Anh về, mai kịp trổ hoa

25/01/2014 - 10:30

PNO - PN - Chuyện của vợ

edf40wrjww2tblPage:Content

Mỗi khi có ai hỏi thăm về công việc của chồng, tôi lại nửa đùa nửa thật: “Người ta ở tỉnh lên thành phố kiếm việc; còn chồng tôi dân thành phố về quê đi làm”. 20 năm trước, tôi theo chồng về làm dâu ở P.12, Q.Gò Vấp (TP.HCM), khi nơi này còn là mảnh đất trống, cửa nhà thưa thớt, cuộc sống “khỏe ru" với việc chăn nuôi bò. Sau này, nhiều người đổ về mua đất xây nhà, tạo thành khu dân cư đông đúc, việc nuôi bò bị phản ảnh gây ô nhiễm nên chồng tôi thành người thất nghiệp. Gần 5 năm nay, chồng tôi chuyển sang làm công nhân xây dựng, rong ruổi theo công trình hết nơi này đến nơi khác. Tôi ở nhà chỉ biết cố chu toàn mọi việc; việc gì giải quyết được là tự tay làm, không đợi chồng.

Những năm trước, vào khoảng thời gian này, khi cái Tết đến gần, nhìn ngoài đường thấy người ta vợ chồng có nhau cùng mua sắm, tôi cũng thoáng chạnh lòng. Chồng đi làm, cuối năm thường về nhà rất trễ, như năm trước là 28 Tết, năm trước nữa chỉ còn mấy tiếng là đến giao thừa. Tôi cố gắng xoay xở nhưng ba bữa này mà nhà không có đàn ông thì mọi thứ… chẳng ra sao. Tôi không thể leo cao quét trần nhà, mâm ngũ quả khó khăn lúc đưa lên bàn thờ gia tiên, cánh cửa cũ không kịp sơn lại, mấy gốc mai trước nhà, tôi đã vặt lá, phun thuốc, bón phân sao vẫn không nở hoa đúng ngày…

Anh ve, mai kip tro hoa

Gia đình anh Dư Thành Ảnh - chị Nguyễn Thị Minh Châu

Chuyện của chồng

Công việc của tôi phải rày đây mai đó nên ở nhà vợ phải gánh luôn những việc của đàn ông. Vừa vất vả đi làm ở xưởng may, vợ vừa chăm lo cho ba mẹ tôi đã tuổi cao sức yếu và nuôi dạy các con. Vợ thường chu đáo, quán xuyến hết mọi chuyện để khi tôi về không phải lo toan. Thế nhưng, ở xa, lòng tôi không lúc nào yên. Phần nghĩ thương vợ khổ, phần lo nhỡ có chuyện gì bất trắc nơi quê nhà. Để thu hẹp khoảng cách, nắm rõ chuyện gia đình, gần như đêm nào tôi cũng điện thoại về cho vợ. Đi xa, làm mệt, gọi điện nghe tiếng người thân là thấy người khỏe ra ngay. Nhiều hôm vợ tăng ca đến 21g, 22g mới về, tôi thèm ngủ lắm nhưng ráng thức đợi…

Từ ngày theo công trình, chưa năm nào tôi được về Tết sớm, toàn “cận” ngày, khi năm cũ sắp qua. Về muộn như vậy, tâm trạng tôi thường bồn chồn, lo âu nhưng cũng rất háo hức. Nghĩ đến chuyện sẽ giúp được vợ dăm ba việc hay kịp có mặt cùng cả nhà trong thời khắc giao thừa là đã thấy vui…

…Đó là chuyện ăn Tết của vợ chồng anh Dư Thành Ảnh và chị Nguyễn Thị Minh Châu (Q.Gò Vấp) những năm trước. Năm nay, sáng 11/1, khi công trình ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) vừa hoàn tất, anh Ảnh đã vội bắt xe về. Lần đầu tiên chồng về quê ăn Tết sớm, lòng chị Châu cũng vơi bớt nỗi lo toan. Chỉ mấy cánh cửa hoen cũ năm trước chưa kịp lau chùi, sơn sửa lại, chị cười rất tươi: “Năm nay, mọi thứ đã có chồng lo. Tính anh ấy trầm, thương vợ không nói ra lời, chỉ thể hiện qua hành động. Đi thì thôi, về đến nhà là thấy vợ làm gì cũng nhảy vô đòi chia việc, từ giặt giũ đến quét dọn, nấu cơm”.

Tết nay, vợ chồng chị Châu sẽ không còn cảnh vợ một mình lủi thủi lo toan, chồng nôn nao sốt ruột không biết có kịp về trong thời khắc chuyển giao năm mới. Ngoài sửa sang, trang hoàng lại từng góc nhà, vợ chồng chị đã lên kế hoạch sẽ cùng đi chợ Xuân, mua cho con chiếc áo mới. Nhìn vườn hoa nhỏ xinh trước nhà, chị Châu cười vui: “Có bàn tay của đàn ông, Tết này nhà tôi âm dương hài hòa, chắc chắn gốc mai sẽ nở hoa đúng ngày”.

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI