Philippines tố Trung Quốc xây dựng thêm đảo ở Biển Đông

07/02/2017 - 17:34

PNO - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm 7/2 cho biết Trung Quốc đang cố gắng xây dựng trên rạn san hô ngoài khơi bờ biển Philippines, một động thái được cho là "không thể chấp nhận" trên tuyến đường thủy quan trọng ở Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của AFP, Bộ trưởng Delfin Lorenzana cho biết ông tin rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ đòi lại bãi cạn Scarborough, nơi chỉ cách đảo chính Luzon của Philippines 230km. Bắc Kinh đã xây dựng một số đảo nhỏ và các rạn san hô ở Biển Đông, đồng thời lắp đặt các cơ sở quân sự trên một số đảo nhân tạo ở đây.

Philippines to Trung Quoc xay dung them dao o Bien Dong
Sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh: AFP

Các nhà phân tích nói rằng việc lắp đặt tương tự trên bãi cạn Scarborough có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc khả năng kiểm soát quân sự hiệu quả con đường thủy tranh chấp - một động thái Hoa Kỳ tuyên bố là không thể chấp nhận được.

Bộ trưởng Lorenzana nói "họ lấn chiếm” khi nhắc lại cuộc đối đầu năm 2012 với kết quả tàu chiến của Philippines phải rời đi. Ông nói: "Họ chiếm ba hòn đảo lân cận và tìm cách chiếm thêm Scarborough, điều này chúng tôi không thể chấp nhận được”.

"Nếu chúng ta cho phép họ (tiếp cận), họ sẽ xây dựng. Điều đó rất đáng lo ngại. Thậm chí đáng lo ngại hơn so với Đá Chữ Thập, vì đây rất gần đất liền”, ông Lorenzana đề cập đến một trong những rạn san hô Philippines tuyên bố chủ quyền hiện Trung Quốc đã xây dựng trên đó. Do vị trí của rạn san hô, một tiền đồn quân sự khác ở bãi cạn Scarborough được xem như là “bước cuối cùng” cần thiết để kiểm soát biển.

Một tiền đồn ở bãi cạn cũng có thể đưa máy bay chiến đấu và tên lửa Trung Quốc đến khoảng cách “trong tầm bắn” đối với các lực lượng Mỹ đồn trú ở Philippines.

Năm ngoái, một tòa án được LHQ hậu thuẫn đã giải quyết đơn kiện của chính quyền cựu Tổng thống Benigno Aquino đối với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc và phán quyết tuyên bố lãnh thổ của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Tổng thống kế nhiệm – ông Rodrigo Duterte – theo các nhà phân tích đánh giá, đã “ve vãn” Bắc Kinh và bước ra khỏi mối quan hệ gần gũi với Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nói rằng nỗ lực cải tạo đảo của Trung Quốc nhắm đến mục tiêu kiểm soát Biển Đông. "Đó có thể là chiến lược của họ để chống lại bất cứ siêu cường nào xâm phạm vào khu vực Biển Đông, vì họ tin rằng Biển Đông giống như một cái hồ của họ”, ông Lorenzana nói.

Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ ra họ sẽ đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm củng cố quyền kiểm soát Biển Đông. Trước đó, trong phiên điều trần phê chuẩn Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson - ứng viên vào chức vụ này – tuyên bố Mỹ sẽ phong tỏa không cho Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo đã xây dựng, mặc dù các nhà phân tích nêu rõ điều này sẽ đòi hỏi một cuộc phong tỏa quân sự, tức là một hành động chiến tranh.

THANH HẢI (Theo AFP, The Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI