Nhiệm vụ siêu mật của ứng viên Ngoại trưởng Mỹ khi gặp ông Kim Jong Un

18/04/2018 - 14:00

PNO - Có 2 người trực tiếp biết về cuộc gặp này đã xác nhận với báo Washington Post về chuyến đi siêu-mật của giám đốc CIA Mike Pompeo đến CHDCND Triều Tiên đúng dịp lễ Phục sinh vừa qua.

Ông Pompeo đi với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Nhiem vu sieu mat cua ung vien Ngoai truong My khi gap ong Kim Jong Un
Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ, Giám đốc CIA, Mike Pompeo (trái) đã có cuộc tiếp xúc bí mật với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Chuyến đi bất thường này của một trong những nhân vật thân tín nhất của ông Trump được cho là để tiền trạm cho các cuộc hội đàm tới đây giữa ông Trump và ông Kim về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Chỉ tới khi ông Pompeo được đề cử chức Ngoại trưởng Mỹ, nhiệm vụ bí mật này mới được tiết lộ.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tuần trước trong buổi điều trần để được phê chuẩn làm Ngoại trưởng, ông Pompeo bảy tỏ "lạc quan rằng chính phủ Mỹ có thể đặt ra những điều kiện phù hợp cho các cuộc gặp đó để Tổng thống và nhà lãnh đạo Triều Tiên đối thoại, từ đó đi đúng lộ trình để đạt được cái kết quả ngoại giao mà nước Mỹ tha thiết – nước Mỹ và thế giới đều tha thiết – đạt được".

Ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hôm qua 17/4, ông Trump cũng có ý ám chỉ cuộc tiếp xúc mặt đối mặt đặc biệt đó giữa ông Kim và ông Pompeo khi nói Mỹ đã có những trao đổi trực tiếp “ở các cấp rất rất cao” với Triều Tiên.

Nhưng ngài Tổng thống không nói cụ thể. Ông Trump từng nói sẽ ngồi lại với ông Kim đâu đó khoảng đầu tháng 6, có khi còn sớm hơn.

Có vẻ như ông Pompeo đang đảm nhận vai trò tiên phong trong các cuộc đàm phán giữa chính quyền Trump với Bình Nhưỡng. 

Cuộc gặp của ông với ông Kim chính là cuộc gặp cao cấp nhất giữa hai bên kể từ năm 2000. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Madeleine Albright đã hội đàm với Chủ tịch Kim Jong Il, cha của đương kim lãnh đạo Triều Tiên, về các vấn đề chiến lược.

Khoảng một tuần sau chuyến đi đến Triều Tiên của ông Pompeo, các quan chức Mỹ nói rằng các quan chức Triều Tiên đã trực tiếp xác nhận việc ông Kim sẵn sàng đàm phán về khả năng giải trừ vũ khí hạt nhân.

Điều này cho thấy, hai bên đã tận dụng nhiều kênh đối thoại để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, cũng như cho thấy chính quyền Mỹ tin tưởng vào sự nghiêm túc của Triều Tiên trong việc thúc đẩy cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất.

Mỹ và Triều Tiên vốn không có quan hệ ngoại giao, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ đã qua lại nước này khá nhiều, Washington cũng sử dụng các kênh ngầm để trao đổi với Bình Nhưỡng.

Nhiem vu sieu mat cua ung vien Ngoai truong My khi gap ong Kim Jong Un
Tổng thống Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.

"Triều Tiên đang hợp tác," ông Trump nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Mar-a-Lago. "Hàn Quốc đang tiếp xúc và có kế hoạch tiếp xúc với họ để xem có thể chấm dứt chiến tranh không, và tôi cầu chúc cho họ trong việc này".

Trong cuộc gặp với ông Abe, ông Trump cũng tự nhận công lao trong những tiến bộ gần đây liên quan đến Triều Tiên.

Ông Trump nói các quan chức Hàn Quốc đã rất hào hiệp mà nói rằng “nếu không có chúng tôi, đặc biệt là nếu không có tôi, Triều Tiên sẽ không bàn bạc cái gì hết và Thế vận hội vừa qua sẽ thất bại".

Ông Trump ngụ ý đến Thế vận hội mùa đông tổ chức ở Pyeongchang hồi tháng 2 vừa rồi, sự kiện mà Seoul đã tận dụng như một cơ hội để mở lại các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Triều Tiên cử các vận động viên và các quan chức cấp cao đến tham dự, được cho là dấu hiệu ấm lên trong quan hệ với Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Mỹ.

Và trong sự biến chuyển ngoại giao khó lường này ở Đông Á, ông Trump tự cho rằng mình đang nắm dây cương.

"Đang có cơ hội rất lớn để giải quyết vấn đề của thế giới này," ông Trump nói. "Đây đâu phải vấn đề của riêng nước Mỹ. Cũng chẳng phải vấn đề của riêng Nhật Bản hay một quốc gia nào khác. Đây là vấn đề của cả thế giới".

Được biết, tuần tới ông Kim jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có kế hoạch gặp nhau ở khu phi quân sự giữa hai nước.

Còn cuộc gặp đang được đốc thúc giữa ông Trump và ông Kim thì sẽ tổ chức ở một địa điểm ngoài bán đảo Triều Tiên. Các chủ nhà tiềm năng mà chính quyền Mỹ đang xem xét nằm ở Đông Nam Á và châu Âu.

Đại An (theo Straits Times/Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI