mẹ già. Ngôi nhà chỉ được dựng tạm từ những tấm phên nứa, lụp xụp tả tơi. Vậy là anh về, vận động kinh phí xây nhà.

“Lúc đầu không có kinh nghiệm, ngôi nhà xây lên chỉ tàm tạm thôi, không được đẹp cho lắm, nhưng anh em K’Tôi rất vui. Gia đình tôi ngày xưa cũng chật vật và cũng từng sống trong những căn nhà thiếu thốn như vậy. Có điều, mình còn biết cách làm việc, phát triển. Còn đồng bào thiểu số thì khó vượt qua được, dù mình cũng cố bày vẽ cho họ nhiều điều” - nghệ nhân Nguyễn Thành Trung bộc bạch.

Nhìn ngôi nhà tường khang trang, kiên cố mà anh và các cộng sự vừa xây, mới thấy đó là cả giấc mơ của người nghèo. Có những nơi anh đến, mùa mưa, nước tràn từ đường lớn xuống là ngập đến cả giường; người già bệnh tật, không đi đâu được, cứ thế mà "ngâm" trong nước. Người nghèo ở Bảo Lộc có khi chưa biết mặt, nhưng nghe đến tên anh đều thương quý. Bạn bè không có thời gian, điều kiện trực tiếp tham gia các công trình, cũng tin cậy góp tiền để anh thay mặt làm điều thiện.

“100% tiền quyên góp được đều dùng để làm nhà, mua sắm đồ dùng thiết yếu cho các gia đình. Mọi thứ được công khai chi tiết trên Facebook. Dù lúc nào cũng bận rộn, nhưng tôi rất vui khi có nhiều người góp phần xây nhà cho bà con” - anh chia sẻ.

Nghe nhan Nguyen Thanh Trung- Mot tam long voi nui
Tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Thành Trung

Xưa có câu chuyện ông bụt bà tiên xuống trần thử lòng người thì nay, câu chuyện có hậu trên có khi lại là giữa người với người. Ví như lần về huyện Lắk (tỉnh Đắk Đắk), xe bị bể lốp trong đêm, phải dắt bộ hàng cây số tìm chỗ sửa xe. Anh tình cờ gặp một người địa phương tốt bụng, tên Thảo, giúp tháo lốp bánh xe và mang đi sửa giùm. Khi anh chia sẻ câu chuyện trong đêm ấy lên Facebook, biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình Thảo, nhiều người đã sẵn lòng giúp anh Thảo một ngôi nhà. Trong câu chuyện với nghệ nhân Nguyễn Thành Trung, chỉ thấy những ân tình và ngọt ngào lan tỏa.

Giữa mộng và thực

Tháng 5/2019, nghệ nhân Nguyễn Thành Trung sẽ khai trương phòng trưng bày nghệ thuật ở số 199 Lý Thường Kiệt (P.1, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Triển lãm dự kiến sẽ có 60 tác phẩm ảnh chụp cuộc sống, phong cảnh, sinh hoạt của đồng bào dân tộc, cùng 10 bức tranh sơn dầu và một số tác phẩm điêu khắc bằng thép không gỉ.

“Làm việc này, tôi nghĩ, giống như một cách cho bản thân một điểm mốc để nghỉ, sau những ngày lang thang đây đó. Bạn bè cũng động viên tôi, nhân dịp này, ra mắt sách ảnh nghệ thuật. Tôi cũng đang cố gắng để phát hành sách vào cuối tháng Tư. Biết đâu lại có thêm chút kinh phí xây nhà cho đồng bào” - anh Trung tâm sự.

Nhiều người mơ mộng, về già có thể mua được một mảnh đất ở Bảo Lộc để “trồng rau, nuôi gà”. Còn anh Nguyễn Thành Trung, gắn bó với Bảo Lộc từ khi còn bé, ở tuổi lẽ ra đã được nghỉ ngơi, vẫn chưa nghĩ đến việc thư nhàn. “Tôi thấy mình còn quá nhiều việc để làm, như còn nợ người nghèo hơn mình, biết rõ mà vẫn chưa tìm ra cách gì để giúp họ. Những công việc tôi làm và với nghệ thuật đều là đam mê. Nếu không đặt tình cảm và sự say mê vào đó, tôi nghĩ không thể nào làm được, nhất là khi gặp trắc trở, không thuận lợi” - anh chia sẻ.

Nghe nhan Nguyen Thanh Trung- Mot tam long voi nui
Nghệ nhân Nguyễn Thành Trung và những tác phẩm sẽ triển lãm ở phòng trưng bày

Người ta, đôi khi chỉ cần mang vào người một “nghiệp” là đủ để lăn xả và… cô đơn với nghệ thuật. Nghệ nhân Nguyễn Thành Trung vừa là nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa theo hội họa, điêu khắc. Ngoài những đam mê cá nhân, công việc thường ngày của anh còn là thiết kế những công trình tôn giáo mang nét đặt trưng văn hóa của người dân tộc. “Khi tôi giật mình nhận ra, sau những tác phẩm đẹp, bóng bẩy mà mình chụp là những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn; sau những bức tranh thung lũng sương bồng bềnh, thơ mộng dưới ánh bình minh là cuộc sống thực; tôi thấy mình cần góp chút gì đó cho bà con” - anh bày tỏ.

Cái bi, cái nghèo trở thành cái đẹp của nghệ thuật ánh sáng, của những gam màu. Thế nhưng, có những bức ảnh anh chụp, không cần nghệ thuật, vẫn đẹp rạng ngời, như nụ cười của những đứa trẻ nhà K’Tôi, những khuôn mặt rạng ngời bên ngôi nhà mới, từ nay đã không còn sợ mưa giông gió bão. 

Bùi Tiểu Quyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI