Tiết đọc sách: Đừng làm cho có

08/05/2019 - 08:18

PNO - Để nâng cao văn hóa đọc, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM cho chủ trương vận dụng các khung giờ thích hợp để đưa tiết đọc sách vào hệ thống chương trình giáo dục.

Nhưng liệu tiết đọc sách có đủ khiến học sinh thích đọc?

Chỉ tại sách giáo khoa

Có một nghịch lý là càng lên bậc học cao, học sinh (HS) lại càng lười đọc sách. Điều này hoàn toàn trái với giáo dục ở các nước. “Em thấy ở Việt Nam, học đại học rất nhàn. Nhưng khi em sang Anh du học mới thấy thật sự không sướng chút nào, phải đọc sách rất nhiều để thu thập tư liệu. Mỗi ngày, em phải thức dậy từ rất sớm để đến thư viện, vì nếu đến sau 7g sẽ không tìm được chỗ ngồi”, Anh Quyên, đang học tại Đại học Kinh tế Luân Đôn, tâm sự.

Đó là hình ảnh hoàn toàn ngược lại với bức tranh buồn tại những trường đại học ở nước ta. Thạc sĩ Nguyễn Bích Nhã Trúc, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết, chỉ riêng việc đọc giáo trình môn học thôi cũng đã là một nhiệm vụ khó khăn đối với sinh viên, đừng mong đến việc đọc thêm sách về kiến thức nền tảng chung như: văn hóa, văn học, lịch sử…  

Cô Nguyễn Hồng Nguyệt Lam, giáo viên (GV) Trường Quốc tế Mỹ, cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng HS lười đọc là do cách học tập, thi cử, kiểm tra, đánh giá của chúng ta lâu nay bị đóng khung trong phạm vi hạn hẹp, HS bị ép học thuộc lòng nhiều hơn là được khuyến khích tự do sáng tạo. 

Tiet doc sach: Dung lam cho co
Giáo viên cần rèn cho học sinh kỹ năng đọc sách qua mỗi bài học - Ảnh minh họa

Đồng ý với quan điểm trên, cô Phạm Hồ Hoàng Điệp, Trường Quốc tế Canada, cho rằng, chính cách học đóng khung trong sách giáo khoa (SGK) đã không hình thành trong HS thói quen đọc sách cũng như sự ham thích, khám phá, tìm tòi kiến thức. “Tôi quan sát thấy rằng, cứ đến mùa thi, GV lại soạn sẵn đề cương ôn thi rồi in ra cho HS học thuộc lòng. HS dường như chẳng phải làm gì ngoài việc học thuộc đề cương, hoặc làm đi làm lại những bài tập trong đó. Cách học này khiến hầu hết HS cũng như phụ huynh đều mặc định rằng chỉ cần học trong SGK là đủ, vậy nên đọc sách cũng chẳng để làm gì”.

Giáo viên phải yêu sách trước đã

Cũng theo thông tin từ Sở thông tin và Truyền thông, ban đầu, mô hình tiết đọc sách sẽ được thí điểm tại một số trường tiểu học công lập trên địa bàn thành phố. Để thực hiện tốt mô hình, sở cũng đề nghị các đơn vị liên quan kiến nghị với Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng chương trình học có tiết, giờ đọc sách chính thức áp dụng cho các trường phổ thông các cấp trong cả nước.

Trong khi đó, cô Trần Huỳnh Nhị, GV ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thông, tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: không thể trông chờ vào một vài hoạt động hô hào mà có thể khơi gợi niềm đam mê của HS và có thể xem tiết đọc sách là giải pháp để rèn luyện kỹ năng đọc cho HS, vì bất kỳ việc gì cũng cần có quá trình, mà có kỹ năng mới làm tốt được. Tuy nhiên, việc đưa tiết đọc sách vào chương trình như thế nào cho hiệu quả là điều cần phải bàn kỹ, không khéo lại trở thành hình thức.

“Đi kèm những quy định về tiết đọc sách thì việc quan trọng cần làm là giúp GV cách xây dựng tiết đọc sách mang lại hiệu quả tốt nhất. Do đó, đừng hình thức, đừng ràng buộc thi đua, cũng đừng nóng vội. Phải tạo điều kiện để chính GV phải yêu sách và thích đọc sách. Bởi một GV không yêu sách thì không thể nào dạy HS yêu sách được”, cô Nhị trăn trở. 

Thạc sĩ Nguyễn Bích Nhã Trúc, nhấn mạnh: “Các thầy cô kiêm “thủ thư” nếu là những GV dạy văn thì đó là điều kiện lý tưởng, bởi việc đọc sách thường gắn với việc giảng dạy môn văn, giúp HS học môn này một cách cởi mở, tự do và thú vị hơn. Trong quá trình tổ chức các hoạt động đọc sách cho HS cũng có thể lồng ghép những nội dung kiến thức phong phú, đa dạng và sinh động hơn”. 

Bắt đầu từ hướng dẫn học sinh đọc sách giáo khoa

Khi vào lớp, tôi chưa vội dạy mà dành thời gian để hướng dẫn HS đọc sách ngay tại chỗ. Trước khi các em đọc, tôi đặt ra hệ thống yêu cầu (chỉ ra những câu văn hay, điều ấn tượng, sau đó mới đến những gì liên quan đến kiến thức cần dạy trong tiết học đó). Sau khi đọc xong, các em sẽ trao đổi với nhau về tác phẩm, hoặc thắc mắc và giải đáp cho nhau chỗ nào không hiểu. Xong, tôi mới bắt đầu dạy, bằng cách sơ đồ hóa nội dung kiến thức chứ không giảng thao thao bất tuyệt rồi cho HS ghi bài. 

Với bài học có năm ý, tôi sẽ chốt sơ đồ cho HS rồi cung cấp những tài liệu tham khảo hữu ích. Trong đó, HS sẽ tiếp cận những góc nhìn, quan điểm phân tích rõ ràng, cụ thể và đa dạng. 

Để HS có thêm kiến thức về đời sống và nâng cao kỹ năng viết văn nghị luận xã hội, bên cạnh những nội dung sẵn có từ SGK, tôi đưa thêm sách vào nội dung kiến thức cần truyền đạt cho HS. Ví dụ, ngoài ngữ liệu SGK, tôi giới thiệu những quyển sách liên quan đến vấn đề cần nghị luận. Bằng cách đó, tôi đã đẩy nguồn kiến thức đa dạng vào các tiết nghị luận xã hội, cung cấp cho HS dữ liệu phong phú hơn. Những quyển sách muốn HS đọc, tôi đem vào lớp luôn, đọc vài đoạn hay, rồi gợi mở, phân tích một số hình ảnh, chi tiết và phần còn lại dành cho ý thức tự tìm tòi, khám phá của HS. HS sẽ tiếp cận nhiều văn bản hay, mang tính cập nhật so với những gì chỉ có trong chương trình.

Làm như vậy, tôi nhận thấy HS của mình chịu đọc sách, hào hứng trao đổi với nhau. Các em cũng tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ hoặc buổi trưa để đến thư viện của trường đọc sách. Vui hơn là HS đã mạnh dạn mượn sách của tôi để mang về nhà đọc.

Thạc sĩ Trần Huỳnh Nhị

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI