“Thằng út” của ngoại

03/10/2013 - 15:22

PNO - PN - Ba mẹ chia tay, cả hai đều có hạnh phúc mới không lâu sau đó. Cháu sống với ngoại từ nhỏ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Còn nhớ, mỗi năm nhà ngoại đều có cưới gả ít nhất một lần. Từ khi 12 tuổi, cháu lần lượt “ăn đám cưới” các cậu, dì. Mọi người theo nhau rời tổ ấm, đến lúc tròn 20, cháu chợt nhận ra ngôi nhà rộng chỉ còn lại một già một trẻ nương tựa nhau. Cháu đi học, ngoại suốt ngày lui cui với những việc không tên. Thời gian trôi nhanh, lưng ngoại còng trĩu từ bao giờ.

“Thang ut” cua ngoai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ra trường, cháu định đi làm vài năm mới lập gia đình. Ngoại giục “sớm cho bà có cháu cố”. Bố mẹ bạn gái cũng đốc thúc. Vậy là bà gom góp tiền bạc dành dụm đưa hết cho cháu sắm sính lễ, đặt tiệc, tân trang nhà cửa đón cháu dâu. Ngoại thường đùa: “Ráng sống để lo cho… thằng út”.

Thỉnh thoảng, các cậu, dì về thăm, biếu ngoại ít tiền, dặn thích món gì cứ mua. Ngoại cẩn thận gói tiền cất giữ trong hai lớp khăn tay. Hầu như quanh năm suốt tháng ngoại chẳng mua thứ gì. Đợi lúc cháu dâu thiếu hụt, ngoại lại vui vẻ “mở hầu bao” giúp đỡ. Cháu dâu không dám nhận, cứ viện cớ dùng dằng từ chối, ngoại rầy: “Bây chê tiền của ngoại sao? Hay bây nghĩ giờ hai vợ chồng đã đủ lông đủ cánh nên không cần bà già này nữa?”.

Một năm trở lại đây ngoại đã yếu nhiều. Dù vậy, ngoại vẫn tranh thủ lúc cháu dâu bận bịu để “giành” dỗ cháu cố. Buổi trưa nằm nghỉ, cháu lặng nghe từng bài hát xưa qua giọng run run của ngoại. Những bài hát ấy một thời đã ru cháu lớn lên.

Ngoại ra đi, rất nhẹ nhàng giữa đêm ngon giấc, không phải chịu sự hành hạ bởi một thứ bệnh tật nào. Đại gia đình họp bàn, quyết định để cháu lo phần hương khói trong ngôi nhà thân thương này, đúng theo ý nguyện cuối đời của ngoại. Thắp nén nhang đầu tiên, cháu rưng rưng nhớ lời ngoại thường hát: “Cồng cộc bắt cá dưới sông/ Mấy đời cháu ngoại giỗ ông, giỗ bà”. Chuyện gì cũng có ngoại lệ, nhất là đối với “thằng út” mà ngoại hết mực thương yêu, phải không ngoại?

 Việt Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI