Sự thật về các 'em chã' Nhật Bản: vừa lười vừa ăn bám

30/04/2017 - 06:36

PNO - Người Nhật có khái niệm 'parasaito shinguru', để chỉ người độc thân ký sinh, chỉ muốn ăn cơm cha mẹ, hưởng thụ cuộc đời vô lo, không vướng bận.

Đương nhiên, họ không bao giờ nhận lấy trách nhiệm với ai cả. Hiện tượng này bắt đầu nổi lên hai thập kỷ gần đây.

Su that ve cac 'em cha' Nhat Ban: vua luoi vua an bam
Chị Hiromi Tanaka

Hiện ở Nhật Bản có khoảng 4,5 triệu người từ 35-54 tuổi không có việc làm ổn định đang sống cùng cha mẹ. Những đối tượng này không có tiền phúc lợi, vì rõ ràng, họ vẫn trong tuổi lao động nên không có lý do gì xã hội phải chu cấp chi phí sinh hoạt cho họ.

Do thói quen sống thoải mái từ nhỏ, họ không biết dành dụm. Khi cuộc sống không như ý, họ đã tự đẩy mình vào cảnh sống bám gia đình. Hiện tượng này thật sự là mối đe dọa trong bối cảnh dân số già ngày càng tăng ở Nhật.

20% đối tượng trên dựa hoàn toàn vào nguồn chu cấp từ cha mẹ. Một thực tế mà họ dù tránh không nhắc đến nhưng cũng sẽ phải xảy ra, đó là họ phải sắp xếp cuộc sống riêng, độc lập như thế nào khi cha mẹ già cả, qua đời. 

Hiromi Tanaka (54 tuổi) tự nhận mình là người độc thân ký sinh. Cô từng là ca sĩ hát bè cho các nhóm nhạc pop. Giờ đây, cô sống dựa vào thu nhập dạy nhạc tại gia và công việc này khá bấp bênh vì không phải lúc nào cũng có học viên.

Hiromi Tanaka không có khoản dành dụm nào vì cô vẫn giữ thói quen tiêu xài thoải mái. Thu nhập cô kiếm được chỉ nuôi bản thân. Các khoản chi phí sinh hoạt của gia đình đều đến từ khoản lương hưu của người mẹ.

Bố của Hiromi Tanaka qua đời năm ngoái, khiến phần tiền sinh hoạt gia đình giảm phân nửa. Ấn tượng mạnh nhất khi gặp Hiromi Tanaka là cô như một thiếu nữ ngoài 20, vẫn vô tư, lãng mạn.

Cuộc đời quá an toàn và cô chưa từng va vấp, khiến cô không thể tưởng tượng mình sẽ phải sống một mình ra sao. Thế nhưng, ít nhất cô cũng hiểu được rằng: “Nếu chuyện không hay xảy ra, có lẽ tôi và mẹ ngã gục cùng lúc”.

Su that ve cac 'em cha' Nhat Ban: vua luoi vua an bam
Ảnh Akihiro Karube

Nhà xã hội học Masahiro Yamada thuộc Đại học Chuo là người đặt ra khái niệm “parasaito shinguru” - người độc thân ký sinh vào năm 1997. Ông liên kết điều kiện xã hội trong thập niên 1990 và rút ra mối liên hệ dẫn đến hiện tượng đang dần trở thành hệ lụy của nước Nhật ngày nay.

Theo nhà xã hội học Masahiro Yamada, bong bóng kinh tế trong giai đoạn này đã tạo nên tâm lý cần ăn sung mặc sướng, cần hưởng thụ tối đa với nhiều thanh niên Nhật.

Họ không muốn kết hôn và nghĩ rằng cần nhiều thời gian nuông chiều bản thân hơn nữa. Ngoài ra, họ không tự xây dựng cuộc sống độc lập mà quyết định ở nhà với bố mẹ. 1/3 trong số thanh niên ngày ấy không kết hôn nay đã 50 tuổi và trở thành người độc thân chưa trưởng thành.

Chuyên gia Masahiro Yamada đặt vấn đề: nếu những người con này xài hết tiền của cha mẹ để lại thì họ sẽ đi đâu, về đâu, liệu có tạo thêm gánh nặng cho xã hội hay không?

Người độc thân ký sinh có điểm chung là chưa từng lo lắng về tương lai. Đến khi có biến cố xảy ra, họ không thể xoay xở và không còn lựa chọn nào khác là dựa vào bố mẹ.

Anh Akihiro Karube (53 tuổi) từng làm cho công ty quảng cáo, kiếm được nhiều hơn nhưng có cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Anh dọn về nhà bố ruột và cùng lúc phát hiện mình bị bệnh Parkinson.

Anh phải nghỉ việc và hiện tại sống nhờ lương hưu của người bố 84 tuổi ở Tokyo. Akihiro Karube hối hận vì mình đã sống cuộc đời quá vô tư. Nếu chịu khó dành dụm, lo cho tương lai, anh đã không phải lâm vào cảnh bấp bênh như hôm nay. 

Anh Hirotoshi Moriyama là nhân viên tình nguyện hỗ trợ kiếm việc làm cho đối tượng tuổi trung niên.

Anh chia sẻ: “Thị trường việc làm ngày càng khắc nghiệt ở Nhật Bản và việc ngắt quãng thời gian không đi làm cũng tạo nên rào cản cho những đối tượng mong muốn có việc làm trở lại”. 

Độc thân được cho là khái niệm thể hiện sự lựa chọn cá nhân, nhưng xét trên bình diện cân bằng xã hội, độc thân đi cùng thái độ chỉ biết hưởng thụ sẽ gây ra hệ quả mà nếu người Nhật không thay đổi, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.

Dự đoán đến năm 2065, dân số nước này chỉ còn 88 triệu người so với 127 triệu hiện nay. Đến năm 2115, nếu không có sự cải thiện thì dân số Nhật sẽ tụt xuống còn 51 triệu người. 

Anh Thông (Theo Independent, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI