Khi chồng vợ cạn lời

21/01/2019 - 18:00

PNO - Khuyến nghị về việc vợ chồng cần (và học cách) đối thoại để giữ gìn mái ấm gia đình, nhất là khi có mâu thuẫn, ngập tràn trên sách báo. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc đối thoại cũng diễn ra suôn sẻ.

Tắt lửa lòng...

Anh L. và chị H. làm cùng cơ quan, yêu rồi cưới nhau cách đây gần mười năm. Ban đầu, họ được xem là một cặp đẹp đôi, nhưng rồi giữa họ ngày càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn về quan điểm sống, giá trị mà mỗi người muốn có cũng như cách dạy dỗ con. Theo chị H., những vấn đề đó, ngày trước vợ chồng đều có thể bàn bạc, chỉ khi có mẹ chồng can thiệp thì mọi việc giải quyết theo ý… mẹ chồng.

Ngặt nỗi, mẹ chồng chị H. ngày càng can thiệp sâu vào cuộc sống của con trai - từ chuyện thờ cúng, tiền biếu xén hai bên nội ngoại, bữa ăn gia đình cho đến việc tắm giặt cho cháu nội… Vì vậy, những lần “ngồi xuống nói chuyện” của vợ chồng chị H. ngày càng nhiều. “Chồng tôi thường đem mẹ ra để giải thích cho quyết định hay thái độ của anh. Cuối cùng, tôi nhận ra, giữa chúng tôi ngày càng mất sự tương đồng. Đối thoại thất bại và hôn nhân cũng thất bại theo” - chị H. giải thích.

Khi chong vo can loi
Ảnh minh họa

Sau 5 năm cưới nhau, vợ chồng chị K. giờ rất khó ngồi lại nói chuyện với nhau, mỗi khi có mâu thuẫn. Vài năm đầu, vợ chồng chị thuận hòa, dễ tìm được tiếng nói chung. Nhưng từ khi chị sinh con, cuộc sống căng thẳng hơn, khiến vợ chồng dễ cáu gắt. Những mâu thuẫn dễ thành cãi nhau chứ không còn có thể bình tĩnh nói chuyện. Bây giờ, hễ sắp cãi nhau là anh chồng vội “chặn họng”: “Tui không nói chuyện với mấy người nữa”, rồi bỏ sang phòng khác. Cách “giải quyết” ấy có lúc cũng êm xuôi, nhưng lắm lúc khiến vợ “ôm cục tức, nổi điên”. Theo chị K.: “Mâu thuẫn vợ chồng tôi chỉ là mấy chuyện lặt vặt như dọn dẹp nhà cửa, cho con ăn, chăm con bệnh… Tuy nhiên, khi tôi muốn nói chuyện để thống nhất tôi làm gì và anh cần làm gì thì chồng lại gạt phăng, bảo ba chuyện cỏn con mà tôi làm quá. Dần dà, tôi không còn nhu cầu bàn bạc với chồng nữa”.

Tương tự chồng chị K., nhưng ở “cấp độ cao hơn”, chồng chị P. luôn từ chối “nói chuyện tay đôi” mỗi khi có xung đột. Vợ chồng chị P. có một cửa hàng bán đồ điện lạnh, trong khi chị đầu tắt mặt tối với chuyện kinh doanh thì anh chọn sống an nhàn, hiếm khi phụ vợ. Nhiều lúc cần đi lắp đặt thiết bị cho khách, thợ đang bận mà kêu anh chồng về giúp chẳng được, bởi anh đang bận… ngồi cà phê với bạn. Thời “cao điểm”, vợ chồng chị cãi nhau hằng ngày, chỉ vì anh chồng ham chơi như trẻ con mà không “dễ bảo” như trẻ con và chị P. thì sẵn tính càm ràm. Mỗi khi vợ bắt đầu lớn tiếng, anh chồng hoặc im lặng ngồi nghe vợ… độc thoại hoặc im lặng bỏ đi. Đó là những lúc chị P. rơi vào căng thẳng cực độ, vì không thể giải quyết việc nhà, bởi người chồng từ chối đối thoại.

Chẳng có gì to tát

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, có mười vấn đề dễ dẫn đến xung đột vợ chồng: không chung thủy, tiền bạc không hòa hợp, thiếu giao tiếp, tranh cãi kinh niên, mong đợi/kỳ vọng vô lý, thiếu sự thân mật, thiếu công bằng, không có sự chuẩn bị cho hôn nhân, tăng cân, bạo lực. Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý, đàn ông khó bày tỏ cảm xúc hơn phụ nữ; khả năng đối thoại bình tĩnh khi mâu thuẫn cũng kém hơn; chưa kể trong cùng một vấn đề, đa phần đàn ông và phụ nữ đứng ở các góc nhìn khác nhau. Vì thế, vợ chồng thường phải đối mặt với những bất đồng.

Khi chong vo can loi
Ảnh minh họa

Các chuyên gia thường khuyên vợ chồng bình tĩnh ngồi lại nói chuyện - người này lắng nghe cho đến khi hiểu người kia và cùng tìm ra giải pháp tốt nhất. Thực tế, lúc nóng giận, hai người sẽ khó bình tĩnh. Vợ chồng nghệ sĩ Bảo Châu chọn cách gác những bất đồng sang hôm sau mới nói, khi cả hai đã bình tĩnh hơn. Theo chị, cách này khá hiệu quả, vì: “Có nhiều chuyện, hôm sau nhắc lại, chúng tôi bật cười “trời ơi, có gì to tát đâu”, nhưng có khi nói ngay lúc giận sẽ thành lớn chuyện”.

Nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng đủ sáng suốt để đồng lòng giải quyết vấn đề theo cách ấy. Sau nhiều lần đối thoại bất thành, chị H. chuyển sang viết email, nhắn tin hoặc viết giấy để lại. Chị xem đó là cách để chồng có thời gian suy  nghĩ trước khi cùng chị đi đến quyết định chung, nhưng vẫn không đâu đến đâu. Kết quả, chị tự quyết định mọi thứ theo ý mình. Rồi việc gì đến phải đến, vợ chồng chị chia tay.

Trong khi đó, chị P. thường lôi đồ đạc trong nhà ra đập cho “đã cơn” và “dằn mặt” chồng mỗi khi anh bỏ đi. Về sau, thấy không hiệu quả, chị chấp nhận và lao vào làm việc, ra tiệm làm tóc, đi spa… cho thoải mái. Vợ chồng không nhắc nguyên nhân gây tranh cãi và cố giải quyết mà để yên mong mọi chuyện trôi qua, dù thực sự chúng chẳng “trôi qua”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một cuộc hôn nhân trục trặc, nhưng sẽ đáng tiếc nếu lý do là “ông nói gà, bà hiểu vịt” hoặc “chiến tranh lạnh”. Chỉ vì “tiết kiệm” những lần nói chuyện cùng nhau mà dẫn đến suy diễn, bực dọc, căng thẳng; cuộc hôn nhân sẽ mất vui, ngột ngạt và biết đâu chẳng sớm tan rã. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI