Người dân Thành Đô đòi chôn lại tê giác đá để trị thủy

14/07/2018 - 11:03

PNO - Cảnh sát Trung Quốc phải dùng truyền thông xã hội để chống lại một chiến dịch đòi chôn lại bức tượng tê giác cổ 2.300 tuổi, nhằm trấn giữ hệ thống thủy lợi, ngăn ngừa lụt lội.

Nguoi dan Thanh Do doi chon lai te giac da de tri thuy
Con tê giác đá được chôn cách đây 2.300 năm, được cho là để ngăn lũ lụt - Ảnh: Sina

Cảnh sát thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc bảo vệ quyết định trừng phạt một phụ nữ "lan truyền tin đồn" nói rằng việc khai quật bức tượng cổ đã gây mưa lớn và lũ lụt nặng trong khu vực.

Theo đó, cuối tháng trước, người phụ nữ tên là Yang lên mạng xã hội và yêu cầu chính quyền đưa tác phẩm điêu khắc về vị trí ban đầu để trị thuỷ. Ngay sau đó, nhiều người dùng truyền thông xã hội Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách tương tự. 

"Một số người không hiểu tại sao người phụ nữ bị trừng phạt, bởi vì họ không biết có bao nhiêu cư dân ở Thành Đô, Tứ Xuyên tin lời bà ta và đã gửi yêu sách cho thị trưởng về vấn đề này", cảnh sát cho biết trên trang mạng xã hội Weibo ngày 12/7.

Con tê giác đá 2.300 năm tuổi được các nhà khảo cổ khai quật tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2013.

Bức tượng dài hơn 3 mét và cao gần 2 mét, và theo trang web của Bảo tàng Thành Đô, nó có thể được chuyên gia thủy nông nổi tiếng Li Bing chôn cất.

Ông Li - sống dưới thời nhà Tần hơn 2.200 năm trước – là người thiết kế hệ thống thủy lợi hoạt động lâu đời nhất trên thế giới mang tên Dujiangyan.

Hệ thống này, đến nay vẫn tưới tiêu cho hơn 668.700 ha đất nông nghiệp, đã được Unesco công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2000.

Theo một truyền thuyết phổ biến ở địa phương, tê giác là thú thần có thể giúp ngăn chặn lũ lụt, và một số biên niên sử tuyên bố rằng ông Li Bing đã chôn 5 con tê giác đá để ngăn chặn lũ lụt sau khi xây dựng hệ thống tưới tiêu Dujiangyan.

Nguoi dan Thanh Do doi chon lai te giac da de tri thuy
Dujiangyan ở Tứ Xuyên là hệ thống thủy lợi lâu đời nhất thế giới - Ảnh: Xinhua

Tứ Xuyên ghi nhận lượng mưa cao hơn mức bình thường trong mùa hè này, với lượng mưa lớn hơn 80mm trong 5 ngày, trong tháng vừa qua. Mưa lớn gây lũ lụt trên diện rộng khiến 94.300 người phải sơ tán khỏi nhà cửa của họ và gây thiệt hại ước tính 3 tỷ nhân dân tệ (452 ​​triệu USD).

Đầu tuần này lũ lụt gây ra lở đất làm thiệt mạng 3 người và khiến cho hàng ngàn hành khách bị kẹt lại tại các sân bay địa phương.

Một nhân viên Bảo tàng Thành Đô nói với tờ Southern Metropolis News hôm 12/7 rằng "không có bằng chứng khoa học cho thấy việc khai quật bức tượng tê giác gây ra mưa lớn và lũ lụt trong mấy tuần qua, vì bây giờ đang là mùa mưa ở miền nam Trung Quốc”.

Văn phòng thị trưởng Thành Đô thậm chí còn đưa ra thông tin khu vực này bị các trận lũ lụt lớn nhất từ trước đến nay trong các năm 1947 và 1981 trong khi bức tượng vẫn được “yểm” dưới đất.

Tuy nhiên, dường như các thông tin khoa học này không thuyết phục được nhiều "cư dân mạng", không ít người vẫn tin vào tác dụng trị thủy của con tê giác đá.

Họ viết yêu sách gửi thị trưởng: "Thưa ngài, hãy suy nghĩ thấu đáo việc này và đặt lại con tê giác ở nơi nó được chôn. Tổ tiên chúng ta có lý do để làm như vậy!”

Hoàng Diệu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI