Bơ vơ ở bệnh viện tâm thần

11/01/2019 - 12:00

PNO - Trên dưới 30 bệnh nhân của khu nội trú Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, mỗi người một hoàn cảnh, đa phần đều được người nhà “áp tải” vào bệnh viện.

Bệnh nhân cũng đủ lứa tuổi, có những khuôn mặt hồn nhiên của tuổi mới lớn, có những người đã thất thập. Có người đã nhập viện đến lần thứ ba và quen mặt với gần hết bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý… của khu nội trú. 

Nơi không bao giờ yên tĩnh

Khu ở của các nữ bệnh nhân không hề ám mùi thuốc, không có người đầu bù tóc rối, mặt mũi lấm lem. Đa phần các bệnh nhân biết tự chăm chút cho bản thân. Có chị còn kẻ mắt, tô son, quần áo sạch sẽ, gọn gàng. Họ rất hay cười và cười rất tươi khi gặp người lạ.

Bo vo o benh vien tam than
Đông đảo bệnh nhân chờ khám tại một phòng khám ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (ảnh chụp sáng 10/1)

Sáng cuối năm, trước phòng khám khu nội trú bỗng nhốn nháo, một bệnh nhân nữ la hét: “Tại sao chờ hoài mà vẫn chưa đến lượt?”. Mẹ và chồng chạy theo, tìm đủ mọi cách để cô “hạ hỏa” nhưng thất bại. Thấy con gái giận dữ chỉ thẳng mặt chồng gọi “mày” xưng “tao”, người mẹ nhìn con bằng ánh mắt tuyệt vọng. Bà nghẹn ngào: “Nó vừa sinh con một tháng và bị trầm cảm sau sinh…”. Một bệnh nhân nữ khác nhào ra “tiếp ứng”, phụ bạn cùng phòng la hét, mắng chửi những người xung quanh. 

Những ánh mắt nửa tò mò, nửa lơ đãng từ phòng bệnh hướng ra phía có tiếng ồn. Vài bệnh nhân dợm bước ra nhưng đã được người nhà giữ lại. Chợt có tiếng cười khanh khách nhưng vẫn trong trẻo như tiếng cười trẻ thơ vang lên. Một cô gái chừng 17-18 tuổi khều “người lạ”, nói chuyện thân mật như với người nhà: “Bà đó khùng, mợ vô đây với con đi, cho bả la, chút bả bị trói. Bà đó quậy nhứt ở đây”.

Bốn khu vực của khu nội trú giống như những căn phòng của một ngôi nhà lớn, liên thông với nhau, là nơi ở của trên dưới 40 người gồm cả bệnh nhân lẫn người nhà. Khu dịch vụ được ngăn với phòng thường bằng một cánh cửa. Cái chốt cài bên trong, nếu không chốt kỹ, người bên ngoài có thể dễ dàng dùng tay bật ra. Khó có thể đếm được không gian yên tĩnh của khu dịch vụ bị khuấy động bao nhiêu lần trong một ngày bởi tiếng ồn ào, tiếng cãi nhau, tiếng la hét… của những người bệnh trong cơn kích động. Chưa kể, thỉnh thoảng lại có người bên ngoài đến đập cửa khu dịch vụ đòi… “vô chơi cho vui”. 

Cũng như những bệnh viện khác, sinh hoạt ở đây được lập trình theo giờ giấc cố định hằng ngày với lịch thăm khám của bác sĩ, giờ uống thuốc, ăn cơm… Sự khác biệt duy nhất là phòng bệnh không bao giờ yên lặng, kể cả giữa đêm khuya. 2-3g sáng, bệnh nhân có thể đột ngột thức dậy đi lại, nói chuyện rôm rả như ban ngày. Nhưng đó vẫn là những đêm yên bình, bởi với những người không làm chủ được cảm xúc thì việc la hét, đập phá giữa đêm khuya là chuyện hết sức bình thường.

Không gia đình

Một số bệnh nhân được gia đình chăm sóc rất kỹ. Họ được người thân chiều chuộng, đáp ứng mọi yêu cầu để hạn chế tối đa những yếu tố có thể kích động thần kinh. Có chị 40 tuổi vẫn được người nhà chăm bẵm như chăm đứa trẻ nhõng nhẽo, hay vòi vĩnh. Bệnh nhân khác được cả gia đình từ ông bà, bố mẹ, em gái… thay nhau vào chăm sóc, trò chuyện. Dẫu chị ngồi yên lặng, ánh mắt vô cảm, thỉnh thoảng chỉ ậm ừ hoặc gật, lắc… thì người thân vẫn gắng nói chuyện với chị như nói chuyện với người bình thường.

Bo vo o benh vien tam than
Bệnh nhân tâm thần tại một bệnh viện

Nhưng không phải ai cũng may mắn có gia đình bên cạnh, dù việc điều trị những bất ổn về tâm lý, tâm thần không đơn giản chỉ cần có thuốc men và bác sĩ giỏi. Đang ngồi bất động trên giường, nghe có tiếng gọi: “T., mẹ mày tới kìa!”, cô gái bật dậy thật nhanh, chạy vội ra cửa. Nhưng chỉ một tích tắc, T. quay vô, giọng ỉu xìu: “Không phải!”. T. chờ mẹ đã 4-5 ngày nay. Hôm đó đã là chiều cuối tuần, mẹ vẫn biệt tăm.

T. không phải là trường hợp duy nhất bơ vơ trong bệnh viện tâm thần. Không ít bệnh nhân được người nhà “khoán trắng” cho bệnh viện, một tuần chỉ ghé 1-2 lần để “tiếp tế” thức ăn và mang áo quần về giặt. Có trường hợp bệnh nhân đã ổn định, bác sĩ cho xuất viện, nhưng phải mấy hôm sau người nhà mới đến làm thủ tục đón về. Thậm chí có trường hợp bác sĩ cho xuất viện để tiếp tục điều trị tại nhà nhưng gia đình vẫn kiên quyết để ở lại bệnh viện với lý do: “Gia đình không có người chăm sóc, quản lý, bệnh nhân về lại bỏ nhà đi lang thang…”.

Nhìn những bệnh nhân lặng lẽ, nằm co ro một mình có lúc trên giường, có khi dưới đất, mặc kệ tiếng ồn ào hoặc tiếng la hét xung quanh, chợt thấy xót xa. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi mới nhập viện, ngồi bệt suốt mấy tiếng sát cửa, gương mặt lúc vô cảm, khi mếu máo. Người thân chỉ làm thủ tục cho cô nhập viện rồi đi ngay sau đó, không biết chừng nào mới quay lại.

Ở góc phòng có một bệnh nhân lớn tuổi. Bà hiếm khi đi xa giường của mình. Vào chăm bà chỉ có cậu con trai. Anh chuẩn bị rất nhiều thứ để mẹ bồi bổ sức khỏe, đa phần là những thực phẩm ngoại nhập đắt tiền. Mỗi khi vào thăm, anh cố ép mẹ uống sữa hoặc ăn. Nhưng anh cũng bận bịu gia đình, công việc nên thời gian bên mẹ không nhiều. Khi chỉ còn một mình, bà ngồi bất động hàng tiếng đồng hồ, mặt hướng ra phía cửa sổ. Có lúc bà đứng sát cửa, ngước mắt nhìn lên cao. Không biết bà có nhìn được bầu trời phía trên hay tất cả đã bị bức tường xây sát cửa sổ che khuất…

Còn bao lâu nữa người mẹ đó và những bệnh nhân cùng phòng mới được trở về nhà? Cảm giác của những ngày cuối năm ở bệnh viện tâm thần sao nghe thật buồn. Nếu được gia đình quan tâm, điều trị sớm hơn, liệu những người bệnh có ngơ ngác phía sau cánh cửa bệnh viện, sống chung với những tiếng la hét, gào khóc? 

Nhập viện có thể là giải pháp tốt nhất và an toàn nhất cho chính bản thân người bệnh. Nhưng tới chốn này rồi, bên cạnh họ vẫn không có người thân, phải chống chọi với bệnh tật trong cô độc… liệu họ có cảm thấy cuộc sống vẫn còn rất đáng sống và còn có điều gì tốt đẹp đang chờ ở phía trước?

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI