Lấy phiếu tín nhiệm - một sự đánh giá kép

05/12/2018 - 06:27

PNO - Rõ ràng đây là một đánh giá kép. Đại biểu đánh giá chức danh mà mình bầu để rồi chính cử tri đánh giá lại đại biểu.

Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa IX khai mạc ngày 4/12 và dự kiến kết thúc chiều 7/12. Ngoài các báo cáo, tờ trình về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2018, các giải pháp trọng tâm năm 2019, cùng các phiên chất vấn thường kỳ, kỳ họp cuối năm được dư luận chú ý bởi công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND TP.HCM bầu hoặc phê chuẩn.

Lay phieu  tin nhiem - mot su danh gia kep
 

Trong chiều 4/12, Thường trực HĐND TP.HCM đã trình danh sách 30 người được lấy phiếu tín nhiệm, dự kiến sẽ diễn ra chiều 5/12. Theo đó, bên cạnh các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban, chánh văn phòng, ủy viên HĐND và UBND TP.HCM, là những người đứng đầu  các sở, ngành của TP.

Nếu theo “giới thiệu” của Thường trực HĐND TP.HCM, những người trong danh sách này trước tiên phải là những người “đủ tiêu chuẩn” để được lấy phiếu tín nhiệm thì về phía cử tri, ngoài những cái đã làm được và chưa làm được, họ không biết “thang giá trị” nào để đánh giá năng lực, sự tín nhiệm của họ đối với những cán bộ chủ chốt này.

Bởi, trải qua nhiều lần bỏ phiếu tín nhiệm thì hằng ngày, người dân vẫn phải dai dẳng sống chung với kẹt xe, ngập nước, bệnh viện quá tải, trường học tận thu, quản lý giáo dục “sang chảnh”, di sản văn hóa mờ mịt... Và dường như đến nay, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn chưa được người dân… tín nhiệm.

Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lặp đi lặp lại trước các đại biểu rằng, phải xem xét toàn diện, chặt chẽ, có tính khách quan để đánh giá một cách công tâm, có sự thuyết phục trước nhân dân.

Lay phieu  tin nhiem - mot su danh gia kep
Trải qua nhiều lần bỏ phiếu tín nhiệm thì hằng ngày, người dân vẫn phải dai dẳng sống chung với kẹt xe, ngập nước, bệnh viện quá tải...

Không biết những cán bộ chủ chốt mà lĩnh vực mình quản lý còn quá lem nhem, khi được lấy phiếu tín nhiệm, họ có thật sự lo lắng, trăn trở và thấy trách nhiệm nặng nề đối với bản thân, đối với HĐND và đối với cử tri như mong đợi của công tác này hay không?

Bà Quyết Tâm nói: “Ai có phiếu tín nhiệm thấp là phải tự nhìn lại, đánh giá mình một cách chính xác hơn. Đó là sự cầu thị để từ đó khắc phục những hạn chế và cũng là điều kiện để hoàn thiện mình, góp phần làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ mà HĐND tin tưởng bầu chọn”.

Dĩ nhiên, chịu trách nhiệm chính về kết quả lấy phiếu tín nhiệm là các đại biểu HĐND - những người đại diện nhân dân. Họ phải lắng nghe ý kiến của cử tri liên quan đến từng lĩnh vực có các chức danh đang được lấy phiếu tín nhiệm, đúng như bà Quyết Tâm nhấn mạnh với các đại biểu: “Chúng ta làm việc này không phải chỉ một mình, mà rõ ràng đây chính là sự đánh giá kép. Đại biểu đánh giá chức danh mà mình bầu để rồi chính cử tri đánh giá lại đại biểu”.

Như vậy, sự tín nhiệm có phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân hay không, cũng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với các đại biểu HĐND. Với tất cả những gì các đại biểu đã nghe, thấy trong các lần tiếp xúc cử tri, tiếp dân và được đồng bào gửi gắm trên từng lĩnh vực, thì việc ghi phiếu tín nhiệm phải bảo đảm được dân chủ và phản ánh được thực chất của từng chức danh.

Trước phiên lấy phiếu tín nhiệm, HĐND TP.HCM đã gửi đến các đại biểu hồ sơ cá nhân của từng chức danh, trong đó có bản kê khai tài sản cá nhân, gửi đến từng tổ đại biểu. Bà Quyết Tâm lưu ý: “Đại biểu nào có nhu cầu nghiên cứu bản kê khai tài sản này, đề nghị cần xem xét các tài liệu một cách chu đáo. Trong quá trình nghiên cứu, nếu thấy có vấn đề gì, của đồng chí nào chưa rõ, cần giải trình thì quý vị đại biểu cứ gửi đến Thường trực HĐND TP.HCM, thường trực sẽ tiếp nhận ý kiến và yêu cầu các cá nhân giải trình”.

Nhưng thông tin về hồ sơ cá nhân và bản kê khai tài sản này lại là “mật”.

Với sự “đánh giá kép” như vậy, đến khi nào đại biểu mới có được sự tín nhiệm thực sự của người dân?

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI