Khi con thờ ơ, vô cảm

07/11/2015 - 07:21

PNO - Các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng khi bé con của mình dửng dưng, thờ ơ, không để ý đến cảm xúc và nhu cầu của những người xung quanh.

Không biết lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu bạn bè, đôi khi còn nhỏ nhen, ích kỷ chỉ biết mình; trêu đùa trên nỗi đau, làm tổn thương người khác mà không hề hay biết.

Nhiều khi phụ huynh nghe con nói mà giật mình, chẳng hạn: “Hôm qua bà ngoại không ngủ được vì bị đau lưng, mỏi gối làm con cũng không ngủ được. Sao người già lại rắc rối vậy mẹ nhỉ?” hoặc “Bạn Khánh lớp con không có cha, mẹ ạ! Lúc nào bạn cũng lầm lì , thấy mà ghét lắm. Không ai thèm chơi với bạn”…

Thái độ quan tâm và đồng cảm với người khác không tự nhiên có, mà phải được giáo dục một cách khoa học và nhất quán. Các bậc cha mẹ có thể bắt đầu bằng những việc như sau:

1. Giúp con phát triển vốn từ biểu cảm: Để bé nhận biết cảm xúc của bạn bè, người thân, chúng phải có vốn từ để cảm nhận. Cha mẹ hãy trang bị cho con vốn từ để bé thể hiện quan điểm bằ ng nhiều cách nói khác nhau.

Những từ biểu hiện cảm xúc mà bé có thể hiểu: cảm thông, chia sẻ, đau buồn, khó chịu, căng thẳng… Ngoài ra, còn có cách nói giảm, nói tránh để biểu lộ cảm xúc tế nhị với người khác.

Hãy giúp con biểu hiện cảm xúc thông qua nét mặt, giọng nói, cử chỉ, điệu bộ… với những trạng thái tâm lý khác nhau phù hợp hoàn cảnh. Chẳng hạn chia sẻ nỗi buồn bằ ng vẻ mặt đăm chiêu lo lắng, băn khoăn, chia vui thì nét mặt hớn hở, rạng rỡ.

Khi con tho o, vo cam
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

2. Đặt bé vào hoàn cảnh của người khác: Bạn có thể hỏi con cảm nhận thế nào khi có ai đó nói với con như thế, hoặc “nếu con là bạn ấy thì con sẽ ra sao?”. Những đứa trẻ được cha tích cực chăm sóc khi còn nhỏ, lớn lên sẽ là người biết cảm thông, nhạy cảm hơn những đứa trẻ thiếu vắng cha.

Do đó, nếu muốn con là người giàu cảm xúc, người mẹ cần khéo léo phát huy vai trò giáo dục của người cha. Khi bé sống trong bầu không khí gia đình mà mọi thành viên luôn quan tâm, giúp đỡ và đồng cảm nhau thì bé sẽ ít vô cảm hơn.

Tuy nhiên, nếu được quan tâm quá, được bảo bọc, chiều chuộng thì bé cũng không thấy cảm xúc của người khác. Bé chỉ biết nhận, mà không “cho” đi những cảm xúc tích cực của mình. Cha mẹ càng khuyến khích trẻ nhận biết cảm xúc của người khác, thì tính nhạy cảm của trẻ càng gia tăng.

3. Kiên quyết buộc bé phải sửa sai khi làm tổn thương người khác: Khi bé tỏ ra vô cảm, làm đau người khác bằng lời nói dửng dưng hay thái độ hờ hững, bạn không nên xem thường, không cho qua hay lảng tránh mà hãy khuyên bé có hành động hối lỗi.

Hãy hỏi “Điều con nói ra như thế là tốt hay xấu?”. Chỉ cho bé thấy, dù không sai, nhưng con làm người khác đau lòng và cảm thấy bị xúc phạm. Bé có thể xin lỗi, và chuộc lỗi bằng cách quan tâm hơn, chia sẻ bằng những câu nói giàu tình cảm, những hành động cụ thể như giúp đỡ bằng cách này hay cách khác.

4. Cùng bé trải nghiệm làm việc tốt: Cách tốt nhất thu hút sự quan tâm, nhạy cảm của bé là cảm nghiệm bằng hành động. Có nhiều cách để thể hiện, quan trọng nhất là để bé tự giác. Khi tự mình giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau, nỗi buồn của người khác…

bé sẽ cảm thấy niềm vui và hạnh phúc trong việc quan tâm đến mọi người xung quanh. Mẹ có thể cùng bé tham gia các việc thiện hoặc những việc có ích ở khu phố như thăm người già neo đơn, chia sẻ áo quần cũ cho các bạn ở trại trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, thu lượm rác, trồng và chăm sóc cây xanh...

5. Kịp thời ngăn chặn những biểu hiện vô cảm: Con bạn cần biết là cha mẹ không bao giờ bênh vực cũng như dung túng thái độ dửng dưng, thờ ơ trước nỗi khổ của người khác.

Mỗi khi bé có biểu hiện thờ ơ, dửng dưng, hãy nói cho bé biết, những gì con đang làm là vô cảm và giải thích cho con nghe hậu quả của thái độ ấy. Nhấn mạnh với bé rằng, sẽ không ai muốn chơi với một người chỉ biết riêng mình, không biết đối xử tử tế, đồng cảm, quan tâm đến người khác.

Cha mẹ luôn biết cảm thông, chia sẻ và quan tâm đến mọi người thì con trẻ cũng biết đồng cảm với nỗi niềm của người khác vì cha mẹ đã làm gương cho chúng. Sự tự tế, nhạy cảm, nhã nhặn cũng “thấm” dần trong cách hành xử của bé.

Do đó, cách tốt nhất để làm giàu cảm xúc tích cực và giáo dục bé biết sống vì mọi người chính là sự gương mẫu của phụ huynh. Cha mẹ hãy giáo dục trẻ càng sớm càng tốt để giúp bé dễ dàng hòa nhập vào xã hội. Cuộc sống rất cần những tấm lòng thương yêu, quan tâm đến cộng đồng.

Nguyễn Văn Công

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI