Trong dòng chảy văn học Tây Nam
“Kính tặng những cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia và những người dân Khmer yêu dấu”, “Kính tặng đồng đội tôi, những người đã chết và những người còn sống”... Đó là những dòng đề từ trên các tựa sách viết về chiến trường K, vừa được nhà xuất bản Trẻ giới thiệu.
Họ, những người lính tình nguyện năm xưa, may mắn được trở về, như nhận lãnh sứ mạng của lịch sử, của văn chương, để viết về những năm tháng không thể nào quên. Văn học Tây Nam - cách gọi những tác phẩm viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam (1979-1989) - qua ngòi bút của họ hết sức chân thật, khốc liệt và cao cả.
Bài 1: Viết như để trả nợ
|
Chiếc võng ở chiến trường của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc (khi ấy là trung sĩ bộ binh) viết đầy thơ. Nhà văn Đoàn Tuấn - đồng đội cùng đơn vị với Lê Minh Quốc - nói, không biết nếu kẻ thù thấy chiếc võng ấy, sẽ nghĩ gì về đội quân mà họ đang đối mặt.
Nghe một tiếng hát của cô gái nhỏ trong phum, đêm về, nhà thơ Lê Minh Quốc đã “thao thức trong căn hầm còn đầy mùi súng đạn, viết những dòng thơ hồi sinh đất nước Campuchia”. Anh cũng đã có tập thơ in chung với Đoàn Tuấn - Đất bên ngoài Tổ quốc, nhà xuất bản Văn học in năm 1995, nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2005.
Chiến tranh vẫn khốc liệt, nhưng nói như Đoàn Tuấn, có những thứ chiến tranh không thể nào vùi lấp, như tiếng hát, tiếng cười hồn nhiên của đám trẻ khi được bộ đội cho xà phòng gội đầu. Trên đường hành quân, lính tráng vứt lại chăn màn cho ba-lô đỡ nặng. Người lính Lê Quỳnh Lang đã nhắc đồng đội: “Treo cái chăn lên cành cây, để lỡ thằng địch nào thiếu, nó lấy dùng”.
Nhà văn Đoàn Tuấn nói, ông đã nghĩ, cuộc chiến của những con người giàu lòng trắc ẩn đến như vậy thì không thể nào thất bại. Cuộc chiến đó, quân tình nguyện Việt Nam sang đất bạn đã thuộc lòng nguyên tắc chỉ được hưởng ba thứ: không khí, củi rừng và nước sông. Khi đón dân chạy nạn quay trở về vùng giải phóng, Đoàn Tuấn được một ông già quỳ xuống, nâng trái dừa lên “tặng bộ đội”.
“Dù rất thèm nước dừa, nhưng đây là đất bạn, dân họ nghèo lắm, mình đang làm nghĩa vụ quốc tế, làm sao dám ăn” là suy nghĩ của người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Tất cả được viết lại trong Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn).
Trên đất bạn, nhà văn Nguyễn Vũ Điền được một người mẹ Khmer nhận làm con nuôi. Bà mang giấc mơ tâm linh về đứa con đã mất khi mới một tuổi, quả quyết Điền là đứa con trai đã được hóa kiếp và trở lại tìm bà. Nhà thơ Lê Minh Quốc nói, có lẽ Nguyễn Vũ Điền là người lính Việt duy nhất phải/được thực hiện nghi thức tắm Phật của người Khmer.
Gần 40 năm sau, Nguyễn Vũ Điền trở lại chiến trường xưa, gặp cô bé 14 tuổi tên Nhanh - em gái nuôi của ông năm xưa, giờ đã là bà nội, bà ngoại của đàn cháu nhỏ. “Boòng Điền… nức ná. Me bất hời… Boòng nức me tê?” (Anh Điền, nhớ lắm. Mẹ mất rồi, anh có nhớ mẹ không?). “Một thằng lính đã bước qua cuộc chiến gian khổ ở xứ này, chưa bao giờ biết khóc, kể cả những lúc phải chứng kiến đồng đội hy sinh. Vậy mà khi nghe em hỏi, tôi không thể cầm được nước mắt” - Nguyễn Vũ Điền viết.
|
Nhà văn Nguyễn Vũ Điền gặp lại “em Nhanh” trong chuyến trở lại chiến trường xưa dịp tết 2018 |
Ở Việt Nam, bộ đội sống trong lòng dân, luôn được yêu thương và bảo vệ. Nhưng trên đất bạn, đôi khi không thể biết được đâu là dân, đâu là địch. Có những vùng đất, 90% gia đình có con em đi lính Pol Pot. Ban ngày họ đón bộ đội, nhưng ban đêm chỉ đường cho kẻ thù về tập kích. Nhưng bên cạnh đó cũng đã có những tình cảm rất chân thành, sâu nặng giữa bộ đội Việt Nam và nhân dân Campuchia. Họ đã xếp hàng vẫy tay chào, đã dành phần thực phẩm quý giá của gia đình cho các chiến sĩ (dù các anh bị buộc phải nhận cũng để lại trên thềm nhà của dân, không dám lấy bất cứ thứ gì).
“Chúng tôi viết để trả lời với thế giới rằng, chúng tôi không xâm lược, mà là để cứu nhân dân Campuchia. Trả lời bằng chính những tác phẩm văn học của những người trong cuộc” - nhà văn Đoàn Tuấn nói.
Rừng khộp mùa thay lá
Nguyễn Vũ Điền và tôi là bạn lính, cùng nhập ngũ ngày 17/8/1978, khi đang là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chúng tôi cùng tham gia huấn luyện ở Phủ Lý và Kim Thanh. Sau ba tháng huấn luyện tân binh, Điền cùng nhiều đồng đội khác được chuyển vào mặt trận biên giới Tây Nam, sang chiến trường K. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó.
Cảnh chia tay kẻ ở người đi giữa những thằng lính trẻ chúng tôi hồi ấy đã được Điền ghi lại trong tác phẩm Rừng khộp mùa thay lá: “Bước ra khỏi hàng quân, tôi ngoái nhìn đồng đội. Mười ba thằng lính cùng trường vây lấy tôi. Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Văn), Nguyễn Trí Sơn (Khoa Sử) Nguyễn Văn Hợp (Khoa Sinh)... và tất cả những thằng lính cùng thời, xuất thân từ sinh viên Tổng hợp. Chúng nó ôm ghì lấy tôi, nắm tay tôi, dặn dò rất nhiều điều mà tôi chẳng biết chúng nó dặn cái gì nữa. Rồi tất cả chúng nó, thằng nào cũng đưa tiền cho tôi, thằng dúi vào tay, thằng nhét vào túi. Tôi không nỡ chối từ dù biết đó là những đồng phụ cấp chúng nó vừa được nhận đêm qua, nay dành hết cho tôi...”.
Tôi cùng một số lính sinh viên khác ở lại, được Tổng cục Kỹ thuật nhận về cho học trường nghề cơ khí, quân khí. Rồi đám lính sinh viên chúng tôi, thay vì làm học viên, lại thành giáo viên tại một trường kỹ thuật quân sự ở TP.HCM, từ đầu năm 1979. Khi chiến sự phía Tây Nam thì chúng tôi ở Bắc. Khi chiến sự phía Bắc thì chúng tôi ở Nam. Trong khi đó, Điền và các đồng đội đang đánh trận ở xứ người, không biết sống chết ra sao. Cùng là lính, nhưng bạn đã gánh phần nguy hiểm, chết chóc cho tôi.
Tháng 6/1982, tôi ra quân, về lại trường đại học, rồi tốt nghiệp, đi làm. Vài năm trước, nhờ Facebook, tôi mới liên lạc được với Điền. Gặp nhau, Điền kể chuyện đời lính, rồi Điền viết lại, đưa lên Facebook. Tôi giục Điền viết tiếp, viết hết, để rồi có cuốn Rừng khộp mùa thay lá. Hai năm chinh chiến đã in dấu lửa vào cuộc đời anh, rực đỏ trên từng trang sách này. Điền viết cho những đồng đội đã chết trong chiến trận và những đồng đội còn sống trở về, viết như vừa để quên đi vừa để không quên.
Đọc sách của Điền, cũng như của các cựu chiến binh mặt trận 479 xuất bản gần đây, tôi rùng mình đau đớn vì sự khủng khiếp của chiến trận mà các đồng đội mình đã trải qua, vì cái giá quá đắt của cuộc chiến, vì lịch sử còn những góc khuất, góc lặng. Tôi có đứa em trai, nhập ngũ sau đợt của tôi và Điền bốn năm. Em cũng sang chiến trường K và hy sinh khi mới 20 tuổi.
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo). Những câu thơ này đúng cho Điền, cho em tôi, cho những người lính đã đi qua những mùa xa nhà, mùa ra trận, mùa rừng khộp thay lá.
Phạm Xuân Nguyên
|
Bùi Tiểu Quyên
Bài cuối: Hãy viết tiếp, để cả thế giới biết