Phục hồi tâm trí từ bài học thiên nhiên

27/05/2017 - 06:30

PNO - Trong khu vườn nhỏ phía sau một trường mầm non ở Portland (Mỹ), bé Abbigail (ba tuổi) vui vẻ chơi đùa với đất, xẻng và cỏ cây.

Em từng bị chứng chậm nói, e ngại người lạ, nhưng từ khi được tham gia chương trình học ngoài trời Sprouts, Abbigail dần nói được từng từ, rồi câu đơn giản và giờ em đã hoàn toàn nói chuyện thoải mái trước đám đông.

Cô Jill Barnes, giáo viên mầm non chương trình Sprouts cho biết, cô từng chứng kiến nhiều trường hợp trẻ có vấn đề với hành vi giao tiếp đã có thể hòa nhập trở lại sau khi trải qua “liệu trình” được cung cấp đầy đủ vitamin N (N-Nature - thiên nhiên).

Trong khuôn viên các trường mẫu giáo theo chương trình Sprouts ở Portland, các em tha hồ được lấm lem với bùn đất, được tắm nắng, được hòa mình vào thiên nhiên.

Môi trường thiên nhiên không chỉ tốt cho trẻ mà còn là rất lý tưởng cho người lớn. 

Phuc hoi tam tri  tu bai hoc thien nhien
Hoạt động thuộc chương trình Sprouts của một trường mầm non ở Portland

Sille Lundquist, người sáng lập chương trình Being Human ở Đan Mạch đã thiết kế “phác đồ” trị liệu dành cho khách hàng qua việc đưa họ ra bìa rừng tìm kiếm không gian tinh khiết và an lành, giúp tâm hồn họ cân bằng trở lại.

Sille Lundquist từng là một người mẫu có bằng triết học và bằng huấn luyện viên thiền.

Ban đầu, công việc của cô là giúp khách hàng tìm kiếm sự cân bằng nội tâm sau những chấn thương tâm lý, những căng thẳng do áp lực công việc, cuộc sống.

Dần dần, cô phát hiện tác dụng cực kỳ hiệu quả khi cho khách hàng kết nối với thiên nhiên.

Chương trình Being Human khá đa dạng với những đêm cắm trại, cùng nhau ngắm bầu trời, cùng thức dậy sớm nghe chim hót, tận hưởng âm thanh của núi rừng, tận tay chạm những giọt sương trên lá.

Being Human còn có những chuyến thám hiểm rừng ba-bốn ngày đêm, các thành viên tham gia được học kỹ năng sinh tồn, cách đốt lửa, cách chọn rau trái sạch, bắt cá, nướng cá, chuẩn bị chỗ ngủ qua đêm…

Tất cả những hoạt động này nhằm mục đích duy trì sự sống, giúp mọi người kết nối với thiên nhiên một cách dễ dàng. 

Phuc hoi tam tri  tu bai hoc thien nhien
Cô Sille Lundquist, người sáng lập chương trình Being Human

Sian Sutherland, một nữ doanh nhân luôn tất bật với công việc ở London đã cùng con trai là Tom (21 tuổi), tham gia chuyến thám hiểm miền Bắc Thụy Điển theo chương trình Being Human.

Dù đã trưởng thành nhưng Tom hầu như chẳng biết gì ngoài những kiến thức chuyên môn. Sinh nhật của mình, Tom thổ lộ với mẹ là cậu không thích quà mà cần sự trải nghiệm.

Sau hành trình khám phá này, Tom như trở thành một chàng trai mới: “Khi ở London, tôi cứ nghĩ đời mình chỉ có học hành, hối hả vì nỗi lo chậm chân trước guồng quay điên cuồng của cuộc sống hiện đại.

Khi được ngồi xuống cùng mọi người, lắng nghe những trải nghiệm, tự tay tìm kiếm công cụ sinh tồn, tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa của sự kết nối với chính mình”. 

Tác giả người Mỹ Richard Louv từng viết nhiều cuốn sách đề cập đến chứng rối loạn thiếu hụt thiên nhiên - khái niệm do anh đặt tên, trong hai cuốn Last Child in the Woods (Đứa trẻ cuối cùng chơi trong rừng) và The Nature Principle (Quy luật thiên nhiên) đã chỉ ra “vi chất” thiết yếu cho sức khỏe thể chất và tinh thần là vitamin N (N-Nature: thiên nhiên).

Richard Louv sinh ra ở vùng quê, màn hình duy nhất mà bọn trẻ như anh ngày xưa biết đến là màn hình ti vi. Hàng ngày, anh cùng nhóm bạn được thoải mái hò hét, được nhễ nhại mồ hôi và được lấm bẩn ngoài trời.

Với anh, đó là bài học kỹ năng sống mà không một trường lớp nào đào tạo được. Khái niệm về chứng rối loạn thiếu hụt thiên nhiên của Louv đã được Tổ chức quốc gia cho những nơi có giá trị lịch sử hay vẻ đẹp thiên nhiên của Anh (National Trust) đưa vào văn bản hướng dẫn chính thức.

National Trust muốn từ khái niệm này gợi ý cho chính phủ có những điều chỉnh hợp lý trong chính sách cộng đồng. Theo khảo sát của tổ chức này, nếu so với thập niên 1970 thì hiện các hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ em đã giảm đến 90%.

Các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh công dụng của vitamin N. Đại học Illinois phân tích giấc ngủ của 250.000 người và nhận ra càng ở gần không gian xanh, giấc ngủ càng tốt hơn. 

Thiên Anh (Theo The Star Daily Mail, Portland Press Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI