Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài (Bình Phước): Có bằng THPT giả nhưng... không xài

04/01/2016 - 09:37

PNO - Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) Vương Đức Lâm vừa bị tố cáo sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.

Kết quả xác minh cho thấy nội dung tố cáo là đúng, nhưng đoàn kiểm tra của tỉnh lại dùng dằng: đương sự thừa nhận tấm bằng giả nhưng không sử dụng(!?).

Theo biên bản làm việc của đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy Bình Phước với ông Phan Gia Luật (ngụ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) - người tố cáo ông Vương Đức Lâm “xài” bằng tốt nghiệp THPT giả và có tới ba năm sinh khác nhau, qua xác minh bằng tốt nghiệp THPT hệ 10/10 số 078/ QC77 do Ty Giáo dục Thái Bình cấp ngày 1/7/1977 mang tên Vương Đức Lâm, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình khẳng định tấm bằng là giả.

Đoàn kiểm tra cũng làm việc với ông Vương Đức Lâm, ông Lâm thừa nhận chưa học hết cấp III nhưng không sử dụng tấm bằng giả nói trên. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng cho rằng việc ông Lâm học tại trường trung học Kinh tế - tài chính tỉnh Sông Bé (cũ) thì chỉ cần bằng tốt nghiệp cấp II và học tại chức ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vào thời điểm năm 1999 thì chỉ cần nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp hệ trung học chuyên nghiệp.

Chu tich UBND thi xa Dong Xoai (Binh Phuoc): Co bang THPT gia nhung... khong xai
Bằng tốt nghiệp THPT giả của ông Vương Đức Lâm, Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: “Ông Lâm không học hết cấp III tại sao vẫn có bằng cấp III giả? Tấm bằng đó ông Lâm mua hay xin và nhằm mục đích gì? Ông Lâm cho là không sử dụng tấm bằng giả đó thì việc bổ nhiệm ông giữ chức chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài là trái với quy định “trình độ giáo dục phổ thông của công chức cấp huyện, thị xã phải đạt 12/12 hoặc 10/10” tại quyết định số 64/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước ngày 10/12/2007.

Ngoài ra, theo Quy định 181 - QĐ/TƯ ngày 30/3/2013 của BCH TƯ Đảng về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” thì ông Lâm đã vi phạm điểm a, mục 2, điều 21 khi đã “xin, mua, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước” và phải chịu kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

Chu tich UBND thi xa Dong Xoai (Binh Phuoc): Co bang THPT gia nhung... khong xai
Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình khẳng định bằng tốt nghiệp THPT mang tên Vương Đức Lâm là giả

Ngoài ra, ông Lâm còn bị tố cáo có tới ba năm sinh khác nhau (1957, 1959 và 1960), giấy khai sinh cũng bị cạo sửa, nhưng đoàn kiểm tra lại cho rằng việc ông Lâm cải chính năm sinh từ năm 1957 thành 1960 đã được Thị ủy Đồng Xoài chấp nhận bằng quyết định!

Ông Luật khẳng định: “Tôi đã gặp Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Nguyên (nơi ông Lâm sinh ra) để hỏi về tờ giấy khai sinh thì ông bí thư xã cho biết, giấy khai sinh của ông Lâm không do UBND xã cấp, vì cho đến năm 1967 ở xã này vẫn chưa có thẩm quyền, việc cấp giấy khai sinh thuộc UBND huyện. Đến năm 1970, cấp xã mới có thẩm quyền cấp giấy khai sinh”.

Vả lại, nếu ông Vương Đức Lâm cải chính năm sinh từ 1957 thành 1960 thì tại sao những tấm bằng tốt nghiệp ĐH tại chức của ông như: cử nhân kinh tế, cử nhân hành chính, chứng chỉ B ngoại ngữ, chứng nhận tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp đều sinh năm 1959? Liệu những tấm bằng và chứng chỉ ấy có phải là của người khác?

Cũng theo Quy định 181 của BCHTƯ Đảng, tại mục b, điểm 3, điều 10, nêu rõ: nếu vi phạm một trong các trường hợp như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy luân chuyển, chạy tội… thì sẽ kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

Các địa phương như Thanh Hóa, Hải Dương và mới đây là huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã thẳng tay cách chức các cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng giả. UBND tỉnh Bình Phước sẽ xử lý như thế nào với ông Vương Đức Lâm?

Hồng Nụ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI