Thảm hoạ chìm phà Sewol: Nước mắt người ở lại

27/03/2017 - 10:04

PNO - Gần ba năm sau thảm họa đường thủy thảm khốc nhất Hàn Quốc, gia đình các nạn nhân vụ chìm phà Sewol vẫn còn đó nỗi đau không gì bù đắp nổi.

Hàn Quốc đã hoàn tất nhiệm vụ trục vớt phà Sewol bị đắm ngày 16/4/2014. Với những ai chưa nhận được thông tin từ người thân mất tích sau vụ chìm phà, họ vẫn đau đáu mong ngóng. 

Tham hoa chim pha Sewol: Nuoc mat  nguoi o lai
Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai - Ảnh: CBC

Những đêm trước ngày phà Sewol được vớt lên, người nhà các nạn nhân không thể chợp mắt. Hơn 50 gia đình tề tựu ngay khu vực cảng Paengmok (đảo Jindo), cảng gần khu vực trục vớt phà nhất.

Tất cả cùng cầu nguyện cho việc trục vớt thành công, sớm tìm thấy xác những nạn nhân còn lại.

Hiện xác 295 người đã được tìm thấy, 9 thi thể khác biến mất không dấu tích nhưng những người ở lại vẫn nuôi hy vọng le lói, mong có thể tìm thấy họ trong ngóc ngách nào đó mà chưa nhân viên cứu hộ nào chạm tới bên trong chiếc phà. 

Khi cả thế giới cùng hướng về phà Sewol, dõi theo dòng thông tin mới nhất, những ký ức xưa cũ chưa một lần nhắc đến nay sống lại.

Bà Park Eun Mi nhớ đến con gái Huh Da Yoon, học sinh của trường Danwon. Cô gái ấy từng mơ ước sẽ trở thành cô nuôi dạy trẻ.

Cô say mê với những hoạt động tình nguyện đến chăm sóc trẻ thơ ở các trường mẫu giáo. Một ngày trước khi lên đường, Huh Da Yoon mượn chiếc mũ của bố và cô vĩnh viễn không quay trở lại.

Người ta tìm thấy chiếc mũ ấy trôi trên dòng nước lạnh và cả những vật dụng quen thuộc của cô, còn thi thể Huh Da Yoon thì không. Một học sinh khác chưa được tìm thấy xác là Park Young In.

Chàng trai trẻ từng mơ ước trở thành cầu thủ bóng đá đã không thể theo đuổi đam mê. Mẹ cậu đặt đôi giày thể thao ở cảng Paengmok, chỉ biết nấc nghẹn khi nhắc về con trai. 

Bà Kim Sun-nam (59 tuổi), từ Seoul cũng đã có mặt ở cảng Paengmok và thức trắng đêm cùng mọi người. Người phụ nữ này không có người thân gặp nạn trong vụ chìm phà Sewol.

Bà đến để sẻ chia, chỉ vì: “Tôi là một người mẹ. Trái tim tôi như bị bóp chặt khi nghĩ đến những gia đình mất con”.

Tất cả những ai phải chịu nỗi đau mang tên “phà Sewol” và cả những người chỉ là người quan sát hơn 1.000 ngày tang thương ấy đã ôm chầm lấy nhau khi tận mắt chứng kiến cảnh chiếc phà dần hiện lên từ dòng nước chảy xiết.

Xác phà gỉ sét nghiêm trọng, khiến hy vọng tìm thấy xác nạn nhân càng mong manh.

Còn bà Lee Geum-hee, mẹ của nữ sinh Cho Eun-hwa từ ngày biết tin dữ đã bám víu một góc nhỏ ở cảng Paengmok, ngày qua ngày quấn mình trong chăn, mắt dõi về nơi phà Sewol chìm để chờ tin con.

Cuộc đời bà dừng lại ở thời điểm ngày 16/4 ba năm trước. Bà cũng chính là một trong những người tham gia cuộc tuần hành kêu gọi phế truất Tổng thống Park Geun-hye. Khi nhìn thấy chiếc phà nổi lên mặt nước với lớp gỉ sét bao trùm, một lần nữa trái tim người mẹ thắt nghẹn bởi nỗi đau và sự phẫn uất.

Ông Kim Nae-geun, bố của học sinh Min-ji đã qua đời nói rằng, lúc này ông chỉ biết nguyện cầu quá trình đóng lại hồ sơ phà Sewol sẽ thuận lợi.

Ông nói: “Chúng tôi không thể có lại người thân yêu đã mất. Chúng tôi cần nhìn thấy những thi thể còn lại, dù biết hy vọng ấy vô cùng mong manh. Quan trọng hơn, chúng tôi cần chạm đến sự thật”.

Vụ chìm phà Sewol là thách thức với chính quyền Hàn Quốc vì đã để lộ quá nhiều kẽ hở trong quản lý.  Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là những người có thẩm quyền đã làm gì khiến việc phản ứng sau khi phà chìm quá chậm trễ, kể cả quá trình trục vớt cũng bị kéo dài. 

Trong cuộc bỏ phiếu ra quyết định phế truất Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, tình tiết liên quan đến việc bà Park đã “mất tích” vô cớ trong bảy tiếng đồng hồ sau thời điểm xảy ra sự cố được ví như giọt nước tràn ly.

Chính vì phản ứng chậm trễ của bà Park đã dẫn đến hậu quả con số thiệt mạng lên đến 304 người. Nhiều chuyên gia đường thủy cho biết, nếu được ứng cứu kịp thời, sự việc đã không tang thương đến mức như thế.

ANH THÔNG (Theo Korea Times, Yonhap, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI