Nghi vấn người được cho là Kim Jong Nam không chết vì chất độc VX

09/03/2017 - 14:39

PNO - Tạp chí New Scientist đặt ra một loạt nghi vấn về khả năng người được cho là Kim Jong Nam bị sát hại bởi chất độc thần kinh VX.

Một người đàn ông Triều Tiên tử vong ít phút sau khi bị tấn công tại sân bay Malaysia hôm 13/2 vừa qua. Hàn Quốc cho rằng nạn nhân này là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dù trên hộ chiếu ngoại giao của ông này ghi tên là Kim Chol.

Nghi van nguoi duoc cho la Kim Jong Nam khong chet vi chat doc VX
Người đàn ông tử vong sau khi bị tấn công tại sân bay Malaysia hôm 13/2 mang hộ chiếu có tên Kim Chol. Hàn Quốc cho rằng đây là Kim Jong Nam, anh trai của lãnh đạo Kim Jong Un.

Khi nhà chức trách Malaysia công bố xác định được chất độc trên mặt và mắt của nạn nhân là chất độc thần kinh VX, giới chuyên gia về vũ khí hóa học không khỏi  bàng hoàng.

Theo ông Richard Guthrie, từng công tác tại Viên nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, VX là chất độc nhất được biết đến – chỉ cần 10 milligram chất lỏng nhờn nhờn dính lên da, không đến một giọt, là đã chết người. Nhưng ông Kim phải đến một lúc sau mới có ít nhiều triệu chứng, trong khi kẻ tấn công cũng chẳng có biện pháp bảo vệ gì, và cũng không lây nhiễm sang ai khác.

Tuy nhiên, nếu việc sử dụng chất lỏng này được xác nhận, thì sẽ thu hẹp đối tượng tình nghi, chỉ còn những người đã hoặc có thể làm ra một lượng nhỏ chất VX. Không khó để làm, nhưng các tiền chất lại bị kiểm soát rất chặt.

Theo RT, Hàn Quốc nghi rằng Triều Tiên đứng sau vụ án mạng này, và có sở hữu vũ khí hoá học. Người ta ước tính nước này dự trữ khoảng 2.500-5.000 tấn chất độc, trong đó có những chất độc thần kinh như VX.

Trên thế giới chỉ còn 4 nước không tham gia hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hóa học, Triều Tiên là một trong số đó.

Những triệu chứng ghê gớm

Chính vì những điều bất thường nêu trên mà vụ án mạng tại tại sân bay Malaysia trở nên rất khó hiểu. VX được gọi là chất độc thần kinh chính bởi nó ức chế và phá hủy các hoạt chất chịu trách nhiệm truyền tín hiệu từ hệ thần kinh đến hệ cơ. Nạn nhân sẽ bị co rút cơ và chết do tê liệt đường thở. Họ cũng có thể bị co giật, sùi bọt mép, tím tái và có nhiều triệu chứng đáng sợ khác.

Nhưng cảnh sát Malaysia lại nói rằng có hai phụ nữ, Đoàn Thị Hương (Việt Nam) và Siti Aishah (Indonesia) phục kích ông Kim ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur và tạt vào mặt ông cái gì đó. Chính Kim cũng chạy đến phòng y tế ở sân bay và báo là bị bôi chất lỏng lên mặt và cay mắt.

Các đoạn phim trong camera an ninh cho thấy một người phụ nữ đúng là đã hành động như vậy. Nhưng nó cũng cho thấy ông Kim đi lại vững vàng đến vài phút để tìm kiếm sự giúp đỡ, không hề có các triệu chứng như co thắt hay sùi bọt mép.

Nghi van nguoi duoc cho la Kim Jong Nam khong chet vi chat doc VX
Người đàn ông Triều Tiên trình báo với nhân viên ở sân bay Malaysia sau khi bị tấn công. Khoảng 20' sau đó, ông tử vong khi trên đường đi cấp cứu. Ảnh: BBC

Hai nữ nghi phạm cầm một miếng vải mà không thấy một biện pháp bảo vệ nào, chứ không cầm kim tiêm. Có thông tin là hai người phụ nữ này sau đó đã đi vào nhà vệ sinh rửa tay, một trong số họ đã nôn. Cả hai đều đã tiếp xúc với VX nhưng có vẻ chẳng có chuyện gì xảy ra với họ cả, kể cả khi họ bị bắt sau đó không lâu.

“Dù bị dính một chút ít chất độc đó lên người thôi thì họ cũng sẽ có những triệu chứng như vậy,” chuyên gia vũ khí hóa học Jean-Pascal Zanders nói. “Họ bị bắt giam, nhưng không thấy một thông tin nào là họ có các triệu chứng đó.”

Không có nạn nhân nào khác

Hai nữ nghi phạm có thể đã được tiêm atropine trước đó, loại thuốc này có thể ngăn chặn tác động của VX. Nhưng các nhân viên y tế đã cấp cứu cho ông Kim, mà sau đó ông ta đã chết vì co giật, cũng tiếp xúc với VX và các loại chất độc khác, thì đâu có được tiêm gì trước đó.

Có thể họ đã bị nhiễm độc, chuyện này là bình thường trong các sự cố liên quan đến hóa chất, nhưng cũng chẳng thấy có báo cáo nào về các triệu chứng của VX. Hóa chất có thể ở dạng viên nang mà chỉ đến khi bôi lên mặt ông Kim mới giải phóng chất độc VX – nhưng như thế thì các nhân viên y tế vẫn có thể bị nhiễm độc.

Hơn nữa, nếu là VX, thì cả sân bay cũng có thể đã bị nhiễm độc, Zanders nói. Nhưng cảnh sát Malaysia cho biết mãi sau đó sân bay mới được làm sạch.

Cũng có thể là chất độc VX của Triều Tiên đã bị mất tác dụng. Người ta cho là chất độc này đã được tổng hợp từ nhiều năm trước khi nhập lậu được các tiền chất từ nước ngoài. Việc kiểm soát chặt chẽ có thể đã ngăn chặn việc thay thế các kho dự trữ, mà VX không thể để lâu trong kho.

Chất độc VX của Iraq mà các thanh sát viên LHQ tìm thấy sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, cũng đã xuống cấp nhanh chóng trong bình chứa.

Theo Zanders, để chắc chắn nhất thì phải gửi một mẫu pháp y của ông Kim đến một phòng thí nghiệm được Tổ chức ngăn chặn vũ khí hóa học cấp phép: có một phòng như vậy ở nước láng giềng Singapore.

Vũ khí nhị phân

Với việc một trong hai nữ nghi phạm bị nôn sau đó, có khả năng là vụ tấn công được thực hiện dưới một hình thức rất tinh vi. Do VX cực kỳ nguy hiểm, kể cả các vỏ bọc vũ khí để vận chuyển nó cũng thường được tách ra làm hai hóa chất riêng biệt, sulphur, và một hợp chất phức tạp nhưng không độc hại gọi là QL.

Những thứ vũ khí “nhị phân” này chỉ được trộn lẫn vào phút cuối để tạo ra VX. Cả Mỹ và Nga đều dự trữ nhiều vũ khí kiểu này trước khi tiêu hủy theo Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hóa học.

Ông Vipin Narang ở Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng chính vì thế mà cần hai người tấn công ông Kim, mà chỉ có một người bị ốm sau đó. Người đầu tiên có thể đã bôi chất lỏng chứa sulphur lên mặt ông ta. Người thứ hai cho thêm QL – và vì thế đã bị nhiễm một ít VX vừa hình thành, kể cả khi cả hai đã rửa tay ngay lập tức.

Nôn mửa là triệu chứng kinh điển của việc phơi nhiễm trong thời gian ngắn. Việc co giật khiến ông Kim qua đời sau đó cũng là do phơi nhiễm cao độ với VX.

Đại An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI