Mất bao lâu để con biết chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi?

12/09/2016 - 09:50

PNO - Từ khi hai bạn Đỗ Tương và Đỗ Đen biết nói, tôi đã thường xuyên dạy các các con chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi.

Khi đến nhà người khác, khi gặp người khác trong thang máy, khi từ biệt ra về, tôi thường nhắc con chào hỏi. Mỗi khi con nhận được cái gì từ người khác, dù là rất nhỏ, tôi nhắc con nói cảm ơn. Khi con làm phiền, làm tổn thương người khác, con phải nói lời xin lỗi.

Nhưng mọi thứ không diễn ra xuôi chèo mát mái

Khi bập bẹ biết nói, lúc chín tháng, hai thằng đều thích thú khi được mẹ yêu cầu chào hỏi người khác. Chúng cúi gập bụng xuống và gào lên thật to: Ạ. Nhưng đến hai tuổi rưỡi, chúng bắt đầu giở chứng, nhất định không chịu chào khi ra về, nhất là khi đang chơi vui và bị mẹ bắt về giữa chừng.

Mỗi lần làm việc gì sai, mẹ yêu cầu xin lỗi người khác thì mặt chúng câng câng, chống đối. Ai cho cái gì, lúc thích thì cảm ơn rối rít, lúc không thích thì ép kiểu gì cũng mím chặt mồm lại. Nhiều lần, tôi đã cảm thấy xấu hổ, bực tức và phải xin lỗi mọi người thay cho con.

Đến bốn tuổi, chúng thôi không chống đối nữa, ngoan ngoãn thực hiện khi được nhắc. Nhưng thằng anh thì chào lí nha lí nhí, chả ai nghe thấy. Thằng em thì nhanh mồm nhanh miệng chào hỏi và cảm ơn rất to, nhưng mà hiếm khi bắt được nó xin lỗi, bởi vì nó bướng và bao giờ cũng tìm cách bù lu bù loa đổ lỗi cho người khác, không bao giờ chịu nhận mình sai.

Đôi lúc, tôi thấy vô cùng nản chí, vì suốt năm năm nhắc nhở có đơn giản ba từ ấy thôi, mà bọn trẻ con vẫn không thốt ra được chúng một cách tự nhiên.

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, dù cũng được rèn như vậy từ bé, nhưng đến tầm lớp bảy, tôi đã cực kì ngại chào hỏi cũng như cảm ơn xin lỗi. Tôi thấy nó kì cục khi xung quanh không phải ai cũng làm như vậy. Không hiểu sao lúc ấy, gặp ai đó trên đường, tôi chỉ muốn cúi gằm mặt xuống, đi thật nhanh để khỏi phải chào. Lúc nào tôi cũng muốn rúc mình trong vỏ ốc, không muốn gây chú ý của bất kì ai.

Chuyện tưởng dễ, mà hoá ra lại thật khó

Cho đến hôm qua, lúc đón con, trong lúc ngồi chờ con chơi ở sân trường, tôi thấy  Đỗ Đen chạy nhanh, đâm sầm vào một bạn. Bạn ấy ôm đầu kêu đau, mặt mũi nhăn nhó. Bỗng nhiên, tôi thấy con tỏ ra bối rối. Nó đặt tay lên đầu bạn hỏi: "Cậu có đau không? Tớ xin lỗi". Lời nó nói rất thành thực, không cần nhắc nhở, không chút gượng ép.

Và giống như người nông dân nhìn thấy cái cây mình chăm bón sau bao năm trời rút cục đã ra hoa, tôi cảm thấy lòng thật vui và nhẹ nhõm. Rút cục thì cũng đến lúc có một cái gì đó đã lọt vào trong con, thành thói quen trong tiềm thức.

Mat bao lau de con biet chao hoi, cam on va xin loi?

Tôi bắt đầu nghĩ lại và nhận thấy cái đứa bướng bỉnh ấy, gần đây đã thay đổi nhiều. Hôm qua nữa, lúc con đang xem tivi, tôi bảo:

- Đến giờ con tắt tivi đi rồi đấy. Con xem hơi nhiều sẽ không tốt cho mắt đâu.

Rồi tôi chạy ra ban công phơi quần áo. Nó ngoan ngoãn tắt tivi xong, chạy ra ban công bảo tôi:

- Con xin lỗi mẹ.

Tôi nói:

- Tại sao con lại phải xin lỗi mẹ? Con phải xin lỗi em mắt của con ấy. Con bắt nó làm việc nhiều quá, nó sẽ mệt và yếu đi.

Nó cãi: "Nhưng em mắt là của cơ thể con. Con không phải xin lỗi. Con xin lỗi mẹ" - nó nhắc lại.

Tôi thấy vui vì biết rằng nó nghĩ nó phải xin lỗi tôi, vì cho rằng tôi sẽ phiền lòng nếu mắt nó kém, vì nhiều lần tôi nói với nó: nếu con không khoẻ mạnh và không ngoan, thì mẹ sẽ cảm thấy rất buồn. Nó sẽ cảm thấy áy náy nếu tôi buồn.

Còn thằng anh, sau 8 năm rèn luyện, nó đã không cần phải nhắc chuyện chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi nữa, trừ lúc mải tập trung để làm một việc gì đó. Tuy nó vẫn không bỏ được thói quen lí nhí, khiến chẳng mấy ai để ý nó đang chào, cảm ơn, xin lỗi, nhưng rút cục thì nó đã thốt ra được một cách hết sức tự nhiên.

Mất bao lâu để một đứa trẻ có thói quen nói lời chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi?

Trong trường hợp nhà tôi, thì tôi đã mất năm năm và thậm chí lâu hơn. Năm năm rả rích nhắc đi nhắc lại hàng ngày, chịu đựng và chấp nhận những khoảng thời gian khó chịu, dở hơi, ương bướng của con và kiên trì nhắc lại, không bỏ cuộc. Trong năm năm ấy, mỗi lần đi với chúng trong thang máy, tôi phải chào các anh chị, ông bà lớn tuổi, dù là không quen biết rồi nhắc chúng chào.

Mỗi lần tôi sai, tôi nói mẹ xin lỗi. Mỗi lần tôi nhận được sự quan tâm của các con, tôi nói lời cảm ơn. Tôi cảm ơn chúng hàng ngày, nói với chúng là may quá mẹ đẻ được hai thằng con vừa còi vừa nghịch. Chúng sung sướng cười tít mắt vì cái sự còi và nghịch của mình.

Tại sao điều nhỏ bé này lại quan trọng như vậy?

Không biết mọi người thế nào, bản thân tôi, khi chào một ai đó, tôi cảm thấy thực lòng kính trọng và muốn làm thân với người ấy. Một người mà tôi không ưa, cho đến tận bây giờ, dù nắm được hết mọi phép xã giao lịch sự, tôi cũng khó cất lên lời chào hỏi một cách hồn nhiên. Tôi cảm thấy ngượng nghịu.

Cũng tương tự như vậy, tôi thành thực cảm thấy biết ơn một anh lái xe taxi đã giúp tôi vượt qua quãng đường dài ùn tắc, để trở về nhà an toàn, lại tiếp chuyện tôi để tôi cảm thấy quãng đường ngắn lại. Tôi thành thực biết ơn một anh bảo vệ, bởi anh ấy tuy không có duyên nợ gì với tôi, đã kéo giúp tôi cái xe ra khỏi bãi xe chật chội. Tôi thực sự biết ơn một bạn bán hàng, bởi đã phục vụ tôi tận tình, chu đáo. Lúc đó, tôi không thể không nói lời cảm ơn. Dù họ chỉ làm những việc ấy để mưu sinh, nhưng họ đã phục vụ người khác một cách chân thành, tận tuỵ và tôi cảm kích về điều đó.

Mỗi khi tôi cảm thấy mình có gì sai, tôi thực sự muốn nói lời xin lỗi. Nếu không nói ra được những lời ấy, tôi cảm thấy áy náy, day dứt không yên. Nói ra được rồi và nhận được ánh mắt tha thứ của người khác, tôi cảm thấy an lòng.

Tất nhiên, bản tính tôi nhạy cảm và ngang bướng. Có những khi tôi biết rõ người khác giúp mình chỉ hòng để mình phải có nghĩa vụ báo đáp mà chẳng phải do những động cơ chân thành từ trái tim, tôi cảm thấy rất ngượng khi nói lời cảm ơn, vì nó có gì đó giả dối. Mặc dù theo phép xã giao, có thể tôi vẫn nói, nhưng tôi không cảm thấy trong lòng thoải mái một chút nào.

Hoặc giả, với bố mẹ, ông bà, thầy cô, những người thân và bạn bè trong gia đình, tình cảm của họ dành cho tôi quá lớn, khiến tất cả những lời lẽ kia không đủ để diễn tả, thì tôi sẽ thể hiện thái độ cảm ơn và xin lỗi theo cách khác.

Mat bao lau de con biet chao hoi, cam on va xin loi?
Cha mẹ cần là tấm gương để con noi theo.

Những lời chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, tưởng chỉ là những lời xã giao, hoá ra, gắn rất chặt với thái độ sống, với cảm xúc của con người. Chúng chỉ có thể được thốt ra một cách tự nhiên khi người nói thực sự có tình cảm chân thành với người khác. Và ngược lại, mỗi khi chúng được thốt ra một cách tự nhiên, chúng sẽ đánh thức một cảm xúc thành thực, một thái độ sống tôn trọng và biết ơn thực sự.

Khi người nghe nhận được một lời chào hỏi thân thiện hay một lời cảm ơn và xin lỗi chân thành, họ sẽ cảm thấy ấm lòng. Tôi tin ai cũng mong đợi và vui lòng khi nhận được một lời chào hỏi hay cảm ơn, xin lỗi xuất phát từ trái tim. Thông thường, ai cũng sẽ cố gắng cư xử sao cho xứng đáng với sự trân trọng của người khác dành cho mình.

Đó là lí do tại sao tôi thuộc tuýp người bảo thủ và đã tốn biết bao công sức để rèn cho con nói được những tiếng đơn giản này. Đối với nhiều người, tôi biết, đó chỉ là thứ hình thức và lễ nghi không cần thiết mà họ dễ dàng bỏ qua để ưu tiên những việc hệ trọng hơn.

Nhưng việc hệ trọng đó, rút cục thì là cái gì?

Có thêm được vài giây để có thể kiếm được nhiều tiền hay được nghỉ ngơi nhiều hơn?

Hay là: Sao tôi phải chào hỏi người khác khi người ta không liên quan đến tôi. Tôi sống cuộc đời của tôi và không phụ thuộc vào bất cứ ai. Hay là: Sao tôi phải cảm ơn một người phục vụ, bởi phục vụ là công việc và nghĩa vụ của họ. Họ muốn kiếm tiền thì họ buộc phải tận tuỵ, cũng như tôi. Hay là: Tôi không có lỗi. Cả tôi với anh cùng chạy trên đường, với một tốc độ bằng nhau, tự nhiên va vào nhau là do sơ ý của cả hai, tại sao tôi lại phải xin lỗi anh.

Chẳng phải, việc hệ trọng nhất trên đời là sống chan hoà với người khác, là cảm nhận niềm vui từ người khác và ban phát niềm vui cho người khác hay sao?

Bạn sẵn sàng cho người khác rất nhiều tiền, vậy tại sao lại phải dè sẻn 30 giây để nói lời chào hỏi và cảm ơn, xin lỗi?

Nguyễn Ngọc Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI