Lý Sơn mùa… cá độ đua thuyền

17/02/2016 - 11:27

PNO - Cứ mùng 4 đến mùng 8 tết hàng năm là Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức đua thuyền truyền thống, cũng là lúc dân cá độ đua thuyền... vào cuộc.

Một kiểu cá độ lạ và độc, bởi có thêm "thánh thần" phù trợ và ai cũng biết, kể cả chính quyền... tiền tỷ vào cuộc đỏ đen công khai này là chuyện bình thường.

1. Nam, một tay cá độ đua thuyền, mà dân Lý Sơn gọi là “ghe bơi”, dẫn tôi len lỏi vào những nhóm người đang tụ tập đánh cuộc. Nam giảng giải: “Từ mùng Bốn - Bảy là đua bốn chiếc (thuyền) long, lân, quy, phụng ở mỗi xã. Đến hôm nay, mùng Tám tết, thì tám chiếc của hai xã An Vĩnh và An Hải mới đua ở đây. Mấy hôm trước tuy có “đánh” nhưng người ta cũng không đánh nhiều, chỉ là “thăm dò” cho bữa nay. Bữa nay là “xuống tay” hết nên dân ghe bơi mới có câu: sau mùng Tám mới biết ai thắng ai thua”.

 Ly Son mua… ca do dua thuyen
Chung tiền cá cược

Trong nhóm người mà tôi gặp khi theo Nam, một người tên Vỹ, giọng xã An Hải ra “kèo”: “Phụng dưới này ăn (thắng) phụng ở trển. Hai chục chai (hai chục triệu đồng) chơi không?”. “Đánh sao?” - một người hỏi lại. “Thì đánh đồng chứ đánh sao, năm nay ai dám chấp” - Vỹ nói. “Chơi thì chơi. Giờ chung tiền luôn, mày hai chục, tao hai chục là 40, đưa tiền cho ông Năm giữ. Ai thắng đưa ổng hai triệu tiền công” - người kia nói tiếp.

Vỹ gật đầu. Một nhóm khác, cũng đánh cuộc giữa hai thuyền phụng, nhưng người đàn ông tên Dũng, cũng giọng xã An Hải, đưa “kèo ngang” - không chấp, nên không ai dám bắt. “Chơi 10 ăn 8 thì tao chơi chứ ngang là không. Mấy bữa rồi phụng ở dưới bơi hay quá trời” - một người “dụ kèo”. “Nhưng bữa nay phụng ở trển nằm bông tiêu (hoa tiêu) 2 còn gì” - Dũng nói lại.

“Thì phụng ở dưới cũng bông tiêu 3 ngon lành đó” - người “dụ kèo” tiếp tục, rồi kết luận: “Không chơi tao tìm kèo khác”. Rồi người này rút điện thoại ra định gọi cho ai đó, thì Dũng gạt phắt: “10 ăn 8 đúng không?”. “Ừ”. “Bao nhiêu chai?”. “Một trăm đi, cho dễ tính”. “Chờ chút”. Rồi Dũng hỏi lại mấy người cùng phe. Nhận được cái gật đầu, Dũng xởi lởi: “Chơi thì chơi chứ sợ gì”. Và hỏi: “Cần trung gian giữ tiền không, Nghĩa?". Người tên Nghĩa ra kèo nãy giờ với Dũng đáp: “Không cần, tao với mày “chơi” với nhau bao năm nay mà sợ gì”. Ngã kèo xong, Nghĩa bỏ đi. Nam cho biết anh ta đang đi tìm thêm kèo khác. Còn cái kèo “10 ăn 8” mà Dũng đưa ra, nghĩa là đặt cược 10, nhưng Dũng chỉ thắng 8; Nghĩa đặt 8 nhưng sẽ ăn 10, nếu thua thì chỉ thua 8. Dân ghe bơi gọi là đánh chấp. Một nhóm khác, tôi nghe loáng thoáng cũng đang cá cược giữa hai thuyền rồng, tranh cãi chuyện “đánh” ngang hay chấp…

 Ly Son mua… ca do dua thuyen
Các đội đua tranh nhau về đích

2. Làm lễ xong, các thuyền đua vào hoa tiêu rốn - hoa tiêu xuất phát. Tuy nhiên, vì cá độ nên các thuyền sợ hơn thua, dẫn đến thuyền nào cũng tranh thủ trồi lên phía trước, có khi cách năm-sáu dầm ghe so với hoa tiêu rốn. Người xem la ó, ban tổ chức nhắc nhở qua loa ầm ĩ, việc xuất phát cứ lần lữa.

Nam kể, cách đây khoảng 10 năm, xem đua thuyền rất sướng. Làm lễ xong, các thuyền ra hoa tiêu rốn ngay hàng thẳng lối, ban tổ chức đánh trống hoặc bắn súng là đồng loạt bơi. Những năm gần đây, mỗi lần đi coi đua thuyền ai cũng sợ cảnh này. Có năm chây ỳ cả tiếng đồng hồ, cuộc đua mới bắt đầu. Hóa ra, ngay chính những người tham gia đội đua, thậm chí nguyên cả đội đua cũng vào cuộc đỏ đen, nên lúc xuất phát, thuyền nào cũng không chịu nằm đúng vị trí.

Ban tổ chức áp dụng việc trừ điểm thuyền nào phạm luật, dân cá độ cũng lái gió theo, nghĩa là ăn theo kết quả do ban tổ chức công bố. Thuyền dù có về trước mà phạm luật, bị trừ điểm thành ít điểm hơn, thì cũng thua. Dù vậy, cái máu ăn thua đã ngấm sâu nên phút xuất phát cứ bị nhùng nhằng.

Tôi thắc mắc, sao ban tổ chức không cho người ra lôi các thuyền về đúng hoa tiêu, Nam giải thích, họ không dám vì “các người” bắt là chết. Người Lý Sơn quan niệm, mỗi thuyền đua đều là của bề trên, ứng với một dinh, miếu ở các thôn xã nên không ai dám đụng vào. Trước mỗi buổi đua, người ta còn cúng các vị ở dinh miếu đó để “xin” trước kết quả, rồi dựa vào đó mà xuống kèo. Lợi dụng cả thánh thần như thế thì còn gì để nói nữa!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI