Phía sau sự lựa chọn độc thân của các cô gái Hàn

03/08/2019 - 06:00

PNO - Độc thân và tự do là triết lý sống được nhắc đến như một trào lưu mới mẻ của những cô gái trẻ Hàn Quốc. Thế nhưng, cách sống này giờ đây đã trở thành mối lo ở xứ kim chi.

Baek Ha Na là nhân viên kiểm toán. Những ngày cuối tuần, cô “hóa thân” thành ngôi sao trên kênh YouTube cùng triết lý sống cuộc đời độc thân đáng mơ ước. Kênh YouTube tiếng Hàn của cô được dịch ra tiếng Anh là “Kết nối những người độc thân” và Baek Ha Na chính là một trong những người trẻ tạo nên làn sóng từ chối hôn nhân, từ chối làm mẹ ở Hàn Quốc. 

Phia sau su lua chon doc than cua cac co gai Han
Nhiều cô gái trẻ ở Hàn Quốc chọn cuộc sống tự do hơn là nghĩ đến việc phải kết hôn, sinh con

Nếu xét ở khía cạnh lựa chọn cá nhân thì những suy nghĩ, quyết định như của Baek Ha Na cần được tôn trọng. Thế nhưng, chính cách khuyến khích, ủng hộ tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đã khiến chính quyền lo lắng, bởi xu hướng trên đã trở thành sự thách thức với nền kinh tế và nhân khẩu học ở quốc gia châu Á này.

Theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc năm 2018 giảm về mức thấp kỷ lục là 0,98. Mức này thấp hơn nhiều so với nhiều nước đang đối mặt vấn đề dân số già hóa nghiêm trọng. Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ là nước phát triển có dân số già nhất thế giới vào năm 2065. Năm 2017, dân số trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc là 37,6 triệu người và dự đoán trong 10 năm tiếp theo sẽ giảm 2,5 triệu người và đến năm 2067, con số này sẽ giảm 17,8 triệu người. Theo báo cáo, hơn 20% nhà hàng tiệc cưới ở Seoul phải đóng cửa vì sụt giảm khách đặt tiệc. Phòng Giáo dục Seoul cũng đã có kế hoạch đóng cửa ba trường học trước thực tế tỷ lệ sinh giảm.

Trong khi chính phủ Hàn Quốc đặt mong mỏi tăng tỷ lệ sinh, không ủng hộ lựa chọn độc thân của phụ nữ, các nhà hoạch định chính sách đã quên mất điều phụ nữ Hàn Quốc thật sự trông chờ là gì. Đó chính là sự bình đẳng dường như không hề được nhắc đến trong những thông điệp khuyến khích phụ nữ kết hôn, xây dựng gia đình cho riêng mình. 

Phia sau su lua chon doc than cua cac co gai Han
Tổ chức lễ cưới tập thể là một trong những nỗ lực của chính quyền Hàn Quốc nhằm khuyến khích phụ nữ kết hôn

Trên kênh YouTube của mình, Baek Ha Na nhiều lần nhấn mạnh cô không muốn người ta gọi mình là “mi-hon” (phụ nữ chưa lập gia đình). Thay vào đó, cô muốn mọi người gọi mình là “bi-hon”, nghĩa là người phụ nữ chọn không lập gia đình, không sinh con. Cô Jung Se Young, cộng sự cùng thực hiện kênh YouTube với Baek Ha Na, chia sẻ: “Xã hội này luôn đặt chúng tôi vào vị trí phải nhận trọng trách sinh con và ai cũng ngầm hiểu phụ nữ là công dân hạng hai ở Hàn Quốc, nghĩa là luôn xếp sau nam giới trong mọi việc. Chúng tôi chán ngán cảnh trở thành cỗ máy sinh sản thay vì là một thành viên có quyền ngang bằng với người đàn ông chúng tôi lựa chọn”. 

Cả Baek Ha Na và Jung Se Young đều là thành viên của nhóm EMIF (nhóm không kết hôn và sẽ tiến về phía trước). Những thành viên trong nhóm đều nỗ lực thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về vai trò của nữ giới, tránh việc đóng khung họ trong bổn phận làm mẹ, làm vợ. Cô Kang Han Byul, người sáng lập nhóm EMIF, cho rằng: “Vấn đề lớn nhất của chính phủ là đã không lắng nghe nữ giới. Họ mặc định công việc của chúng tôi chỉ là duy trì nòi giống và chu toàn mọi việc trong gia đình. Nếu đó là mục đích của hôn nhân thì chúng tôi không cần những điều ấy”. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI