Lao động chui sẵn sàng chi 400 triệu cho các Công ty Du lịch để đến Nhật Bản

06/07/2019 - 10:59

PNO - Các hãng lữ hành bị vạ lây sau vụ việc tám công ty và chi nhánh du lịch của Việt Nam bị Nhật Bản hủy bỏ, đình chỉ tư cách xin cấp visa do du khách bỏ trốn.

Khó xác định du khách bỏ trốn 

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa đối với bảy công ty du lịch và đình chỉ tư cách đại diện xin cấp visa của chi nhánh Vietravel Hà Nội trong vòng sáu tháng kể từ ngày 1/7/2019. Liên quan vấn đề này, đại diện Công ty Du lịch Vietravel giải thích, nguyên nhân chính là do vào năm 2018, chi nhánh Vietravel Hà Nội đã có ba khách đến Nhật Bản nhưng không về lại cùng đoàn và hai khách về sau đoàn.

Theo Vietravel, năm 2018, hãng này đã tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 khách đến Nhật Bản, số khách bỏ trốn chỉ chiếm 0,03% số khách đến Nhật Bản trong năm. Vì vậy, Vietravel sẽ làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản để giải trình về vấn đề này. Hiện tại, việc tiếp nhận khách có nhu cầu du lịch Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường trên toàn hệ thống của Vietravel. 

Dù không nằm trong danh sách tám công ty bị đình chỉ tư cách xin cấp visa nhưng nhiều hãng lữ hành cho biết cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt (Viet Media Travel) cho hay, lệnh cấm từ Đại sứ quán Nhật Bản đối với tám công ty và chi nhánh du lịch Việt Nam đã gây ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động đưa khách đến Nhật Bản. Nhiều khách e dè, cân nhắc việc có nên đi Nhật Bản thời điểm này hay không. 

Đặc biệt, khi đại sứ quán thắt chặt chính sách, những người có nhu cầu về du lịch, thăm thân nhân, hay xuất khẩu lao động sẽ đổ đến những công ty du lịch lớn để làm visa hoặc đặt tour du lịch trọn gói. Nhưng theo ông Long, việc nhận định khách hàng có ý định lợi dụng đi tour để trốn lại hay không rất khó.

Giám đốc một công ty du lịch lớn tại TP.HCM cho biết, tình trạng du khách bỏ trốn khá phổ biến, hầu như công ty du lịch nào cũng từng gặp phải. Du khách đi Đài Loan, Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản bỏ trốn nhiều nhất. Phần lớn du khách thường đi theo tốp 5-7 người và bỏ trốn trong hành trình. Các công ty du lịch rất ngại nhận khách đi theo tốp, đoàn từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa vì đã gặp nhiều trường hợp bỏ trốn.

Theo một số hãng lữ hành lớn, dù bộ phận nghiệp vụ của hãng đã kiểm tra kỹ giấy tờ, nhân thân khi làm visa và yêu cầu khách đặt cọc tiền đảm bảo, giao hộ chiếu cho hãng giữ, nhưng cũng không ăn thua. Khách tới sân bay, khách giả vờ đi vệ sinh rồi bỏ trốn, để lại ba-lô không chứa đồ đáng giá hay giấy tờ gì, hãng cũng đành bó tay. 

Lao dong chui san sang chi 400 trieu cho cac Cong ty Du lich de den Nhat Ban
Lượng du khách đến Nhật Bản tăng cao, các hãng lữ hành cần rà soát kỹ khâu cấp visa để tránh tình trạng du khách bỏ trốn

Có trường hợp khách yêu cầu tổ chức tour cho đoàn 20-30 người đi du lịch dưới dạng tổ chức hội nghị khách hàng, nhưng thực chất là đối tượng môi giới gom những người có nhu cầu xuất khẩu lao động “chui” và “mượn tay” công ty du lịch dẫn khách. Thấy khả nghi, các công ty du lịch làm hồ sơ, hợp đồng chặt chẽ hơn để phòng, nhưng cuối cùng khách vẫn bỏ trốn.

Thậm chí, có những người đặt thẳng vấn đề sẵn sàng chi 300-400 triệu đồng miễn đưa họ sang được Hàn Quốc, Nhật Bản và trốn ở lại lao động, kiếm được nhiều tiền. Dĩ nhiên, những công ty du lịch có uy tín sẽ không đồng ý đề nghị này, nhưng không ít công ty du lịch tự phát, nhỏ lẻ nhận thấy đây là “mồi ngon”, sẵn sàng tiếp tay cho du khách bỏ trốn, lãnh một cục tiền rồi giải thể, sau đó mở công ty khác và tiếp tục kiểu làm ăn chụp giật. 

Giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM bức xúc: “Cơ quan quản lý nhà nước khó nắm “kẻ không tóc” nên các công ty du lịch tự phát tiếp tay cho du khách bỏ trốn đã làm ảnh hưởng xấu đến các công ty du lịch làm ăn chân chính. Cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát những công ty tự phát, làm ăn chụp giật, mới mong hạn chế được tình trạng tiếp tay cho du khách bỏ trốn”.

Tăng cường rà soát, lọc hồ sơ khách

Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Nhật Bản tham quan, Đại sứ quán Nhật Bản đã chỉ định cho một số công ty du lịch tại Việt Nam được đại diện xin cấp visa cho đoàn khách đi theo tour. Theo quy định của Đại sứ quán Nhật Bản, các đơn vị được chỉ định sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản và đảm bảo khách đi và về cùng đoàn, theo chương trình được định sẵn.

“Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản rất nghiêm khắc với trường hợp công ty lữ hành có sơ sót, để khách trốn lại Nhật Bản khi sử dụng visa đoàn”, ông Long cho biết. 

Tuy nhiên, theo ông Long, thực tế, những khách hàng có ý định sử dụng visa du lịch để trốn, ở lại định cư, tìm việc làm, thăm thân nhân… thường chuẩn bị rất kỹ hồ sơ, bao gồm giấy tờ chứng minh công việc, thu nhập. Các công ty được Đại sứ quán Nhật Bản ủy thác xin visa như Viet Media Travel thực tế chỉ dùng kinh nghiệm để rà soát, thu hồ sơ và nộp hộ khách hàng nên luôn tiềm ẩn rủi ro khách lợi dụng visa du lịch để bỏ trốn, nhất là ở các thị trường sôi động về sử dụng lao động nhập cư như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. 

Ngoài ra, các công ty du lịch lớn thường xuyên tổ chức tour du lịch khen thưởng cho các tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đặt tour để tri ân đại lý, nhà phân phối, bạn hàng, nhưng có những khách không đi tour mà sang nhượng hoặc bán cho người khác khiến việc rà soát và lọc hồ sơ càng khó khăn, phức tạp hơn.

Theo lãnh đạo các hãng lữ hành, việc du khách cố tình trốn, ở lại Nhật Bản nói riêng, các quốc gia khác nói chung không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch Việt Nam: các nước sẽ nhìn du khách Việt với sự dè chừng hơn và việc xét cấp visa du lịch sẽ khắt khe hơn. 

Trước thực tế du khách bỏ trốn và công ty du lịch bị “vạ lây”, nhiều hãng lữ hành cho biết sẽ siết chặt hơn nữa đầu vào. “Sau sự việc Nhật Bản áp lệnh hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa của một số hãng, chúng tôi sẽ cùng các đơn vị lữ hành uy tín khác tìm ra giải pháp, trao đổi kinh nghiệm về việc rà soát, lọc hồ sơ khách hàng” - ông Long khẳng định.

Đại diện Công ty Lữ hành Fiditour cũng cho biết, đến nay, đơn vị này chưa vi phạm các cam kết về visa Nhật, nhưng việc đình chỉ tư cách xin visa đối với một số công ty du lịch sẽ khiến các công ty khác bị áp lực, sẽ càng chặt chẽ hơn trong việc thẩm định hồ sơ du khách. Đối với các du khách có nhu cầu du lịch Nhật Bản thật sự, các thủ tục không quá khó khăn. Cùng với các chính sách quảng bá, ưu đãi giá tour và các tuyến điểm tham quan liên tục được làm mới, du khách đi Nhật thông qua Fiditour có chiều hướng tăng ổn định trong nhiều năm nay, ở mức từ 15-20%.

Đại diện Vietravel cho biết, sau sự kiện “đình chỉ” này, Vietravel đã tăng cường nhiều biện pháp hơn nữa để không xảy ra tình trạng du khách bỏ trốn. Với hơn 11.000 lượt khách đến Nhật Bản trong sáu tháng đầu năm 2019, công ty không ghi nhận bất cứ trường hợp nào trốn ở lại Nhật sau tour. 

7 công ty bị hủy bỏ tư cách xin cấp visa 
1. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Du lịch Việt (VIET TOURIN., JSC);
2. Công ty cổ phần Du lịch Quốc tế GOLDEN TEAM VIỆT NAM (Vietnam Golden Team International Travel Joint Stock Company);
3. Công ty cổ phần Lữ hành Nam Cường (NAM CUONG TOURISM CO., LTD);
4. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hoàng Gia (New Royal Commercial and Services Company Limited); 
5. Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Cầu (International Golden Bridge Company Limited);
6. Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Du lịch Thắng Lợi (Victoria Investment Trade and Tourism Corporation Co., Ltd); 
7. Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội (Hanoi Entertainment Services Corporation).
Riêng Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Hà Nội bị đình chỉ trong 6 tháng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI