'Góa phụ đen' U70 săn mạng người tình gây rúng động Nhật Bản (Phần 2)

16/07/2017 - 08:30

PNO - Trước khi bị bắt, Chisako đã phủ nhận hành vi giết chết những người đàn ông, than khóc rằng mình là nạn nhân của một chuỗi bất hạnh và thảm họa.

Hành trình tội ác

Theo lời các phóng viên, bà ta có thần thái hết sức linh hoạt, khi thì ấm áp và dễ thiện cảm, khi lại tỏ ra lạnh lùng, tính toán.

'Goa phu den' U70 san mang nguoi tinh gay rung dong Nhat Ban (Phan 2)
Nữ sát thủ U70 đã gây ra cái chết của nhiều người chồng và tình nhân.

Họ cũng suy đoán rằng bà ta đã rất thất vọng với cuộc sống của mình. Vốn tốt nghiệp từ một trường trung học hạng ưu, nhưng ngay từ khi còn trẻ, bà Chisako đã bị cha mẹ cấm đoán, không cho học tiếp lên đại học.

'Góa phụ đen' U70 săn mạng người tình gây rúng động Nhật Bản (Phần 1)

Sau đó, bà kết hôn với một tài xế xe tải và sau này ông đã mở một công ty in nhỏ. Ông qua đời đột ngột vào năm 1994 ở tuổi 54.

Dù cảnh sát có nghi ngờ về nguyên nhân dẫn đến cái chết này, họ cũng không thể tiến hành điều tra được nữa: người chồng đầu của Chisako, cũng như hầu hết các nạn nhân khác của nữ sát thủ U70, đã được hỏa táng theo phong tục Nhật Bản.

Năm 2004, Chisako kết hôn với chủ tịch của một công ty dược phẩm nhỏ. Hai năm sau đó, 2006, ông qua đời ở tuổi 67.

Theo cảnh sát, tổng cộng, Chisako có liên quan đến bảy cái chết, trong đó gồm bốn người chồng (bao gồm nạn nhân cuối cùng là ông Kakehi), và ba người tình - hôn phu.

Thậm chí có thời điểm, những mối quan hệ của người đàn bà này trở nên chồng chéo với nhau. Vào tháng 2/2008, khi Chisako kết hôn lần thứ ba với chủ đất đất 75 tuổi, thì trong lúc đó,  bà ta cũng hẹn hò với một chủ tiệm quần áo ngoài 70.

Hai người đàn ông này lần lượt chết chỉ trong vòng 2 tháng, vào tháng 2 và tháng 5, năm 2008.

Giới điều tra cho hay, vào thời điểm bị bắt, bà Chisako đã đang hẹn hò với ít nhất hai người khác. Cảnh sát cũng đã cảnh báo họ về những nguy cơ mà họ phải đối mặt.

Ngày 26/6/2017, bà Chisako chính thức bị truy tố, buộc tội giết ông Kakehi và hai người tình khác, cùng âm mưu giết một người bạn trai mà bà ta đang hẹnhò. Vào tháng 7/2017, phiên tòa xét xử tội ác giết người hàng loạt của Chisako Kakehi đã diễn ra.

Tại đây, bà ta bình thản thú nhận: “Tôi đã giết chết chồng mình. Tôi không có ý định che giấu tội lỗi. Tôi sẽ cười và sẵn sàng chết, nếu như bị kết án tử hình vào ngày mai”.

Trình bày về nguyên nhân dẫn đến tội ác của mình, bà ta cho biết: “Tôi không có tiền sau khi cưới ông ấy. Tôi cảm thấy tôi bị Isao Kakehi đối xử bất công so với người phụ nữ trước đó của ông ta và tôi vô cùng căm tức”.

Các luật sư bào chữa của bà Chisako cho rằng, khi gây án, bà ta đã mắc bệnh sa sút trí tuệ và không có khả năng ghi nhớ chính xác chi tiết về những lần chồng, người tình của bà tử vong.

'Goa phu den' U70 san mang nguoi tinh gay rung dong Nhat Ban (Phan 2)
Tội ác của Chisako Kakehi phơi bày tính dễ thương tổn của một xã hội đang lão hóa dần.

Mặt trái của dân số ngày càng già

Hiroyuki Kurokawa, một tiểu thuyết gia đã xuất bản một bộ phim kinh dị về tội phạm cho biết, người già là mục tiêu dễ dàng của bọn tội phạm bởi vì họ rất sẵn tiền bạc, lại sợ sự cô đơn.

Theo ông Kurokawa, tội ác của Chisako đã phơi bày tính dễ thương tổn của một xã hội đang lão hóa dần. “Giờ đây người ta sợ vụ việc tương tự có thể xảy ra với họ. Tuổi già đang ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn”, ông Kurokawa nhận xét.

Trường hợp của “góa phụ đen” Chisako đặc biệt gây chú ý, bởi bà ta vừa là người cao tuổi, lại là một phụ nữ.

Một số người hàng xóm cũ của Chisako và ông Kakehi tại Muko, khu ngoại ô nhỏ nằm bên ngoài thành phố Kyoto, cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi của bà ta có thể là sự tuyệt vọng kinh tế trong một xã hội nơi phụ nữ thường bị trả lương ít hơn nam giới, kể cả tiền lương hưu.

Keigo Sada, 51 tuổi, một tài xế xe tải, hàng xóm cách hai căn nhà của ông Kakehi xấu số, cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều này bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới vì tuổi tác. Bà ấy đang tìm cách kiếm tiền dễ dàng hơn”.

Theo một báo cáo của nhà chức trách, bà Chisako có thể thu được tới 8,8 triệu USD từ những người chồng và tình nhân đã qua đời.

Trong những năm gần đây, số vụ án nhằm vào người cao tuổi tại Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng, mặc dù theo thống kê của cảnh sát, dân số già đã làm giảm số lượng các tội ác hình sự nói chung trong xã hội.

Một trong những kiểu lừa đảo thường xuyên nhất với người lớn tuổi tại Nhật là gọi điện cho họ, mạo nhận là con cái và yêu cầu gửi tiền.

Xã hội Nhật Bản ngày càng mở cửa, lối sống ngày càng Tây hóa, nên phong tục tập quán tại quốc gia phương Đông cũng đã bị thay đổi. Người già thường sống một mình, từ đó, dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ tội phạm.

Lan Phương (Theo Nytimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI