Tọa đàm 100 năm sân khấu cải lương: Cùng các nghệ sĩ tháo gỡ khó khăn

27/12/2018 - 17:33

PNO - Nhiều nghệ sĩ có mặt không có thời gian trình bày ý kiến, tâm tư của mình, vì thế tọa đàm chỉ đặt ra vấn đề mà chưa đưa ra hướng giải quyết đến cùng.

Buổi tọa đàm do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Thành phố tổ chức diễn ra vào sáng 27/12.

Tọa đàm thu hút gần 100 đại biểu gồm các cán bộ ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa -Thể thao TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM và các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, đạo diễn... của sân khấu cải lương TP. Đây là hoạt động chào mừng trong đợt kỷ niệm 100 năm Sân khấu Cải lương.  

Toa dam 100 nam san khau cai luong: Cung cac nghe si thao go kho khan
Tọa đàm thu hút đông đảo sự quan tâm của giới báo chí, các nhà lý luận phê bình.

Trước đó, hơn 50 tham luận đã gửi đến ban tổ chức tọa đàm, được in thành kỷ yếu để đại biểu tham khảo. Các tham luận đề cập nhiều vấn đề liên quan thiết thực đến sự bảo tồn và phát triển sân khấu cải lương như: Nhà báo – đạo diễn Nguyễn Chương với Vài đặc điểm ảnh hưởng đến sức sống cải lương, đạo diễn Nguyễn Mộng Long với Sân khấu Cải lương TP.HCM 1975 – 1990 một thuở hoàng kim, NSƯT Hải Phượng với Nhạc công cải lương – Anh ở đâu?, nhà báo Ngọc Tuyết với Sân khấu cải lương muốn tồn tại phải chuyên nghiệp... Qua đó cho thấy trăn trở về cải lương không chỉ của người làm nghề mà còn của những người nhiều năm gắn bó, theo dõi sân khấu cải lương từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Toa dam 100 nam san khau cai luong: Cung cac nghe si thao go kho khan
NSƯT Kim Tử Long nêu bức xúc của mình tại tọa đàm.

Tuy nhiên, ý kiến của người trong cuộc, những người đang làm nghề vẫn được quan tâm nhiều nhất. NSƯT Kim Tử Long thay mặt giới nghệ sĩ, những người hoạt động theo mô hình xã hội hóa nêu lên nỗi bức xúc về một sân khấu đúng nghĩa cho cải lương. Anh còn bày tỏ mong ước được các cấp lãnh  đạo quan tâm đầu tư cho nghệ thuật truyền thống này.

Anh chia sẻ: “Tiền thuê rạp hiện nay khá cao nên khi làm chương trình, chúng tôi không đủ doanh thu và phải bán vé cao. Nếu nhà nước bảo trợ bằng cách cho thuê rạp với giá vừa phải thì chúng tôi đều đặn cho ra đời nhiều vở diễn với giá vé vừa phải. Từ đó thu hút khán giả đến với cải lương. Theo tìm hiểu, tôi thấy rạp Nhân Dân hiện nay đang bỏ trống. Nếu nhà nước cải tạo lại thì tôi tin điểm này sẽ thu hút khán giả”.

Tiến sĩ Mai Quốc Liên và tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đều cho rằng, cải lương là di sản quý của Việt Nam cần được bảo tồn.

Đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, lắng nghe các ý kiến và chia sẻ với tọa đàm: “Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhiều loại hình nghệ thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi thấy cuộc tọa đàm đi tìm nguồn gốc mà chưa đi vào tìm hiểu căn nguyên nội lực của cải lương hiện nay ra sao. Cải lương thế nào trong thời đại hiện nay? Ngoài ra, phương thức đào tạo lớp kế thừa cũng là vấn đề. Thiếu lực lượng đạo diễn trẻ dàn dựng cho cải lương. Cần có những tọa đàm riêng về nhiều vấn đề như tác giả, đạo diễn, âm nhạc và cả về khán giả... thì mới giải quyết được lối ra cho cải lương”. 

Toa dam 100 nam san khau cai luong: Cung cac nghe si thao go kho khan
 

Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - tổng kết: "Thời gian tọa đàm chỉ có ba tiếng, không thể nêu ý kiến đầy đủ. Chúng tôi rất quan tâm đến những bất cập, khó khăn của sân khấu cải lương để đề ra hướng phát triển, xây dựng và bảo tồn. Buổi gặp gỡ này giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về sân khấu cải lương. Trong muôn vàn khó khăn, ngoài yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan mà chúng ta nên nhìn lại. Sau tọa đàm chúng ta thấy được khó khăn mà cùng nhau tháo gỡ trong thời gian tới”.

Tiểu Ngư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI