Ngộ độc sau khi ăn thực phẩm độc hại

14/04/2016 - 08:28

PNO - Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ cho biết tôi bị ngộ độc thịt heo, nguyên nhân có thể do trong quá trình vận chuyển, bày bán, bảo quản…

Ngay sau khi chuyên mục Tuyên chiến với thực phẩm độc hại mở ra trên báo Phụ Nữ, qua Đường dây nóng, tòa soạn đã nhận được nhiều phản ảnh của bạn đọc về tình hình ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng.

Ăn cá ngừ bị… hôn mê

Trong một lần sang Q.4 công tác, tôi ghé vào quán cơm bình dân đối diện với Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.4, đường Tân Vĩnh, P.6, Q.4 gọi món cá ngừ kho thơm. Sau khi ăn khoảng một giờ, tôi thấy đau đầu, mặt nổi mẩn đỏ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ hiện tượng mặt đỏ, đau đầu là do đi nắng nhiều. Tuy nhiên, cơn đau ngày càng tăng, không chịu nổi, tôi phải mua thuốc giảm đau uống nhưng cơn đau vẫn không giảm. Sau đó, tôi buồn nôn, khó thở, tứ chi đột nhiên tê cứng khiến tôi không đứng được, té ngã.

Cấp cứu tại BV Bình Dân, tôi rơi vào hôn mê, dù các bác sĩ đã tiến hành chích thuốc nhưng tôi vẫn rơi vào trạng thái lơ mơ, không tỉnh táo. Trên đường chuyển viện sang BV Nhân Dân 115, tôi bị chóng mặt và nôn ói dữ dội. Đến BV Nhân Dân 115, các bác sĩ xác định, do tôi ăn phải cá ngừ không còn tươi, nồng độ histamin sản sinh nhiều hơn bình thường nên bị ngộ độc. May được cấp cứu kịp thời nếu không có thể đã tử vong.

Nguyễn Thị Hoa (Q.1, TP.HCM)

Ngo doc sau khi an thuc pham doc hai
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Ăn thịt heo bị nôn và tiêu chảy Lâu nay, trên đường đi làm về, tôi thường ghé khu chợ chiều (chợ Thái Bình, Q.1, đường Cống Quỳnh) mua thịt, cá cho tiện. Hôm đó, tôi mua một ký thịt heo ở quầy đặt ngay lề đường Cống Quỳnh, trước cổng chợ, về kho trứng. Thịt nhìn còn rất tươi, hồng hào, cứng chứ không mềm - tôi vẫn thường dựa vào các tiêu chí này để đánh giá thịt heo còn tươi hay đã ươn.

Tối hôm đó, tôi chỉ ăn nửa chén cơm với một miếng thịt, nhưng tôi bị đau bụng, tiêu chảy, nôn. Người nhà ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho tôi uống nhưng triệu chứng vẫn không giảm mà còn tăng nặng, tôi phải vào cấp cứu tại BV Nhân Dân 115.

Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ cho biết tôi bị ngộ độc thịt heo, nguyên nhân có thể do trong quá trình vận chuyển, bày bán, bảo quản… thịt đã bị nhiễm khuẩn Salmonella hoặc trong thịt có chứa kháng sinh Sulfadimidine vượt mức cho phép. Do cơ địa tôi nhạy cảm nên chỉ ăn một miếng thịt “bẩn” cũng bị ngộ độc. Từ đó tôi rút ra bài học xương máu là không bao giờ mua thịt, cá ở chợ chiều; miếng thịt dù tươi cứng, hồng hào chưa chắc là thịt “sạch”.

Lê Thị Ngà (Q.3, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI